|
"Hoan hô quái kiệt Mai Văn Hòa" - đó là một trong rất nhiều băngrôn đón đoàn bóng bàn trở về sau chiến thắng vang dội 1958 |
Kể từ khi thể thao VN mở cửa vào cuối thập niên 1980 đến nay, chúng ta bắt đầu làm quen với việc các VĐV nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình, báo chí để quảng cáo cho các thương hiệu. VĐV được xem là đầu tiên ký hợp đồng quảng cáo là võ sĩ Trần Quang Hạ sau khi đoạt HCV taekwondo Asiad Hiroshima.
Tuy nhiên, chẳng có hợp đồng nào danh giá bằng hợp đồng của Mai Văn Hòa...
French Style - Mai Văn Hòa
Butterfly là nhãn hiệu số một thế giới từ xưa đến nay về mọi vật dụng phục vụ môn bóng bàn. Vào thời điểm thập niên 1950, Butterfly có mười loại vợt phục vụ dân chơi bóng bàn khắp thế giới. Mỗi một kiểu vợt như thế phù hợp cho một trường phái chơi bóng khác nhau.
Như tay vợt Lê Văn Tiết chơi loại Kenny Style, Mai Văn Hòa thì chơi French Style, những tay vợt cầm vợt theo kiểu “cầm thìa” thì xài Japanese Style... Tuy nhiên, trong cả mười kiểu vợt của Butterfly lưu hành trên khắp thế giới lúc đó duy nhất chỉ có kiểu French Style là trên cán vợt có chữ ký của danh thủ Mai Văn Hòa!
Chữ ký danh giá này đã đem lại cho ông Hòa bao nhiêu? Ông Lê Văn Tiết, một người cũng được Butterfly giới thiệu trong cuốn chào hàng của mình một cách trang trọng, bảo rằng: “Tôi không biết anh Hòa thì thế nào, phần mình, Butterfly có xin phép giới thiệu tên tuổi, cách cầm vợt của tôi trên cuốn sách của họ và đổi lại họ trang bị toàn bộ dụng cụ thi đấu, tập luyện cho tôi”.
Còn ông Trần Cảnh Đến - em ruột ông Trần Cảnh Được, và cũng là một tay vợt có hạng sau này của bóng bàn VN - cho biết: “Tôi với anh Hòa thân lắm. Ảnh chơi thân với anh Được và xem tôi như em ruột. Sự nghiệp bóng bàn của tôi có được là nhờ học từ anh Hòa. Tôi nhớ vào thời điểm đó anh Hòa nghèo lắm, gia đình cả chục người con mà tính ảnh lại rất phong lưu.
Hikosuke Tamasu - chủ tịch Tập đoàn Butterfly - trong cuốn hồi ký Những bài hát về tình hữu nghị thế giới viết về cuộc đời gắn bó với bóng bàn của mình (xuất bản năm 1993) đã có một đoạn nhắc đến Mai Văn Hòa: “Bóng bàn đã mang đến cho tôi những người bạn quí trên khắp thế giới, trong đó có các ông Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được... của VN. Họ là những người đã làm nên sự kiện mà không một người Nhật nào yêu bóng bàn có thể quên được vào năm 1958. Nhưng thật đáng tiếc ông Hòa mất quá sớm. Tôi đã bàng hoàng khi nghe tin ông ấy mất...”.
|
Sau chuyến đoạt HCV Asiad, anh có khoe với tôi rằng buồn ngủ thì gặp được chiếu manh, đang nợ nần tứ giăng với các chú Chà và (từ mà người Sài Gòn gọi các thương gia người Ấn lúc bấy giờ-NV) thì nhận được lời đề nghị của ông chủ Butterfly là Hikosuke Tamasu về việc khắc chữ ký lên cán vợt loại French Style mà ảnh sử dụng. Ảnh không cho biết hợp đồng này trị giá bao nhiêu nhưng tôi nghĩ là rất lớn, cũng phải vài ngàn đôla Mỹ, một khoản tiền rất lớn lúc bấy giờ nên ảnh đã trang trải được nợ nần”.
“Vạn lý trường thành”…
Bóng bàn ra đời vào khoảng thế kỷ 19 bởi các nhà quí tộc Anh ghiền môn quần vợt đã chế ra để chơi trong những lúc thời tiết mưa dầm, bão tố.
Riêng tại VN, bóng bàn theo chân các lính viễn chinh Pháp du nhập đến đất nước hình chữ S này khoảng năm 1920. Ngày ấy, nó là một trò chơi dành cho tầng lớp thượng lưu, sử dụng để làm phương tiện giải trí, giao lưu tiếp xúc với các ông tây bà đầm.
Song dần dần bóng bàn trở thành một môn thể thao bình dân, được giới học trò ưa chuộng, để rồi năm 1930 đã bắt đầu có những giải đấu tranh tài ở từng miền Bắc - Trung - Nam. Đến năm 1933, một giải đấu qui mô nhất đã được tổ chức là tranh chức vô địch Đông Dương, và một người Việt ở Campuchia đã đoạt chức vô địch là ông Đặng Tất.
Nhưng những gì mà bóng bàn VN có được ở lúc sơ khai ấy còn có khoảng cách rất xa so với trình độ thế giới. Cụ thể là vào năm 1938, một đoàn bóng bàn Hungary đã đến Sài Gòn thi đấu giao hữu, trong đó có cựu vô địch thế giới Miklos Szabados.
Tranh tài với các tay vợt khách, đại diện làng bóng nhựa VN gồm Ngọc Sơn đến từ Hà Nội, Nguyễn Đình Thi đến từ Nam Định và cặp Nguyễn Văn Khai, Trương Vĩnh Các của Sài Gòn. Đội chủ nhà đã thua cả bốn trận đơn nhưng màn trình diễn của Szabados đã làm ngây ngất giới mộ điệu.
Ông Mai Duy Diễn - phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN: "Năm 1958, khi ấy tôi vừa 16 tuổi, đã bắt đầu theo nghiệp bố - ông Mai Duy Dưỡng, vô địch bóng bàn Đông Dương, được vào đội tuyển bóng bàn miền Bắc. Qua báo chí, chúng tôi đã nghe được chiến thắng của các anh Hòa, Tiết, Được và phải nói là hết sức tự hào. Dù đất nước bị chia cắt nhưng chiến thắng thể thao của những VĐV miền Nam hay miền Bắc thì cũng thế thôi, đều là niềm tự hào của người Việt mình cả.
Tôi không được xem anh Hòa thi đấu chứ một vài đàn anh như anh Dương Kỳ Hưng đã xem hồi anh Hòa ra Hải Phòng, Hà Nội biểu diễn vào năm 1952 và ai cũng xem là thần tượng. Cho đến tận sau này, khi đất nước thống nhất, trong những lần xuất ngoại đi hội họp bóng bàn thế giới, rất nhiều người khi nghe tên tôi đã vội đến hỏi thăm có phải là anh em với ông Mai Văn Hòa không. Bởi họ cứ nghe đến "Mai" là nghĩ lập tức đến Mai Văn Hòa dù chúng tôi không bà con gì cả. Việc mấy chục năm trước mà vẫn còn được thế giới nhớ và nhắc đến là thật đáng tự hào".
|
Màn trình diễn của các tay vợt Hungary đã khiến bóng bàn phát triển mạnh mẽ tại Sài Gòn khi các lò mọc lên như nấm. Song phải đến gần chục năm sau - năm 1947, khi hai anh em Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa hồi hương từ Campuchia về thì bóng bàn VN mới bắt đầu gặt hái được những chiến thắng đáng khích lệ. Đầu tiên là tại cuộc viễn du của hai tay vợt hàng đầu nước Pháp lúc ấy gồm Michel Haguenauer và Guy Amouretti. Cả hai sau một loạt trận thắng như chẻ tre đã bị giội nước lạnh bởi thất bại 2-3 của Amouretti trước Mai Văn Hòa - người có lối chơi cắt bóng chắc như một bức tường đồng.
Những người yêu thể thao VN ngày ấy, nay đều đến tuổi thất thập cổ lai hi, bảo rằng đấu thủ nào gặp Mai Văn Hòa cũng nản bởi đánh với ông như đánh với... tường! Đập, “tiu”... cỡ nào ông cũng đỡ được. Chính vì thế nên không chỉ có báo chí trong nước, mà ngay nước ngoài cũng đặt cho Mai Văn Hòa biệt danh là “Vạn lý trường thành” của bóng bàn thế giới.
Thành tích của ông không chỉ là HCV đồng đội Asiad 1958, mà năm ấy còn đoạt luôn HCV đôi nam khi đứng cặp cùng Trần Cảnh Được đã hạ đôi Li Kou Tin - Son Ying Chen (Đài Loan) 3-1 trong trận chung kết. Hay trước đó, liên tiếp hai năm liền 1953 và 1954 ông đã đoạt HCV đơn nam châu Á. Trong bảng xếp hạng cá nhân của bóng bàn thế giới năm 1959 mà VN đã đoạt HCĐ, Mai Văn Hòa được xếp hạng thứ 12.
Đáng tiếc thay con người tài năng đó đã ra đi ở tuổi 45, sau một tai nạn giao thông trên đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) vào năm 1971. Các con của ông không ai theo nghiệp bóng bàn nhưng những người cháu (con chị ruột) lấy theo họ “Mai” của mẹ thì theo đuổi nghiệp banh nhựa.
Và hiện nay hai tay vợt nữ vào loại hàng đầu VN là Mai Hoàng Mỹ Trang và Mai Xuân Hằng là cháu gọi ông Mai Văn Hòa là ông cậu. Âu cũng là một chút an ủi cho ông nơi miền cực lạc...
Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình có một câu chuyện về Mai Văn Hòa mà tôi được nghe từ nhỏ và bán tín bán nghi không biết có thật không...
HUY THỌ