/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Cựu danh thủ Lê Văn Tiết

 

... Và cựu danh thủ Lê Văn Tiết với chiếc cúp vô địch miền Nam đoạt được năm 18 tuổi, sau khi hạ một loạt đàn anh khét tiếng

Đã 66 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất tráng kiện, sáng sáng vẫn cưỡi xe Dream chở vợ đi ăn sáng. Gia cảnh khá giả, nhưng chiều chiều ông vẫn chạy xe trên chục cây số từ quận Tân Phú ra đến gần Lăng Ông (TP.HCM) để dạy kèm bóng bàn.

Ông bảo: “Ở nhà không làm gì hư người. Đi dạy kèm vừa thỏa nỗi nhớ vợt, nhớ bóng; vừa khỏe người và cũng vừa kiếm đồng ra đồng vào ăn sáng”. Ông là Lê Văn Tiết, người từng được cây bút Robert Journal (báo J.E.O) và tờ Nhật Bản Thời Luận gọi là “kỳ quan của bóng bàn thế giới”...

“Hãy coi chừng Lê Văn Tiết!”

Một năm sau chiến thắng ở Asiad 1958, đoàn VN lên đường đi Dortmund (Đức) dự giải vô địch bóng bàn thế giới. Sau trận thắng đội Anh, nhà báo Huyền Vũ cùng tháp tùng đã tường thuật như sau: “Anh chàng cao lêu nghêu Johnny Leach, cựu vô địch thế giới 1949-1951, là một trong sáu tay vợt hàng đầu thế giới, đương kim vô địch Anh, sau trận thua VN đã vừa lau mồ hôi trán vừa lắc đầu thở ra. Anh ta cho biết nếu chẳng có gì xui xẻo bất ngờ, đoàn VN sẽ đứng đầu bảng D.

Đặc biệt hãy coi chừng Tiết. Tôi từng sang VN ăn thua qua lại với Hòa, Được nhiều lần nhưng chưa thấy đấu thủ nào khó chịu như Tiết. Đấu thủ các nước hãy coi chừng, Tiết có thể làm chuyện lớn tại giải vô địch thế giới kỳ này lắm”!

Đúng như Leach dự đoán vế đầu, đoàn VN đã đứng đầu bảng D, trong đó trận thắng oanh liệt nhất là hạ số một châu Âu - đội Tiệp Khắc. Vào bán kết còn bốn đội là Nhật, VN, Trung Quốc và Hungary. “Oan gia ngõ hẹp”, đối thủ của VN ở bán kết là Nhật. Sau thất bại năm 1958, đội Nhật đã quay phim và nghiền ngẫm lối chơi của các tay vợt VN nhằm tìm cách khắc chế.

Chàng trai trẻ Lê Văn Tiết với chiếc cúp vô địch Pháp mở rộng 1959...
Sau giải vô địch thế giới năm 1959 tại Đức, nhà báo Huyền Vũ đã phỏng vấn ông Hasegawa - trưởng đoàn bóng bàn Nhật Bản. Ông này đã nói như sau: “Nếu các tay vợt VN chơi ổn định hơn và có thêm một Lê Văn Tiết nữa thì chắc chắn ngôi số một thế giới sẽ về tay các bạn”.

Đã vậy, căn bệnh cố hữu của các tay vợt VN là thiếu ổn định vì thể lực không thật tốt, nên Nhật đã phục thù thành công với chiến thắng 5-3. Đội VN chỉ đoạt HCĐ giải thế giới, nhưng đó cũng đáng gọi là kỳ tích của một nền bóng bàn sinh sau đẻ muộn. Nên nhớ dự giải này có tất cả 40 nước, trong đó châu Á chỉ có bốn đội được tham gia là VN, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Rời Đức, tất cả danh thủ bóng bàn thế giới đến Paris tham dự Giải quốc tế Pháp 1959. Đây là một trong những giải uy tín nhất thế giới lúc bấy giờ. Và cái vế dự đoán thứ hai của Leach giờ mới thành hiện thực. Trong khi các đàn anh như Hòa, Được, Liễu đã sớm rơi rụng thì Tiết đi thẳng một mạch vào đến chung kết gặp Murakami (Nhật), người vừa đoạt HCV thế giới đôi nam tại Đức.

Murakami đã dẫn Tiết 2-0 (21/17, 21/15) và tưởng cầm chắc chiến thắng. Tuy nhiên, ở ván ba và tư, Tiết thay đổi đấu pháp và thắng lại liền hai ván (21/16 và 21/12). Bước vào ván quyết định, Murakami dẫn trước 5-0, rồi 10-5 nhưng Tiết đã bắt kịp 10-10 và bứt luôn để chiến thắng với 21-17. Trong 5.000 khán giả ngồi kín nhà thi đấu lúc ấy có khá đông Việt kiều và mọi người đã trào nước mắt vì hạnh phúc.

Tay vợt huyền thoại của Nhật Ogimura chứng kiến trận đấu này đã phải thốt lên: “Đây là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi được xem”! Nhờ chiến thắng này, Lê Văn Tiết đã được xếp hạng sáu thế giới trong năm 1959.

Tuy nhiên, điều khiến báo chí thế giới gọi Lê Văn Tiết là “kỳ quan bóng bàn thế giới” không phải chỉ nhờ những chiến thắng đó, mà quan trọng hơn là ông được ghi tên vào lịch sử bóng bàn thế giới nhờ “phát minh” lối chơi phản công độc đáo. Người Nhật, Ấn Độ đã mất không ít công sức để tìm cách khắc chế lối chơi này, mà họ gọi là “không thể dùng sức để thắng Tiết, khi tấn công càng mạnh thì đòn phản công của anh ta càng ghê gớm do mượn sức để phản đòn”!

Một gia đình thể thao

Lê Văn Tiết sinh ngày 13-7-1939 tại Gia Định. Cụ thân sinh của ông là một người rất mê quần vợt. Như cái cách ra đời của bóng bàn, ông cụ đã đóng bàn đặt trong nhà để giải tỏa cơn ghiền quần vợt khi không thể đến sân. Và những lúc như thế, cậu con trai Lê Văn Tiết mới 8 tuổi chính là người được lôi vào để quần thảo.

Thế rồi vào một ngày đẹp trời, ông xách vợt đến thử tài ở hội quán bóng bàn đường 20 (nay là Điện Biên Phủ) - một lò bóng bàn nổi danh ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Hàng loạt các đàn anh ở đây đã bị Tiết hạ đo ván và trong làng bóng đã xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của một thần đồng.

Lập tức, một ông bầu có tên là Chín Viễn đã mời Tiết về chơi cho hội bóng bàn đình Phú Thạnh của mình và mời thầy Ady kèm cặp cho ông. Năm 11 tuổi, Tiết vào học Trường Taberd và được rèn giũa thêm bởi một ông thầy khác là Gaetan. Đến 14 tuổi, Tiết là tay vợt số một của học sinh thời ấy. Và năm 18 tuổi ông chính thức đăng quang ngôi số một miền Nam, sau khi hạ một loạt các đàn anh khét tiếng như Hòa, Được, Liễu, Hằng và chính thức chiếm một suất trong đội tuyển để dự Asiad 1958. Khi ấy ông vừa tròn 19 tuổi.

Trong 20 năm cầm vợt, ông đã 19 lần xuất ngoại dự các giải quốc tế lớn nhỏ, được hàng triệu người của các quốc gia từ Á đến Âu ngưỡng mộ. Vô số nhân vật lừng danh của bóng bàn thế giới thời bấy giờ đã trở thành bại tướng dưới tay ông như Tiết Thủy Sơ, Tăng Hùng Bô, Lưu Đức Phương (Hong Kong), Hayashi, Fujii, Tsunada, Tanaka, Murakami (Nhật), Khodaiji (Ấn Độ), Lý Quốc Định (Trung Quốc), Bergman, Johnny Leach (Anh), Markovic (Tiệp Khắc)…

Nhưng nhà họ Lê không chỉ có mỗi mình ông Tiết mà còn cung cấp hàng loạt tay vợt tài danh khác cho bóng bàn VN như bốn người em của ông là Lê Văn Inh, Lê Văn Tân, Lê Thị Kim Tiếng và Lê Thị Kim Hoàng. Còn trong các con của mình, ông Tiết có Lê Trung Thành từng đoạt giải vô địch thiếu niên toàn quốc năm 1987, tuy nhiên sau đó đã giã từ nghiệp cầm vợt để lo học văn hóa.

Chiếc huy chương mất… vàng!

Khi tôi ngỏ ý muốn xem chiếc HCV Asiad 1958, ông Tiết lấy cho xem và cười buồn cho biết: “Sau ngày thống nhất, một người bạn đến mượn tôi xem chiếc HCV này. Cứ tưởng anh ấy ái mộ thật nên cũng không do dự gì mà không cho mượn. Nào ngờ anh ấy đem đi phân kim tách mất phần mạ vàng, nên chiếc HCV này giờ đây mới xỉn xỉn như thế này”!

Nỗi buồn hậu thế…

Sau khi giã từ bóng bàn, ông Tiết chuyển sang làm công tác huấn luyện cho quận Tân Bình và cũng đã từng dẫn dắt đội tuyển TP.HCM. Tuy nhiên, mệt mỏi với nhiều chuyện không hay của thể thao, ông đã rút lui vào năm 1986, và giờ đây tìm thú vui tuổi già nơi những tay vợt nhí do gia đình biết tiếng năn nỉ ông kèm cặp tại nhà.

Nhìn cơ ngơi khá bề thế là một căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Sơn (Tân Phú), cứ tưởng đối với ông như thế đã là mãn nguyện.

Không. Ông tâm sự: “Nhiều lúc lên lầu ngồi nhìn lại một lô một lốc huy chương, cúp, cờ... tôi không khỏi ngậm ngùi. Buồn lắm khi trong lòng cứ day dứt mãi câu hỏi bao giờ thì bóng bàn VN tìm lại được thời vàng son! Biết là khó nhưng không lẽ lại chịu bó tay khi mà người Việt mình có khiếu lắm với môn thể thao không cần nhiều đến sức vóc này”.

Buồn nhưng không làm được gì, nên ông dốc sức biên soạn cuốn Giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn, vốn đã xong nhưng chưa biết tìm ra ai hỗ trợ để xuất bản. Trong cuốn sách này, ông chia làm hai phần: 1- Bày vẽ chi tiết mọi vấn đề về kỹ thuật bóng bàn, cách thức tổ chức thi đấu bóng bàn. 2- Sưu tầm những bài báo viết về thời vang bóng của bóng bàn VN.

HUY THỌ

 

 


Bài viết khác: