|
Ông Nguyễn Xuân Năng biểu diễn bóng bàn với PV TS sáng 29-9 tại tòa soạn báo - Ảnh: Tr.Dân |
Chiến tranh đi qua, ông đã gửi vào đấy đôi cánh tay. Nhưng cũng từ đó, nghị lực tuyệt vời đã giúp ông vươn lên trở thành vận động viên độc nhất vô nhị trên thế giới. Ông là Nguyễn Xuân Năng...
Trái đạn B40 quái ác...
Một buổi trưa tháng 6-1972, đơn vị C12 D6 F57 đóng ở Thanh Hóa được lệnh dọn dẹp con đường từ đồng bằng lên tận đỉnh núi để làm trận địa pháo đối chọi với tàu chiến của Mỹ từ ngoài biển bắn vào. Chàng trai trẻ chỉ còn hai tháng nữa tròn 20 tuổi là Nguyễn Xuân Năng cùng đồng đội dọn đường cho pháo tiến lên đỉnh núi. Thế rồi, “ầm” một tiếng... Khi thuốc súng, bụi đất vừa tan, Năng tỉnh dậy và chỉ kịp nhớ rằng hai bàn tay mình nhoe nhoét máu, rồi anh lại ngất đi...
34 năm sau, trưa 29-9-2006, ngồi trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước, rắn rỏi với đôi cánh tay đã bị cụt. Tính từ cùi chỏ trở xuống, mỗi bên chỉ còn đúng một tấc. Vậy mà cái mỏm tay ngắn ngủn ấy đã hợp cùng với phần từ cùi chỏ trở lên làm được mọi việc. Đá tan loãng ra trong ly cà phê sữa, ông khéo léo kẹp lấy chiếc muỗng khuấy tròn đều đặn. Mái tóc hơi rối, ông mở bóp lấy chiếc lược nhỏ rẽ ngôi lại ngay ngắn.
Anh Phiệt - tổng thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật, hay anh Sơn - phó chủ tịch, đều cho biết họ đã đi dự nhiều đại hội thể thao người khuyết tật, từ Paralympic qui tụ cả trăm nước trên thế giới, cho đến Para Games của khu vực Đông Nam Á, nhưng chưa thấy ai cụt cả hai tay mà chơi bóng bàn như ông Xuân Năng.
Như bao chàng trai khác của miền Bắc thời ấy, năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi, cậu học sinh trường huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa là Nguyễn Xuân Năng lên đường nhập ngũ với ước mơ được cầm súng vào chiến trường miền Nam để quét sạch bóng thù. Cái chết đối với các anh thời ấy nhẹ tựa lông hồng. Hai năm trước khi Năng nhập ngũ, tin dữ về người anh trai cả hi sinh ở chiến trường Vĩnh Linh đã làm mẹ anh khóc khô nước mắt. Nhưng sự đau thương mất mát không làm nhụt chí chàng trai trẻ. Điều làm anh buồn là việc chưa được vào chiến trường miền Nam thì đã phải về nằm ở Bệnh viện 5 tại Ninh Bình vì trái B40 quái ác lẫn trong đất.
Ông giơ đôi tay cụt của mình lên và nói: “Lẽ ra nó không đến độ cụt lủn như thế này đâu. Nhưng ngày ấy vì thuốc men quá thiếu thốn, từ chỗ chỉ mất đôi bàn tay, tôi bị nhiễm trùng nặng. Ba lần chuyển viện là ba lần tôi mất dần từng khúc tay. Đầu tiên là tháo khớp đôi bàn tay, sau đó thêm hai lần cắt nữa để rồi còn ngắn ngủn thế này đây. Ai cũng bảo tôi phải chết thôi. Gần hai năm trời nằm mê man. Lưng, mông và hần sau ót thối cả thịt. Nhưng nhờ các thầy thuốc tận tâm, tôi đã qua được...”.
Cuộc chiến nội tâm
Chiến thắng được tử thần, năm 1974, ông về đoàn an dưỡng 582 của Quân khu 4.
Khi cận kề cái chết thì mong được sống. Song, khi đã sống thì lại mong cái chết đến để giải thoát. 22 tuổi, cái tuổi đầy ăm ắp những ước mơ và hoài bão. Nhưng làm gì để đạt được điều ấy khi đôi tay không còn? U uất, trầm mặc, người sống mà không còn sinh khí... đó là những cảm giác của Năng trong những ngày đầu ở đoàn an dưỡng. Thậm chí, ngày 30-4-1975, anh cũng chỉ vui được một thoáng hòa trong cái vui chung. Rồi sau đó lại rơi vào trạng thái hụt hẫng trước câu hỏi: “Hòa bình rồi, mọi người có đôi tay để xây dựng đất nước, để lo lắng gia đình, còn mình thì sao đây?”.
Những người thân xung quanh như cha mẹ, bạn bè đã liên tục lên đoàn an dưỡng 582 cách Thanh Hóa 50km để an ủi Xuân Năng, thuyết phục anh trở về với cuộc sống đời thường. Thoạt tiên, Năng ngại lắm vì có cảm giác mình như một người thừa trong xã hội. Nhưng đến năm 1977, trong một lần về thăm nhà, đi chơi cùng bạn bè, anh đã gặp cô Nguyễn Thị Thỏa, một công nhân xây dựng, thua anh hai tuổi. Cô ấy đã đến với anh một cách nhẹ nhàng như gió thoảng. Một năm sau, họ có đứa con đầu tiên là Nguyễn Anh Tuấn, nay là phó Công an thị trấn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tiếp đến, họ có thêm ba cô con gái nữa và hai đã trở thành giáo viên cấp II cùng cô út đang là học sinh lớp 11.
Sau cơn mưa trời lại sáng
Ông Năng cho biết mình nay đã lên chức ông nội, ông ngoại. Hai lần dự Para Games (đoạt hai HCB đơn, một HCV đôi và một HCB đồng đội) đã kiếm được tròm trèm 60 triệu đồng tiền thưởng. Số tiền ấy đã giúp con gái cất nhà, sắm vật dụng trong gia đình và cùng với 1,7 triệu đồng tiền thương binh/tháng, ông khỏi phải lam lũ trên bốn sào ruộng cùng một ao cá.
Năm 1995, kinh tế gia đình ông Năng bắt đầu “dễ thở” khi con cái đã lớn, tiền chế độ thương binh cũng khá cao. Khi ấy, ở xã có làm một cái bàn để đánh bóng bằng ximăng. Chiều chiều ngồi xem tụi nhỏ đánh bóng cũng hay hay. Thích là làm và phải quyết làm bằng được, ông cặm cụi tập với cách chẳng giống ai khi đánh bằng cả thân mình! Chiếc vợt kẹp vào hai mỏm tay ngắn, khi đánh ông phải lao về phía bóng và nhiều lúc đập cả mặt xuống bàn làm môi dập, máu xòa. Cầm vợt bằng hai tay thấy không ổn, ông chuyển sang cột vợt vào tay. Nhưng kiểu này cũng không ổn, khi chỉ khoảng nửa giờ là máu tụ lại gây đau nhức. Ông chuyển sang cách khác: nhờ vợ đẽo cho một cái giống như cán vợt, dùng mỏm tay sau cùi chỏ kẹp lại với phần trên cùi chỏ rồi phe phẩy cả ngày lẫn đêm như người dùng quạt. Một ngày, hai ngày... rồi một tháng, hai tháng... rồi năm này qua năm nọ, động tác ngày càng thuần thục. Trên bắp tay ông đã nổi chai sần.
Hơn hai năm trời khổ luyện ngày đêm (ông tập đến 22g đêm mỗi ngày), thành công cũng đã đến khi lần xuất trận đầu tiên đã đoạt ngay một HCĐ cho tỉnh Thanh Hóa, dù so tài với những người khuyết tật còn đủ hai tay! Tính đến nay, ông đã ba lần vô địch bóng bàn người khuyết tật VN. Ở tầm khu vực Đông Nam Á, ông chỉ thua mỗi tay vợt Thái Lan, mà người này thì chỉ bị khoèo cái tay... không cầm vợt! Với những người làm thể thao khuyết tật VN đã xuất ngoại nhiều lần, họ bảo ông đáng được gọi là “kỳ quan”.
|
Dùng khuỷu tay viết chữ tặng bạn đọc báoTS - Ảnh: Tr.Dân |
Trưa 29-9, sau khi đã hoàn tất việc thi đấu tại Giải thể thao người khuyết tật VN 2006 tại Nhà thi đấu Tân Bình, chúng tôi mời ông dùng cơm trưa tại báo TS.
Cũng cần nhắc lại ở giải năm nay, ông tiếp tục đoạt HCV khi thắng cả ba đối thủ không bị thương tật nặng bằng mình: một người của Bắc Ninh, mất một chân; một người ở Hà Nội liệt một chân và một ở Hải Dương, cụt một tay và yếu một chân, từng cùng ông đoạt HCV đánh đôi ở Para Games 2005 tại Philippines.
Trước khi ăn trưa, tôi ngỏ ý muốn cùng ông chơi vài ván bóng bàn. Và cũng xin thưa rằng trình độ chơi bóng bàn của tôi chỉ vào loại biết đánh; nhưng với suy nghĩ chủ quan là mình lành lặn thế này chắc cũng “không đến nỗi” với người thương binh 1/4 ấy.
Ông vào trận giao hữu nhưng nghiêm túc như thi đấu thực thụ. Áo thun đỏ thẫm có cổ, rồi khéo léo choàng thêm chiếc băng thun vào trên bắp tay phải để mồ hôi không rịn xuống làm trơn cán vợt. Sau một hồi làm nóng, tôi mời ông giao bóng trước. Với tâm lý có phần nhường nhịn, tôi không giở trò láu cá giao bóng xoáy, không đánh vào chỗ trái tay ông... Nhưng, ôi thôi, ông bạt, ông líp như một VĐV thực thụ và cho tôi “lấm lưng trắng bụng” ván đầu. Thậm chí có quả ông bạt mạnh làm bóng bay thẳng vào đùi tôi đau điếng! Sang ván hai, tôi không kiêng dè nữa, giở đủ trò giao bóng học lóm ra mà xử. Nhưng chịu, ông đều hóa giải hết và tôi chỉ kiếm được ba điểm ở ván này! Thậm chí có quả bỏ nhỏ, ông vẫn lao người gọn ơ đến cứu bóng ngon lành...
Tôi giơ hai tay đầu hàng, ông vừa cười vừa mở túi cất vợt và nói: “Không chỉ chơi bóng bàn, tôi đánh bóng chuyền cũng tốt, cày ruộng cũng ngon lành, viết chữ không thật đẹp nhưng nhanh và dễ đọc, chạy xe đạp nhuyễn...”.
|