(ANTĐ) - Người hâm mộ thể thao dường như chỉ biết ông qua những tấm huy chương lấp lánh ở môn bóng bàn trong dịp Para Games. Ít ai biết để được vinh danh trên đài chiến thắng thì người đàn ông thương binh bị mất hai cánh tay ấy lại có cách khổ luyện thật “giản đơn”.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Ông Năng gỡ nhẹ những tấm huy chương để cẩn thận trong tủ ra, rồi “nhặt” từng chiếc giới thiệu về nó. “Đây, chiếc này tôi giành được tại Philippines năm 2005, chiếc này tôi có được vào năm 2006…” - giọng nói của ông Năng hơi trầm chứ không hào sảng như lúc phát biểu trên đài vinh quanh. Người lính là vậy, luôn điềm đạm và chan hòa. Làm thế nào để ông chơi được bóng bàn, mà lại giỏi ngang những người bình thường khác? Nhìn người đàn ông bị mất đến già nửa cả hai cánh tay, tôi ngạc nhiên hỏi thì ông cười và bảo. “Điều đầu tiên là tôi thích. Đã mê rồi thì làm được thôi. Làm nhiều ngày không được thì luyện nhiều năm tháng sẽ được…”. Ông mê bóng bàn từ khi còn trẻ. Trận bóng bàn ở đơn vị C12 D6 F57 vào những buổi chiều khi ấy của chàng lính trẻ đã làm cho đồng đội nể phục ở những cú đập bóng “cạo ria” bàn hạ gục đối phương. Thế rồi, vào một buổi trưa năm 1972, sau trận bom của kẻ thù, đôi cánh tay của ông đã không còn nữa…
Thời gian qua đi, vết thương lành lại. Đến năm 1995, khi thấy sức khỏe ổn định, ông trở về Tĩnh Gia, nơi quê hương và gia đình ông ở đó nghỉ ngơi. “Mức lương thương binh của tôi cũng đủ đồng ra đồng vào, hơn nữa con cái cũng đã lớn cả nên tôi cũng không phải vất vả như những người cùng cảnh khác. Tôi về được một thời gian, dành dụm ít tiền sắm máy rửa xe để lao động cho vui tuổi già. Dần dà tôi mua được cái bàn bóng, vừa để cho các cháu đến chơi, vừa để thỏa đam mê của mình” - người thương binh thong thả nói về duyên phận của mình đến với môn bóng bàn trong một chiều thả bộ trên bờ biển Hải Thanh, Tĩnh Gia lộng gió.
“Họ đã sống như thế”
Ông xuất hiện trên một bức ảnh trong cuộc triển lãm “Họ đã sống như thế” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tại Hà Nội. Khi ấy, tôi đã biết ông, nhưng trong thời gian ngắn ngủi từ quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa ra Hà Nội để xem lại mình trên ảnh, nên không hỏi chuyện được nhiều. Nhưng chính lần gặp ấy, đã khiến tôi tự nhủ mình sẽ có một ngày gặp ông để hỏi thật kỹ càng bằng cách nào ông đã cầm được vợt, bằng cách nào ông chiến thắng cả người bình thường để mang vinh quang cho nền thể thao khuyết tật nước nhà.
Liệu còn đôi tay như người bình thường khác ông có đam mê môn bóng bàn không? Tôi đã hỏi ông như thế trong lần gặp ở gia đình tại Tĩnh Gia. Ông Năng cười hiền rồi nói triết lý: “Số phận không may mắn lại là may mắn, nếu như tôi trở về bình thường thì tôi có đánh bóng giỏi hơn nhiều đến mấy có lẽ cũng khó ai biết được mà mời tham gia. Tôi không tay mà đánh bóng như người có tay lại được mọi người chú ý… Tuy nhiên, trong suy nghĩ của tôi tập bóng chỉ là thỏa niềm đam mê chứ không hề nghĩ đến mình sẽ trở thành vận đông viên”. Một người tuổi đã về già, lại là thương binh nặng thì không riêng ông mà có lẽ nhiều người cũng sẽ có ý nghĩ như vậy. An nhàn tuổi già, quây quần bên con cháu thì đó đều là điều hướng tới của những người ở tuổi như ông. Gia đình, con cháu đã đề huề, bên cạnh là người vợ tần tảo yêu thương ông hết mực… nhưng vẫn yêu luyện bóng, ông muốn rèn con cháu bằng nghị lực từ bản thân ông.
Cháy hết mình cho niềm đam mê thể thao hay nghị lực vượt lên chính mình của người thương binh Nguyễn Xuân Năng tuổi tròn 60 thì khó ai đó cắt nghĩa được. Đôi tay không còn, ông Năng nhờ vợ buộc vợt vào mẩu cánh tay còn lại trên vai đến tím tái. Ông tập cho đến khi máu tứa ra. Người vợ nhìn thấy không cầm lòng được đã bao lần cầu xin ông chơi môn thể thao khác nhẹ nhàng hơn nhưng ông không chịu. Đôi tay bị buộc nhiều tụ máu dường như phải cắt bỏ thêm ngắn nữa, ông vẫn tập. Tập cho kỳ đánh trúng được quả bóng thì ông mới chịu nghỉ. Khi đánh được rồi, ông vui mừng khôn tả. Ai đến, từ bạn bè chiến hữu cho đến trai làng ông đều mời đánh bóng cùng với ông. Hôm nào mà ai đó chỉ cần đồng ý chơi cùng ông vài ván thì ông vui lắm.
Nhã Linh