Qua những tài liệu ngả màu thời gian còn sót lại, chúng tôi đã tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của danh thủ Trần Cảnh Được - một trong những huyền thoại bóng bàn đã từng làm rạng danh nước Việt trên đấu trường quốc tế suốt thập kỷ 50 – 60.
Bộ tứ danh thủ (Trần Cảnh Được - Trần Văn Liễu - Mai Văn Hoà - Lê Văn Tiết) vô địch đồng đội bóng bàn tại Á vận hội Nhật bản năm 1958.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, Sài Gòn năm 1951, Trần Cảnh Được lúc bấy giờ mới chỉ là một chàng trai 18 tuổi đã đoạt ngay chức vô địch bóng bàn toàn miền Nam và giữ tiếp chiếc cúp năm kế tiếp 1952.
Qua năm 1953, đoàn tuyển thủ miền Nam Việt Nam gồm Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Nguyễn Kim Hằng đi dự giải vô địch bóng bàn châu á tại Tokyo, Nhật Bản. Ngay trong lần đầu xuất ngoại, Trần Cảnh Được đã giành tấm HCV đôi nam (đứng cặp với Mai Văn Hoà). Cặp đôi Hòa - Được ngày ấy khét tiếng thế giới khi một người phòng thủ tốt và một người tấn công giỏi, đặc biệt là danh thủ Được với cú sở trường bạt trái và rờ-ve đầu vợt . Họ là một đôi bạn thân cả ngoài đời, dù xét về tuổi tác thì ông thua Hòa đến bảy tuổi. Cũng tại giải này, danh tiếng của làng bóng bàn nước Việt lẫy lừng khắp nơi khi danh thủ Mai Văn Hòa chiến thắng tất cả các đối thủ để đoạt tấm HCV đơn nam. ở nội dung đồng đội, Việt Nam lọt vào trận chung kết nhưng đã để thua nhận huy chương bạc. Đến nay trong hồ sơ của Liên đoàn bóng bàn thế giới (ITTF) vẫn còn lưu danh các tay vợt huyền thoại miền Nam Việt Nam với những kỳ tích xuất sắc trên đấu trường châu lục.
Hai năm sau (1955), cũng tại giải vô địch châu á tổ chức tại Singapore, đôi nam Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được vẫn lọt được vào trận chung kết nhưng để bấ ngờ để thua đôi Singapore, ngậm ngùi nhận tấm HCB không mong muốn.
Năm 1957, giải vô địch bóng bàn châu á tại Philippines, đội Việt Nam gồm Hòa, Được và Trần Văn Liễu đã đánh bại các đội khác để dành huy chương vàng toàn đội. Và cũng cặp bóng bàn Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được đem về tấm HCV thứ hai cho Việt Nam.
Kỳ nữ Kim Cương tặng hoa cho Trần Cảnh Được tại sân bay Tân Sơn Nhất
Một năm sau đó, bóng bàn lần đầu tiên được đưa vào á vận hội Nhật Bản – 1958, với sự tham dự của nhiều nước hơn. Thời điểm đó, đội bóng bàn nước chủ nhà được coi là mạnh nhất thế giới với ba danh thủ từng vô địch thế giới như Ozimura, Shunoda và đương kim vô địch thế giới là Tanaka. Vì đoạt chức vô địch thế giới nhiều lần trong thập niên 50 nên Nhật đã không thèm tham dự giải vô địch á châu tổ chức hai năm một lần vào năm 1955 và 1957. Người Nhật nghĩ rằng đội bóng bàn của họ sẽ sẽ lấy chọn bộ ba HCV tại đại hội này. Nhưng kết quả lại bất ngờ, về giải đơn nam thì Li Ky Ching của Đài Loan đã hạ Shunoda trận chung kết, báo chí Đài Loan tha hồ ca tụng cây vợt của họ.
Trước trận chung kết nội dung đồng đội giữa Nhật Bản và Việt Nam, ai cũng đánh giá ưu thế thuộc về chủ nhà. Nhất là trong giải thế giới tại Thụy Điển 1 năm trước đó (1957), đội Việt Nam gồm Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Huỳnh Văn Ngọc đã thua đội Nhật tỉ số 3-5. Kết quả thật sửng sốt, đội bóng bàn Việt Nam gồm bộ ba Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Lê Văn Tiết lần này đã làm chủ nhà Nhật Bản vô cùng buồn bã trong thảm bại bóng bàn, môn thể thao mà họ đang hãnh diện với thế giới. Trận chung kết được tổ chức hai bên thi đấu 9 trận, và bên nào thắng 5 trận là thắng. Bên phía Nhật, danh thủ Ozimura đã thắng hết 3 trận gồm Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Lê Văn Tiết. Phía Việt Nam, Lê Văn Tiết thắng 2 trận gồm Tanaka và Shunoda, Mai Văn Hòa thắng Shunoda và Trần Cảnh Được thắng Tanaka. Như vậy là đội Việt Nam đang dẫn Nhật trước với tỉ số 4-3. Qua trận thứ 8 là Mai Văn Hòa gặp đương kim vô địch thế giới Tanaka, anh này vừa thua hai trận liền trước Đức và Tiết. Người Nhật Bản vẫn hy vọng thắng trận này để còn đấu trận thứ 9 cuối cùng giữa Trần Cảnh Được và Shunoda. Kết cuộc Mai Văn Hòa với lối phòng thủ cắt bóng dẻo dai đã chiến thắng và Tanaka đã ôm mặt khóc nức nở, tỉ số chung cuộc là Việt Nam thắng Nhật 5-3 giành HCV đồng đội bóng bàn á vận hội 1958. Vinh dự to lớn của bóng bàn Việt Nam là đã đánh bại Nhật Bản, một cường quốc bóng bàn đang ngự trị trên làng bóng nhựa hoàn cầu. Đây được coi là vị trí cao nhất mà Việt Nam đã giành được trong lịch sử bóng bàn nước nhà.
Ngoài huy chương vàng toàn đội, bộ đôi ăn ý Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được đã thắng đôi Đài Loan để lấy thêm tấm HCV á vận hội thứ hai. Tại một kỳ đại hội thế thao lớn nhất châu á, thành tích này được coi là đỉnh cao của bóng bàn nước nhà, đã đi vào lịch sử thể thao như là một huyền thoại, và có lẽ không bao giờ đạt được lần thứ nhì.
Qua năm sau tức là 1959, giải vô địch bóng bàn thế giới tại Tây Đức , đội bóng bàn Việt Nam đứng đầu bảng D sau khi thắng Pháp, Anh và Tiệp Khắc. Trong trận gặp Tiệp Khắc để tranh đầu bảng thì dư luận cho rằng Tiệp từng vô địch thế giới nên có thể ưu thế, không dè Việt Nam thắng tỉ số 5-3. Đây là trận đấu không thể quên đối với danh thủ Trận Cảnh Được khi ông thắng 2 trận liền, chưa kịp đấu trận thứ ba thì đã xong kết quả.
Đội Việt Nam lọt vào 4 đội mạnh nhất thế giới và gặp lại Nhật Bản - đối thủ “ân oán” quen thuộc – tại bán kết. Lần này Nhật đã thay thế Tanaka bằng Murakami - đương kim vô địch Nhật Bản. Rút được kinh nghiệm trận thua lần trước nên cuối cùng Nhật cũng đã trả được món nợ lần trước khi thắng Việt Nam với tỉ số 5-3. Giải vô địch thế giới năm 1959, đội bóng bàn nước nhà đoạt giải ba thế giới đồng hạng với Trung quốc. Nhật Bản giành chức vô địch sau khi chiến thắng đội Hungary trong trận chung kết.
Cũng năm 1959 này đội Việt Nam gồm Trần Cảnh Được, Trần Cảnh Đến và Huỳnh Văn Ngọc dự đại hội TDTT khu vực Đông Nam Á - SEAP Games (bây giờ là SEA Games) tại Bangkok – Thái Lan và đã giành được HCV đồng đội.
Những năm sau đó, nền bóng bàn thế giới đã có những bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật và các loại vợt mút mới được chế tạo. Năm 1959 các đấu thủ ấn độ khi qua Việt Nam đã biểu diễn kỹ thuật "líp" rất xoáy làm những tay cắt bóng phòng thủ chới với, bóng trả qua bàn rất cao dễ bị đối thủ đập cho mất bóng. Và thời đại của những người dùng vợt gai để cắt bóng phòng thủ từng làm mưa làm gió trên làng bóng bàn đã bị vượt qua. Từ đó những tay vợt tấn công luôn chiếm ưu thế và đoạt vô địch trong khi những người chuyên phòng thủ như Mai Văn Hoà luôn gặp phải khó khăn.
Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được là bộ đôi rất ăn ý. Hai người luôn có mặt trong đội tuyển đi dự quốc tế và trở thành đôi nam xuất sắc nhất, cùng nhau l