/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Kiện tướng thương binh - Hà Quý Phiến

 18:03:57 14/10/2010

 
Mang trong mình 8 mảnh đạn, một chân đã để lại chiến trường, đó là hậu quả của 15 lần ông bị thương trong chiến tranh. Trở về đời thường, người thương binh Hà Quý Phiến (xã Song Hồ - Thuận Thành - Bắc Ninh) không những vượt lên khó khăn nuôi 5 con ăn học, mà còn có nhiều thành tích ở lĩnh vực thể thao.

Khó khăn đã trải, gian nan đã từng

Ông Hà Quý Phiến sinh năm 1940, khi 25 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông ra chiến trường. Sau 6 tháng huấn luyện, ông được phân công về Đại đội 75, Binh trạm Bắc Tây Nguyên làm nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn.

Đại đội 75 có gần 200 người chia thành nhiều tiểu đội độc lập, phụ trách khoảng 17 ngày đường, mỗi tiểu đội cách nhau một ngày đường. Những tháng ngày gian khổ chiến đấu bảo vệ con đường giao liên huyết mạch của chiến trường đã khiến ông bị thương hơn chục lần. Những lần trước ông chỉ bị thương vào phần mềm, giờ các mảnh đạn vẫn còn nằm đầy trong người. Lần cuối cùng ông bị thương vào giữa năm 1972, mất một chân.

Ông bùi ngùi kể lại: "Hôm ấy, tiểu đội của tôi chỉ có 3 người ở lại trực chiến, số còn lại đi giúp các tiểu đội khác san lấp hố bom. Một đại đội pháo của địch bất ngờ đổ bộ xuống, chỉ có 3 anh em chúng tôi cầm cự với địch, khoảng nửa giờ sau đó mới được một tiểu đội khác sang hỗ trợ. Giữa lúc đó, một mảnh pháo 223 rơi xuống chém đứt một thân cây to cách vị trí tôi đứng chưa đầy 2m, mảnh pháo bắn ra, phang trúng vào chân tôi. Toàn bộ phần xương chân trái bị gãy dập vụn, chân mềm nhũn chỉ còn lại phần thịt, không thể băng bó được. Nhìn xung quanh không thấy ai, tôi gắng gượng hết sức bò vào hầm rồi lôi toàn bộ số thuốc dự trữ có trong người ra uống mà không cần biết đó là thuốc gì, tiếp đó lê người, kê chân lên một thân cây, dùng dao găm tự tay cắt đứt phần chân bị gãy, sau đó băng bó và nằm chờ đồng đội…".

Khi sức khỏe dần hồi phục, ông Phiến được đưa ra miền Bắc an dưỡng. Cuối năm 1972, ông trở về quê hương Thuận Thành và gặp lại cô bạn cùng lớp hồi phổ thông, lúc ấy đã trở thành một cô giáo.

Dù bị thương, nhưng Hà Quý Phiến không hề mặc cảm, tự ti. Ngược lại, ông khảng khái, chân thành ngỏ lời cầu hôn với người con gái đẹp nết ấy. Bằng tình yêu chân thành, cô giáo Trần Thị Đông đã nguyện gắn bó cuộc đời cùng người thương binh với lời hứa: "Em sẽ bù đắp cho anh những gì đã mất trong chiến tranh".

Cùng với niềm vui là nỗi vất vả mưu sinh của thời bình, 5 đứa con lần lượt chào đời. Cái đói cái nghèo quẩn quanh, bủa vây căn nhà tranh vách đất, nhưng họ quyết tâm vượt qua, vun đắp hạnh phúc gia đình. Ông Phiến lúc này là trụ cột gia đình, thầm nghĩ: "Chiến tranh ác liệt như thế, cướp đi một phần cơ thể mà mình vẫn sống thì không có lý do gì lại chịu đầu hàng, để cái đói, cái nghèo đánh gục giữa hoà bình…".

Ông Hà Quý Phiến.

Cứ thế, ông cùng chiếc nạng đi khắp nẻo, làm đủ nghề, xốc vác, xoay vần với cuộc mưu sinh, nếm trải đủ nỗi vất vả để cùng vợ nuôi con. Nhiều năm, người dân trong vùng thường thấy một thương binh chống nạng, ngày ngày mang theo búa, cuốc, xẻng, xà beng đi hết làng này sang làng khác, đánh gốc cây lấy gỗ để đem đổi lấy gạch, ngói về xây cất lại căn nhà tranh dột nát. Nhớ lại thời đó, ông Phiến đùa: "Nếu nói về đánh gộc (gốc cây) thì tôi vào loại cự phách. Nếu nghề nào cũng được phong nghệ nhân thì tôi là nghệ nhân đánh gộc. Mình tôi phải đánh được gấp 2-3 lần người khác. Cũng vì nghèo buộc mình phải cố".

Thời gian rảnh rỗi, ông Phiến lại đi đánh dậm, bắt tép cải thiện bữa ăn. Trong khi đó, bao nhiêu công việc đồng áng, ruộng vườn nặng nhọc vẫn một tay ông chăm lo, gánh vác. Khi ra bến phà Hồ, ông Phiến thấy nhiều người đi buôn khoai, sắn, thóc có lãi. Ông dò hỏi và học cách đi buôn. Liền sau đó, ông sắm xe thồ để đạp đi đến nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Quảng Ninh... để thu mua rồi đèo về bán lấy lãi. Trong người còn nhiều vết thương, nên mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối, khiến ông phải cắn răng chịu đựng. "Không làm thì không có ăn, con cái đói khổ. Tôi nghĩ khó khăn như vậy vẫn không bằng thời chiến đâu. Cứ làm mãi thì cũng quên đau đớn" - ông Phiến chia sẻ.

Bỏ tiền đi thi thể thao

Đến năm 1990, khi con cái đã lớn, chuyện mưu sinh không còn nặng nề như trước, ông Phiến "đầu tư" thời gian cho thể thao và văn nghệ. Ông biết, luyện tập thể thao rất tốt cho sức khỏe và đã chọn bóng bàn, là môn ông có thể chơi với một chân và một bên nạng. Hàng ngày, ông vẫn đạp xe đi buôn, khi về vẫn dành một khoảng thời gian cho việc luyện tập bóng bàn. Ông sắm dụng cụ và cùng tập với những người đồng đội cũ. Dần dần, nhà ông đã thành "điểm đến" của CLB Bóng bàn xã Song Hồ.

Năm 2003, lần đầu tiên ông Phiến được tham gia thi đấu là dịp Para Games 2 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội và giành Huy chương Bạc môn bóng bàn. Sau lần tham dự Para Games, ông hăng hái tham gia nhiều giải đấu dành cho người khuyết tật. Tất cả những lần đó, ông đều tự bỏ tiền túi để đi tham gia, nhưng vẫn cầm biển đại diện tỉnh Bắc Ninh.

Tại Hội thi Thể thao Văn nghệ người khuyết tật lần thứ 3 tổ chức tại Huế, ông Phiến đã giành được Huy chương Vàng môn bóng bàn. Người bạn đời của ông, người đã cùng ông đi gần 40 năm cuộc đời giờ lại cùng ông ngược xuôi vào Nam, ra Bắc để chăm lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ trong những lần tham dự các giải thi đấu. Không những thế, ông Phiến còn rất yêu văn nghệ và nhiều lần tham gia thi văn nghệ người khuyết tật. Đến nay ông đang sở hữu một bộ sưu tập huy chương với vài chục chiếc, gồm đủ loại Vàng, Bạc, Đồng. Thành công đó không chỉ ghi nhận sức mạnh, nghị lực của người lính thương binh mà còn là kết quả của một niềm đam mê say cháy với thể thao.

Ông Phiến có một ước nguyện là được các cấp quan tâm, tổ chức các giải thể thao dành cho người khuyết tật, thành lập các CLB để tạo sân chơi cũng như giúp người khuyết tật trong tỉnh có điều kiện hòa nhập cùng những người bình thường khác. Hiện nay, ông vẫn hăng say luyện tập và chơi thể thao với đồng đội. Ông rất thích cá cược, tuy chỉ là cốc bia thôi, nhưng mà vui, có động lực để cố gắng chơi hết mình.

Sống cả phần đồng đội

Ông Hà Quý Phiến quan niệm, sống tốt là một cách trả nghĩa với đời, với đồng đội. Những năm chiến tranh gian khổ, những lần bị thương, ông được những đồng đội giúp đỡ rất nhiều. Nhiều đồng đội giúp đỡ ông đã hy sinh. Nay ông may mắn được sống ở thời bình, không còn tiếng súng, được lấy vợ, sinh con đã là một may mắn lớn. "Tôi muốn sống hết mình, sống cho cả phần của đồng đội nữa", ông Phiến bộc bạch


Bài viết khác: