Ngô Thu Thủy sinh năm 1973 tại Hà Nội, vô địch quốc gia lần đầu năm 1992, đoạt HCV đôi nam nữ (cùng Vũ Mạnh Cường) và HCB đồng đội nữ tại SEA Games 19 năm 1997, HCB đơn nữ tại SEA Games 17... Ngô Thu Thủy giải nghệ năm 2001 để đi học Đại học Thể dục thể thao.
|
Ngồi đối diện Ngô Thu Thủy, tôi nhủ thầm, phải chăng tất cả các nữ VĐV sau khi giải nghệ đều xinh đẹp hơn. Có lẽ sàn đấu trước kia đã lấy hết của họ thời gian để đẹp và điệu đà như bao người phụ nữ khác, để rồi khi từ giã nó họ mới lại được sống như một người phụ nữ đích thực. “Sau khi giải nghệ có đợt còn để tóc dài cơ đấy”, Thủy cười, răng khểnh tươi rói, “Hồi còn là VĐV, cô nào hầu như cũng tóc tém, rặt đàn ông hết cả. Mà may mình còn ở trong đội bóng bàn, không phải tập thể lực quá nhiều, đỡ vai u thịt bắp. Chứ con gái trong đội bóng đá, thể hình, karatedo... thì muốn mềm mại cũng khó”. Thủy bảo, các chị em trong đội cô hồi ấy chỉ “dám” chơi với nhau, “Ôi giời, gái bóng bàn như hoa thủy tinh ấy, đụng cái là vỡ, đâu có dám chơi với các đội bóng đá, thể hình”.
Ngô Thu Thủy vẫn tràn đầy nét xuân sắc - Ảnh: Tịnh Tâm |
Chơi bóng bàn theo lời khuyên của bố
“Nhìn Thủy bây giờ đã mềm mại lắm rồi, xinh thế, ai tin là đã có thời quần đùi áo cộc lăn lộn cùng quả banh”, tôi trêu. “Thế mà có đấy, mùa hè mặc áo ngắn tay là thấy ngay tay lệch, bên phải to hơn bên trái”. Thủy bảo, đấy là “di chứng” bình thường, chứ có VĐV còn bị lệch hẳn một bên vai.
Báo chí vẫn thường nói, nữ VĐV bóng bàn số 1 Việt Nam Ngô Thu Thủy tập bóng bàn từ khi 7 tuổi. Nhưng “Nói là tập cho oai, chứ lúc đó tôi chơi là chính. Mỗi chiều, mẹ đưa tôi lên Cung văn hóa Thiếu nhi, vác vợt chơi loanh quanh đến giờ thì mẹ đón về”. Khi Thủy vào CLB Đường sắt cũng chẳng khá hơn vì cả CLB chỉ có mỗi một bàn bóng bàn, cô thường xuyên phải nhường cho các anh chị đội lớn hơn. Gia đình Ngô Thu Thủy đều theo nghiệp thể thao, bố cô chơi bóng đá cho Câu lạc bộ thể thao Đường sắt, mẹ là VĐV điền kinh của CLB Thể thao Hoàn Kiếm. Cô bé Thủy hồi ấy thích bóng đá, nhưng nghe lời bố muốn con gái chơi bóng bàn cho nhẹ nhàng.
Thì cũng chơi, cũng vào đội tuyển thiếu niên, tuyển lựa quyết liệt để đi thi đấu. Nhưng hồi ấy để được đi thi đấu giải toàn quốc đâu có đơn giản. Mỗi lứa tuổi có khoảng 8 - 10 VĐV, phải thi đấu với nhau trước để chọn ra người dự giải. Tay vợt số 1 Việt Nam khi ấy toàn… thua. “Trước khi đấu là biết mình thua rồi, thế thì còn thi gì nữa”. Mãi đến năm 16 tuổi, Ngô Thu Thủy mới có cơ hội tham dự giải vô địch bóng bàn quốc gia, và đến 19 tuổi, cô giành tấm HCV giải trẻ toàn quốc đầu tiên.
Khi ấy cũng đúng lúc Thủy đang phân vân nên đi thi đại học hay theo bóng bàn chuyên nghiệp. Thủy học văn hóa cũng khá, mà bóng bàn trước giờ toàn nửa chơi nửa thật. Tấm HCV đã giúp thổi bay mọi băn khoăn khi Thủy được gọi về đội tuyển quốc gia và chơi bóng bàn chuyên nghiệp từ đó.
Trẻ vì sống hồn nhiên
Đến giờ, đã cách ngày ấy hơn 20 năm rồi, nhưng Thủy thấy mình vẫn thế, vẫn cái tính thẳng thắn, hồn nhiên, không giữ được cái gì lâu trong bụng. Ngày xưa, Thủy trẻ con, ngố ngố, còn bây giờ sự hồn nhiên ấy khiến cô nom trẻ hơn tuổi. Nghỉ thi đấu từ 2003 và trở thành HLV của đội tuyển bóng bàn Hà Nội, Thủy vẫn luôn nói ngay, mắng ngay khi học trò tập sai. Nhưng 4 cô bé ở độ tuổi 12-15 mà Thủy phụ trách vẫn không đến nỗi “sợ’ cô Thủy, vì biết cô mắng đấy nhưng lại quên ngay đấy, ra khỏi lớp, cô trò lại ríu rít như thường.
“Hồn nhiên cho dễ sống. Thế nên dù ban ngày có cáu gắt đến mấy thì cũng chẳng bao giờ đến nỗi tối về không ăn được cơm”, đó cũng là cách Thủy vượt qua những áp lực từ khi còn là VĐV đến khi trở thành HLV. Huấn luyện trẻ con đâu phải dễ, có những động tác nói cả trăm lần nhưng dạy một đằng, VĐV làm một nẻo. “Mà mình đâu có thể cầm vợt đánh hộ bọn trẻ, chỉ có thể kiên nhẫn chỉ bảo. Có khi còn phải tìm hiểu tính cách của mỗi em để với em này thì dạy cách này, nhưng em kia thì lại phải tìm cách khác”.
Có lẽ cũng vì vô tư, ham bay nhảy, nên mãi đến khi 34 tuổi, cô gái này mới chịu lấy chồng. Khi đó, Thủy cũng đã giải nghệ, làm HLV, bớt phải đi công tác, thi đấu liên miên. Hồi xưa cô cũng yêu, nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện kết hôn. Thậm chí 30 tuổi rồi vẫn chẳng muốn lấy chồng. Chồng Thủy may mắn gặp được khi Thủy đã “nghĩ lại” hay chính anh mới làm cho cô thay đổi suy nghĩ? “Thực ra khi gặp anh ấy là đã nghĩ đến chuyện lấy chồng rồi, chủ yếu là vì sợ sinh con muộn quá sẽ không tốt. Bay nhảy mãi cũng phải có lúc dừng chân”. Hiện giờ, bé trai nhà Thủy đã được 3 tuổi, rất hiếu động và cũng ương bướng lắm.
Thủy hay nghe nhạc, với nhạc quốc tế thì là những bản pop nhẹ nhàng, sâu lắng, với nhạc Việt thì luôn là nhạc Trịnh. Cô dễ cười, nhưng cũng dễ khóc. Xem một bộ phim, đọc một cuốn sách hơi “tâm trạng” là cũng chảy nước mắt được rồi. Nhưng cũng vì điều này mà có một kỷ niệm đến giờ cô nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Đó là lần cô giành HCV đầu tiên tại giải trẻ năm 1990. Sau 12 năm cầm vợt mới khẳng định được mình ở ngôi vị cao nhất, trận chung kết ấy cô cũng phải vật lộn nghẹt thở, ấy vậy mà khi chiến thắng, cô chẳng có cảm xúc gì. “Xem lại tấm ảnh trao giải, thấy mặt mình lạnh te. Nếu được quay trở lại khoảnh khắc ấy, chắc mình cũng phải nhảy lên reo hò, hay khóc hu hu cho giống mọi người”, Thủy cười.
Làm huấn luyện viên, mức lương cũng tạm đủ để Thủy sống một cách giản dị. Cô bảo, chẳng giàu được với nghiệp thể thao đâu, nhưng lại được nhiều thứ, ví dụ như sức khỏe, niềm vui. Những thứ ấy, nhiều người có tiền cũng chẳng mua được.
Sưu tầm từ bao thanh nien