/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Đội hậu duệ bóng bàn họ Mai

 Thời gian trôi qua, tên tuổi Mai Văn Hòa chỉ còn là ký ức. Gần đây, có nhiều thông tin nhắc lại thời oanh liệt đó như muốn gửi gắm niềm hy vọng cho một thế hệ tài năng bóng bàn mới cùng mang dòng máu họ Mai.

Hoài cảm về quá khứ. - Trên xứ Phù Tang cuối tháng 5-1958 tại giải châu Á, gần 1 vạn công chúng hâm mộ Nhật Bản đến chứng kiến trận chung kết giải đồng đội nam đã bàng hoàng đến rơi lệ khi tay vợt Mai Văn Hòa bất ngờ thắng giòn giã hai ván trắng trước đương kim vô địch thế giới Tanaka trong trận đấu quyết định, đưa đoàn VN bước lên bục cao nhất châu lục. Chưa hết, cũng tại giải đấu này, Mai Văn Hòa cùng Trần Cảnh Được đoạt luôn chức vô địch đôi nam. Đây được xem là vinh quang cuối cùng của Mai Văn Hòa. Trước đó, tay vợt này đã từng đoạt chức vô địch đơn và đôi nam liên tiếp tại hai kỳ giải vô địch châu Á 1953-1954.

Nối tiếp truyền thống họ Mai. - Dù gác vợt đã lâu, nhưng sự ra đi đột ngột của Mai Văn Hòa sau một tai nạn giao thông ở Sài Gòn vào giữa năm 1971 khiến nhiều người thương cảm. Tuy nhiên, điều mà giới hâm mộ còn tiếc hơn là kinh nghiệm chuyên môn quý báu không được trực tiếp truyền lại, dù ông có đến 11 người con! Nhưng trong cái rủi cũng còn chút may mắn khi một năm trước đó, làng bóng bàn Sài Gòn bất ngờ xuất hiện một cây vợt trẻ có tên Mai Văn Minh. Về mối quan hệ họ tộc, tay vợt lừng danh một thời lại chính là người cậu ruột của Mai Văn Minh (lấy họ theo mẹ).  Mang trong mình tố chất năng khiếu bẩm sinh cùng với sự tập luyện cần mẫn, Mai Văn Minh đã sớm khẳng định mình và giành được chỗ đứng trong đội tuyển Campuchia lúc đó. Về lại VN, tuy trình độ cầm vợt chưa thể bằng người cậu của mình, nhưng nếu so với các tay vợt đương thời ở miền Nam bấy giờ, Mai Văn Minh cũng được xếp vào hàng “cao thủ”. Anh được chọn vào đội tuyển Sài Gòn cùng với Vương Chính Học, Lê Văn Inh, Huỳnh Văn Ngọc dự giải châu Á 1974 tại Tehran (Iran). Sau ngày đất nước thống nhất, Mai Văn Minh tham gia thi đấu các giải toàn quốc 1976-1977 dưới màu áo CLB Quân đội.

Những mầm xanh họ Mai chớm nở. - Mai Văn Minh bây giờ vào tuổi quá ngũ tuần và cũng đã là một nhà doanh nghiệp khá thành đạt. Ông Minh không giấu niềm vui về sự trưởng thành của cô con gái duy nhất Mai Xuân Hằng khi sự lựa chọn của con lại theo con đường của ông cậu và cha mình. Ông Minh cho biết, ở tuổi niên thiếu, Xuân Hằng chỉ tập cho khỏe, dần dà thấy Hằng yêu thích, năng khiếu cầm vợt cũng sớm bộc phát nên gia đình quyết định đưa Hằng đến trường năng khiếu. Như hạt giống được gieo đúng chỗ, chỉ sau ít năm tập luyện, năm 17 tuổi, Xuân Hằng đã gần đuổi kịp lớp đàn chị, như: Nguyễn Mai Thy, Trần Lê Phương Linh để cùng tranh tài ở các giải toàn quốc 2000-2001. Tuy nhiên, phải chờ đến mùa giải năm 2002, tài năng của Xuân Hằng mới được chứng minh khi tại Giải Các cây vợt xuất sắc toàn quốc, tay vợt trẻ 18 tuổi này đã bất ngờ vượt qua “tượng đài” Ngô Thu Thủy đoạt chức vô địch, và một năm sau cùng với đội TPHCM giành chức vô địch đồng đội Giải Quốc gia 2003.

Cũng trong thời gian trên, ở các giải thiếu niên và trẻ toàn quốc, cây vợt “nhí” Mai Hoàng Mỹ Trang đã gây sự chú ý cho giới chuyên môn khi liên tục chiếm lĩnh vị trí hàng đầu. Tại Giải Vô địch TPHCM 2004, Mỹ Trang đã buộc các tay vợt đàn chị Mai Thy, Phương Linh và cả người chị có mối quan hệ huyết thống chú, bác là Mai Xuân Hằng phải chào thua để trở thành cây vợt số 1 lúc vừa tròn 16 tuổi!

 

Nhận xét về bước tiến bộ nhanh chóng của hai tay vợt dòng họ Mai, ông Nguyễn Trọng Trúc, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn TPHCM, cho biết điểm đáng quý ở hai VĐV này là năng khiếu bẩm sinh cùng với kỹ năng cơ bản được huấn luyện từ nhỏ. Nếu có thêm điều kiện tập luyện chuẩn mực, họ sẽ tiến bộ vượt bậc.

Trước những mầm xanh vừa chớm nở, không ít người hy vọng trong tương lai không xa, đội hậu duệ của tay vợt danh tiếng một thời Mai Văn Hòa sẽ tìm lại thời vàng son của ông cha.

nguồn 

 

 


Bài viết khác: