/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

“Quần hùng” bóng bàn tụ hội

 

TT - Giải bóng bàn các danh thủ mừng xuân Kỷ Sửu - Cúp Toàn Việt 2009 diễn ra tại CLB Phan Đình Phùng, TP.HCM, những người yêu mến bóng bàn có dịp thưởng thức những đường bóng một thời làm say đắm lòng người của những tên tuổi lẫy lừng của bóng bàn VN. Như Trần Tuấn Anh, Mai Văn Minh hay quái kiệt có lối đánh “cưa cẩm” từng “đốn hạ” không biết bao nhiêu tay vợt mạnh của VN - Trần Tuấn Anh B...

Đôi bạn lục tuần Trần Tuấn Anh B (trái) và Mai Văn Minh

Dù dáng dấp đã nặng nhọc vì tuổi tác nhưng những danh thủ vang bóng một thời của bóng bàn VN như Mai Văn Minh, Trần Tuấn Anh A, Trần Tuấn Anh B, Nguyễn Vinh Hiển, Vương Dục Uy, Lê Huy... vẫn không hổ danh là những tượng đài của bóng bàn VN. Xem họ thi đấu, dù thao tác không còn linh hoạt như xưa nhưng như nhận xét của trưởng ban tổ chức giải Tôn Thất Diệp (cũng là một danh thủ bóng bàn): “Mỗi người một vẻ và ai cũng có miếng, có bài đặc biệt”.

Xứng danh... danh thủ

Nổi bật trong số đó là tay vợt giàu thành tích nhất VN - danh thủ Trần Tuấn Anh (Trần Tuấn Anh A). Cầm vợt thi đấu trở lại sau 15 năm tập trung vào công tác quản lý, huấn luyện, tay vợt mười lần vô địch quốc gia này đã cho thấy sự lợi hại của mình bằng những đường nét mượt mà với những cú giật phải đẹp như tranh.

Như ở trận Toàn Việt gặp tạp chí Nghề Báo ở ngày khai mạc, lão tướng Trần Tuấn Anh A ngoài việc đóng góp một trận thắng quan trọng giúp Toàn Việt giành chiến thắng chung cuộc 3-1, anh còn làm người xem trầm trồ với những cú giật phải mạnh và nguy hiểm. Cũng nhờ “tuyệt chiêu” này mà Trần Tuấn Anh A mười lần đoạt chức vô địch quốc gia.

Còn lão tướng Trần Tuấn Anh B cũng là một trường hợp đặc biệt khác. Dù năm nay đã bước sang lục tuần nhưng những cú phản xoáy, dùng mặt gai tấn công của ông vẫn còn đầy uy lực và là hung thần đối với lớp trẻ đáng tuổi con cháu mình. Tại giải năm nay, ông đánh “chầu” trong màu áo báo Lao Động và những đường bóng hiểm, “độc” của ông đã góp phần quan trọng đưa đội lọt vào tứ kết giải đồng đội.

Tương tự, tay vợt Mai Văn Minh cũng xứng danh là... “hổ tử” của dòng họ Mai huyền thoại trong lịch sử bóng bàn VN. Ở tuổi 60, những cú đôi công mạnh của ông khiến người xem... lạnh xương sống! Được biết, hiện nay dù rất bộn bề với công việc kinh doanh cà phê và dụng cụ TDTT, nhưng để giữ được những tuyệt chiêu này ngày nào ông Minh cũng bỏ ra ít nhất khoảng một giờ để luyện tập. Trần Văn Minh (21 tuổi), một tay vợt phong trào có tiếng, sau khi chứng kiến màn trình diễn của ông đã phải thốt lên: “Đúng là không hổ danh danh thủ”.

Tại giải này, danh thủ Nguyễn Minh Hiền (Cửu Long - vô địch quốc gia tuổi 16) do không thi đấu nên khi ngồi ở hàng ghế HLV, anh có dịp quan sát các đàn anh biểu diễn những tuyệt chiêu rất say mê đồng thời ghi chép không bỏ sót một động tác nào. Theo anh Hiền, cũng như bóng đá, muốn thành công và để lại tên tuổi VĐV bóng bàn cũng cần có những cú “độc”. Tuy nhiên, rất tiếc sau này bóng bàn VN rất ít có VĐV nào chịu khó luyện cho mình những “chiêu” độc đáo. Và đó cũng là một trong những lý do khiến bóng bàn hôm nay không còn sức thu hút mạnh mẽ đối với người xem như thời anh và những thế hệ trước đó.

Lão tướng Mai Văn Minh với sở trường đôi côngẢnh: TR.D.

Giữ “lửa” và kết nối niềm đam mê

Đây là năm thứ ba liên tiếp Công ty Toàn Việt đứng ra tổ chức giải đấu này. Ở giải năm nay, bên cạnh các danh thủ như trên vừa kể, bác sĩ Lê Tuấn (Việt kiều Mỹ) cũng đã vượt nửa vòng Trái đất về VN tham dự trong màu áo CLB Những Người Bạn 2. Trước đây, bác sĩ Lê Tuấn cũng thường xuyên là mạnh thường quân tài trợ cho các giải đấu do diễn đàn bóng bàn VN tổ chức. Ngoài ra, cũng phải kể đến hai CLB phía Bắc là đội Bát Đàn - Hà Nội và Bánh Mì Hà Nội đã tự túc kinh phí và không quản ngại đường sá xa xôi vào TP.HCM tham gia.

Và điều này, theo trưởng ban tổ chức giải Tôn Thất Diệp: “Đó chính là một lý do để tôi phải cố giữ “lửa” và ngày càng cố gắng chăm chút thêm cho phong trào bóng bàn”. Và cũng từ đây, vị giám đốc có máu mê bóng bàn này đã tuyên bố như đinh đóng cột trong buổi họp báo: “Dù hầu bao” của Công ty Toàn Việt có bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng chúng tôi cũng phải tổ chức giải đấu đàng hoàng. Cụ thể là giải thưởng năm nay không thể thấp hơn so với giải năm ngoái”. Thật vậy, giải nhất đồng đội trị giá 30 triệu đồng ở giải đấu này được xem là giải thưởng rất cao trong hệ thống các giải phong trào.

Người tổ chức đã giữ “lửa” được như vậy nên người tham dự cũng rất nhiệt tình và tham gia bằng cả tấm lòng. Từng tham gia các hoạt động thể thao phong trào, theo quan sát của chúng tôi, khó có giải đấu phong trào nào mà cả gia đình, cả công ty hoặc cả mấy thế hệ cùng có mặt như tại giải này. Đó là đại gia đình họ Mai huyền thoại với bác Mai Văn Minh trong màu áo đội Công ty dầu khí Phú Quý, cháu Mai Huỳnh Minh Sơn trong màu áo đội Minh Hiếu - Nhật Hào và bố Mai Văn Quang với tư cách là HLV. Hay như trong ngày khai mạc, CĐV của Công ty bánh ngọt Đức Hải (quận 6) cũng có mặt rất đông để ủng hộ, đồng thời thưởng thức cú giao bóng tuyệt chiêu của ông chủ - VĐV Vương Dục Uy.

Tại giải năm nay, khán giả còn bắt gặp những hình ảnh rất cảm động như cuộc hội ngộ của hai lão tướng Mai Văn Minh - Trần Tuấn Anh B, tay bắt mặt mừng chụp hình lưu niệm. Học trò Nguyễn Minh Hiền cúi rạp đầu lễ phép khi gặp lại thầy Trần Tuấn Anh A, hay như hình ảnh “ông bầu” Huỳnh Dũng Nhân (tổng biên tập tạp chí Nghề Báo) luôn túc trực xem “gà nhà” thi đấu, đồng thời nhảy cẫng như đứa trẻ lên ba khi đội nhà giành chiến thắng.

Cũng cần nói thêm đây là một trong những giải phong trào ít xảy ra kiện cáo nhất. Theo trưởng ban tổ chức giải Tôn Thất Diệp: “Mặc dù điều lệ còn những lỗ hổng như không kiểm tra gắt gao trường hợp một VĐV trong một năm chạy sô thi đấu đội khác nhau, nhưng ai cũng biết khó khăn lắm mới duy trì được giải đấu này nên hầu hết đều xí xóa và vui vẻ cho qua”.

Chuyện về Trần Tuấn Anh A, Trần Tuấn Anh B

Danh thủ Trần Tuấn Anh A và cú giật phải sở trường-nh: TR.D.
Theo quy định thông thường, trong trường hợp ở một môn thể thao nào đó có hai VĐV trùng cả tên họ và chữ lót, liên đoàn sẽ căn cứ vào tuổi của người lớn hơn để xác định tên gọi A và B để phân biệt. Mới đây nhất, Liên đoàn Cầu lông thế giới cũng đã sử dụng ký hiệu này để phân biệt VĐV Vũ Thị Trang A và Vũ Thị Trang B khi đưa vào bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, “quần hùng” bóng bàn VN lại không đi theo cách làm đó mà căn cứ vào thành tích, hay còn gọi là “số má”, để đặt tên cho Trần Tuấn Anh A và Trần Tuấn Anh B.

Cụ thể, với mười lần vô địch quốc gia, Trần Tuấn Anh (nhỏ, 50 tuổi) đã được gọi là Trần Tuấn Anh A, trong khi đó dù năm nay đã 60 tuổi nhưng chưa vô địch quốc gia lần nào, vì thế lão tướng Trần Tuấn Anh (lớn) được gọi là Trần Tuấn Anh B.

Giải thích về cách gọi này, lão tướng Trần Tuấn Anh B cho biết: “Năm 1970 tôi từng vô địch sinh viên Sài Gòn, nhưng do không có “số má” ở giải toàn quốc nên phải để Trần Tuấn Anh (nhỏ) xếp trên”. Còn Trần Tuấn Anh A cho biết: “Điều đó cũng đúng thôi, không có lý do gì gọi tôi là Trần Tuấn Anh B, bởi thành tích mười lần vô địch quốc gia của tôi đến nay vẫn chưa có tay vợt nào vượt qua được”.

TRUNG DÂN

 

 


Bài viết khác: