/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Kỹ thuật đỡ giao bóng trong bóng bàn ( sưu tầm )

 Kỹ thuật đỡ giao bóng trong bóng bàn


Đỡ giao bóng trong bóng bàn là một trong 3 kỹ thuật quan trọng hàng đầu đối với mỗi vận động viên môn bóng bàn. Do kỹ thuật giao bóng hiện đại ngày nay phát triển nhanh chóng, ngày càng nhiều chủng loại đã làm tăng độ khó của kỹ thuật đỡ giao bóng lên rất nhiều.
Trong mỗi hiệp thi đấu bóng bàn, đõ giao bóng cũng giống với giao bóng. Nếu đỡ giao bóng không tốt thì không những có thể mất điểm trực tiếp hoặc tạo ra cơ hội tấn công cho đối phương mà còn khó có thể phát huy được kỹ chiến thuật của bản thân, làm cho bản thân dễ xuất hiện tâm lý căng thẳng và sợ sệt, từ đó thất bại là lẽ đương nhiên. Ngược lại, nếu như nắm vững được kỹ thuật đỡ giao bóng thì có thể biến đổi từ bị động sang chủ động tạo đà cho thi đấu tốt trong mỗi ván đấu.

1. / Chuẩn bị đỡ giao bóng.

Muốn đỡ giao bóng tốt, trước hết cần phải phải lựa chọn tốt được vị trí đứng. Nếu như đối phương đứng giao bóng ở góc phải của bàn bóng thì có thể giao bóng đến vị trí trái tay hoặc cũng có thể đến bên phải của bàn mình, thì vị trí đứng đỡ giao bóng tốt nhất nên ở khu vực giữa hoặc lệch sang bên phải một chút.
Nếu như đối phương đứng giao bóng ở vị trí góc trái của bàn bóng thì có thể giao bóng đến vị trí tay phải hoặc cũng có thể đến bên trái của bàn mình, thì vị trí đứng đỡ giao bóng nên ở khu vực giữa bàn hoặc lệch sang bên trái một chút.
Nếu đối phương giao bóng ở khoảng giữa bàn thì vị trí đứng của đõ giao bóng cũng không nên quá lệch sang một bên.
Ngoài ra còn cần dựa vào đặc điểm cách đánh, sở trường kỹ thuật và thói quen về vị trí đứng của mình để sử dụng vị trí đứng xa, gần hoặc trung bình cho phù hợp trong khi đối phó với cách giao bóng dài hoặc ngắn.

2 ./ Phán đoán bóng đến.


Muốn đỡ giao bóng tốt cần phải phán đoán tương đối chính xác độ xoáy, tốc độ, sức mạnh, điểm rơi, độ cao của bóng đến mới có thể sử dụng phương pháp đánh trả cho chính xác, phù hợp với đặc điểm tính năng của bóng đến.

- Dựa vào phương hướng vung vợt và góc độ mặt vợt của đối phương để phán đoán đường bay của bóng đến. Nếu mặt vợt của đối phương nghiêng, đồng thời vung vợt nghiêng ra trước thì bóng phát ra nhất định là bóng đường chéo, ngược lại nếu mặt vợt của đối phương hướng ra trước theo hướng thẳng thì bóng phát ra nhất định là bóng đường thẳng.

- Từ phương hướng vung vợt và ma sát vào bóng trong giây lát đối phương đánh vào bóng để phán đoán phương hướng xoáy của bóng đánh sang. Ví dụ, nếu vung vợt và ma sát bóng từ trên xuống dưới là xoáy lên, vung vợt và ma sát với bóng từ trái sang phải là xoáy nghiêng bên phải…v.v. Nhưng cũng cần chú ý là không nên bị mê hoặc bởi động tác giả của đối phương trước và sau khi đánh vào bóng.

- Phán đoán cường độ, tốc độ, đọ xa gần của điểm rơi từ mức độ lớn nhỏ của tốc độ vung vợt trong giây lát đánh vào bóng và độ “dày”, “mỏng” khi cắt bóng của đối phương. Nói chung tốc độ vung vợt nhanh lại cắt bóng “mỏng” đều là bóng có thêm độ xoáy.

Có những vận động viên giỏi về khả năng giao bóng, khi giao bóng nhanh gấp lúc đầu tốc độ vung vợt cố ý làm chậm nhưng khi đến thời điểm vợt tiếp xúc bóng, cổ tay đột ngột phát lực lắc mạnh làm cho tốc độ bóng đi nhanh, bên đõ giao bóng có thể bị đối phương lừa bởi động tác chậm trước khi vợt tiếp xúc bóng nên trở tay không kịp.

- Phán đoán điểm rơi của bóng đánh sang từ vị trí điểm rơi bóng bên bàn đối phương và độ vòng cung của bóng khi đối phương giao bóng. Nếu điểm rơi lần thứ nhất khi giao bóng gần lưới hoặc đường vòng cung của bóng đánh sang có điểm cao nhất định (đỉnh cao của vòng cung) ở trên khoảng không của bàn đối phương hoặc gần lưới, thì điểm rơi của bóng đánh sang tất nhiên sẽ gần lưới. Ngược lại, nếu như điểm rơi lần thứ nhất ở gần đầu bàn đối phương đồng thời điểm cao của đường vòng cung lại ở trên khoảng không cuả mặt lưới thì điểm rơi của bóng sẽ xa.

- Phán đoán cường độ xoáy của bóng từ tốc độ vung vợt và âm thanh phát ra khi vợt đánh vào bóng của đối phương. Ví dụ, tốc độ vung vợt trong thời điểm đánh vào bóng nhanh, nhưng âm thanh phát ra nhẹ thì bóng đánh sang sẽ rất xoáy. Ngược lại nếu âm thanh phát ra khi đánh vào bóng to, chắc thì độ xoáy của bóng đánh sang sẽ không xoáy hoặc xoáy yếu.

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác bổ trợ để phán đoán tính năng, đặc điểm cuả bóng khi đánh sang như quan sát đường vòng cung bay và hình dạng của nó để phán đoán phương hướng và cường độ xoáy của bóng đánh sang, bản năng, kinh nghiệm thi đấu…Vấn đề này cần dựa vào sự nhận biết và lý giải được tính chất của các loại bóng xoáy, hình dạng đường bay vòng cung của vận động viên. Người tập cần phải thông qua quá trình tập luyện lâu dài kết hợp kiểm nghiệm trong thực tế để nâng cao trình độ cho mình.

3./ Phương pháp đỡ giao bóng.


Phương pháp cơ bản của đỡ giao bóng gồm có: Giật bóng, công bóng, tạt bóng, vuốt bóng, gò bóng, cắt bóng, đẩy bóng, chặn bóng, đập nhỏ, bỏ nhỏ.

* Đỡ giao bóng nhanh thuận tay và trái tay.

Vì tốc độ bóng đánh sang nhanh, đường vòng cung thấp, điểm rơi xa, xung lực (lực lao) lớn lại có thêm độ xoáy lên nên bóng đi nhanh, góc độ lớn ở bên trái thường không kịp né thân đánh trả. Vì vậy nên thường dùng đẩy chặn trái tay hoặc đánh trả giật nhanh hoặc công nhanh thuận tay. Khi dùng cắt bóng đánh trả nên lùi ra sau một chút, đợi cho tốc độ bóng đánh sang chậm lại một chút sẽ đánh trả sẽ tương đối chắc chắn hơn.

* Đỡ giao bóng xoáy xuống nhanh.

Do bóng đánh sang có tốc độ nhanh, điểm rơi xa lại xoáy xuống, khi đánh trả rất dễ chúc lưới, vì vậy khi đẩy hoặc công bóng đánh trả nên làm cho mặt vợt hơi ngửa ra sau, đồng thời tăng thêm lực lên trên thích đáng. Khi đánh trả bằng gò bóng, cắt bóng nếu tốc độ bóng đánh sang nhanh nhưng cường độ xoáy xuống không lớn thì góc độ mặt vợt không nên quá ngửa sau và điểm tiếp xúc với bóng khi đánh trả nên vào phần giữa bóng đồng thời tăng thêm sức ma sát bóng xuống dưới.

* Đỡ giao bóng xoáy xuống “xoáy và không xoáy”

Trước hết cần phán đoán chuẩn xác độ xoáy của bóng đánh sang.

- Đối với bóng xoáy xuống có thêm độ xoáy thì có thể dùng gò bóng để đỡ trả bóng, đồng thời mặt vợt phải ngửa ra sau và dùng sức ra trước nhiều hơn một chút để “xúc” bóng lên. Nếu dùng giật hoặc líp bóng để đánh trả thì cần tăng sức mạnh kéo nâng lên trên.

- Đối với bóng xoáy xuống “không xoáy” có thể dùng đẩy chặn hoặc công bóng để đánh trả. Nhưng do phần lớn bóng loại này thường có kèm theo xoáy xuống nhẹ, vì vậy khi đánh trả thì góc độ mặt vợt có thể hơi ngửa ra sau (hoặc không nên nghiêng ra trước nhiều) đồng thời tăng thêm lực hướng lên trên thích đáng.


Do loại giao bóng này bóng sang bàn mình gần lưới, đồng thời thường được dùng kết hợp với giao bóng nhanh, vì vậy luôn phải chú ý đến điểm rơi của bóng đến. Khi phát hiện bóng đến là bóng ngắn cần phải nhanh chóng di chuyển lên phía trước đến được vị trí đánh bóng thích hợp, sau đó căn cứ vào phương hướng và mức độ xoáy của bóng đến và sở trường kỹ thuật của bản thân để sử dụng gò, đẩy, công, líp bóng cho phù hợp.
Vì phần lớn bóng loại này đều ở trong bàn nên khi đánh trar thì vợt thường bị trở ngại của mặt bàn, làm cho biên độ động tác không thể lớn nên cần phải vận dụng đầy đủ sức mạnh của cẳng tay và cổ tay đồng thời cần phải dựa vào tính năng xoáy của bóng đến để điều chỉnh góc độ mặt vợt và phương hướng dùng sức cho phù hợp.
Sau khi đánh bóng cần nhanh chóng trở về vị trí đứng bình thường chuẩn bị đón đánh bóng lần sau.

* Đỡ giao bóng xoáy lên (xoáy xuống) bên trái thuận tay.

Do loại giao bóng này thường có thủ pháp tay giống nhau nhưng độ xoáy lại có sự khác biêth giữa xoáy nghiêng lên và xoáy nghiêng xuống. Do vậy trước khi đánh trả cần phải đặc biệt chú ý đến phương hướng xoáy của bóng đến.
Đỡ giao bóng xoáy nghiêng lên thường sử dụng đẩy bóng, công bóng để đánh trả. Khi đỡ bóng mặt vợt cần hơi nghiêng trước, đồng thời hơi nghiêng lệch sang trái một cách thỏa đáng, cần tăng thêm lực hướng xuống phía dưới và phía trước để phòng ngừa khi vợt tiếp xúc với bóng sẽ bật ngược sang phía bên phải. Nếu dùng gò bóng hoặc cắt bóng để đỡ bóng thì mặt vợt không nên ngửa ra sau quá nhiều, đồng thời hơi nghiêng lệch sang trái thỏa đáng, ngoài ra còn phải tăng lớn lực ma sát vào bóng theo hướng xuống phía dưới. Khi dùng líp bóng để đánh trả cần tăng lớn góc độ nghiêng trước của mặt vợt, đồng thời giảm tối đa sức mạnh nâng kéo lên trên, tăng thêm lực kéo ra trước.

Đỡ bóng xoáy nghiêng xuống dưới bên trái nên dùng gò, cắt để đánh trả. Khi đỡ bóng cần hơi ngửa ra sau, đồng thời hơi nghiêng lệch sang trái, tăng thêm lực hướng ra trước, ngăn ngừa bóng đến bật trở lại ra phía dưới bên trái. Nếu dùng đẩy bóng, công bóng để đỡ thì mặt vợt cần hơi ngửa ra sau, đồng thời hơi nghiêng lệch về bên trái, tăng tối đa sức mạnh ma sát bóng lên trên. Khi dùng líp bóng để đỡ trả thì mặt vợt không nên quá nghiêng về trước, đồng thời tăng thêm sức mạnh nâng kéo lên trên.


Phương pháp đỡ giao bóng xoáy lên (xoáy xuống) bên phải trái tay về cơ bản giống với đỡ giao bóng xoáy lên (xoáy xuống) bên trái thuận tay, chỉ khác là khi đánh vào bóng vợt cần phải nghiêng lệch sang bên phải thỏa đáng để triệt tiêu sức mạnh bắn sang bên trái của bóng đến.

Trên đây là các phương pháp đỡ các loại giao bóng nói chung. Người tập khi đã thành thạo được các phương pháp nói trên sẽ làm cho kỹ thuật cơ bản của mình được nâng cao. Dựa vào sở trường kỹ thuật của mình và đòi hởi kỹ - chiến thuật trong thi đấu có thể vận dụng các phương pháp khác nhau để chủ động đánh trả các loại giao bóng của đối phương.

Bài viết khác: