/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Ông Phiến và bộ sưu tập huy chương

Bằng nghị lực phi thường, người thương binh 2/4 Hà Quý Phiến đã góp phần nuôi cả gia đình với 5 đưa con khôn lớn và trở thành một lão vận động viên bóng bàn với bộ sưu tập huy chương đủ các màu.

Trở về không nguyên vẹn

Tôi gọi điện cho ông đúng lúc ông chuẩn bị để hôm sau lên đường tham dự "Hội thi Thể thao Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ IV" tại Đà Nẵng. Tức tốc phi xe máy về ngôi làng hiền hoà nằm bên bờ nam sông Đuống để gặp được ông. Trong ngôi nhà nhỏ, ông đã kể tôi nghe về những kỷ niệm của cuộc đời người lính thương binh đã vào tuổi thất thập.

Sinh năm 1940, khi 25 tuổi, chàng thanh niên Hà Quý Phiến, thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh ra chiến trường. Sau 6 tháng huấn luyện, ông được phân công về đại đội 75, Binh trạm Bắc Tây Nguyên làm nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn. Cả đại đội gần 200 người chia thành nhiều tiểu đội độc lập, phụ trách khoảng 17 ngày đường, mỗi tiểu đội cách nhau một ngày đường. Những tháng ngày gian khổ chiến đấu bảo vệ con đường giao liên huyết mạch của chiến trường đã khiến ông bị thương hơn chục lần. Ông bồi hồi kể: "Những lần trước tôi chỉ bị thương vào phần mềm, giờ các mảnh đạn vẫn còn nằm đầy trong người, chung sống với nó thôi.

Lần cuối cùng tôi bị thương vào giữa năm 1972, mất một chân. Hôm đó, tiểu đội tôi đi giúp các tiểu đội khác san lấp hố bom, chỉ còn lại 3 người ở nhà trực chiến. Bất ngờ một đại đội pháo đổ bộ xuống, 3 anh em chúng tôi cầm cự với địch rồi sau đó được một tiểu đội bên kho sang hỗ trợ. Địch rút chạy, bắn pháo trả lại, một mảnh pháo phang trúng cây to cách chỗ tôi đứng chưa đầy 2m. Mảnh pháo văng ra bắn vào chân trái tôi khiến toàn bộ phần xương giập nát". Lần đó ông đã phải tự kê cái chân bị thương chỉ còn thịt mềm nhũn của mình lên gốc cây, lây dao găm tự chặt đứt, rồi băng bó lại. Xong, ông lấy hết số thuốc dự trữ trong người ra uống rồi nằm chờ đồng đội đến đưa ra trạm tiền phẫu.

Ông kể rằng, ở trạm tiền phẫu, ông đã được mổ, đã được các đồng đội sẻ chia dòng máu nóng. Ông bảo: "Tôi được sống trở về, được sống trong những ngày đất nước thanh bình, không còn tiếng súng chiến tranh, được lấy vợ sinh con đã là may mắn lắm rồi. Có những đồng đội của tôi đã không trở về. Cho nên lúc nào tôi cũng tâm nguyện phải sống hết mình, phải sống cho cả những đồng đội đã khuất của tôi".

Ông Phiến và bộ sưu tập huy chương. Ảnh: T.H
Ông Phiến và bộ sưu tập huy chương. Ảnh: Lao Động

"Dấu chân tròn" mưu sinh khắp chốn

Sau 17 ngày nằm tại trạm tiền phẫu, sức khoẻ dần hồi phục ông quay trở lại đơn vị làm nhiệm vụ thêm 6 tháng. Tháng 12.1972 ông ra bắc điều dưỡng rồi trở về quê hương. Duyên số đã đưa ông gặp cô giáo đẹp người đẹp nết Trần Thị Đông, vốn là người bạn gái cùng trường phổ thông năm xưa. Năm 1973, anh thương binh và cô giáo trẻ nên vợ nên chồng. Ông bảo: "Tôi cũng chẳng hiểu sao ngày đó bà ấy lại đồng ý nhận lời cầu hôn của tôi, một anh thương binh mất một chân trong khi không ít chàng trai lành lặn vây quanh". Tôi muốn hỏi bà điều ấy, nhưng bà đang vắng nhà, đi thăm cô con gái mới sinh cháu. Nhưng tôi thầm nghĩ, ông bà đến với nhau là vì một thứ tình yêu thánh thiện, trong sáng. Và cũng có lẽ vì ngày đó bà đã nhìn thấy ở ông một nghị lực phi thường, một niềm lạc quan mà không phải cứ người đàn ông lành lặn nào cũng có được.

Cưới nhau xong, những đứa con lần lượt ra đời. Sức khoẻ của ông lại không được tốt. Mỏm xương chân trái liên tục chồi ra khiến ông phải phẫu thuật cưa đi, cưa lại đến 5 lần mới chấm dứt hẳn. Người vợ thì ngoài công việc trường lớp còn bận chăm sóc bố mẹ già và đàn con mọn nên chăng làm thêm được việc gì. Nhìn đàn con nheo nhóc và bố mẹ ngày càng già yếu trong ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ông thầm nghĩ: "Mình là thằng đàn ông, gánh vác trụ cột gia đình chẳng nhẽ cứ chịu cảnh đói, cảnh nghèo đeo đuổi mãi. Chiến tranh ác liệt là thế còn chẳng chết, chẳng lẽ giờ sống trong cảnh thanh bình lại chịu đầu hàng cái đói, cái nghèo". Nghĩ vậy ông bắt tay vào xoay xoả đủ thứ nghề. Người lành lặn mưu sinh đã vất vả, đằng này ông chỉ còn một chân nên kiếm bát cơm manh áo càng khổ trăm lần. Chẳng còn thứ nghề nào mà ông không trải qua. Hết việc ruộng đồng lại làm thuê, làm mướn, đánh giậm.

"Dấu chân tròn" của ông đã in dấu khắp chốn ao, hồ để tìm con cua, con tôm, con tép. Nhìn căn nhà dột nát, trời mưa trong nhà cũng như ngoài sân, trời nắng trông thấy cả mảng trời xanh, ông lại quyết tâm tìm cách xây lại ngôi nhà. Nhưng lấy gì xây lại nhà là câu hỏi khiến ông nhiều đêm mất ngủ. "Tiền không có, nhưng mình còn có sức khoẻ, dẫu chỉ còn một chân lành lặn". Nghĩ là bắt tay vào làm, ông vác cuốc, xẻng, xà beng đi khắp các xã trong vùng đánh gốc cây làm củi về đổi lấy gạch, ngói. Đến giờ, những người dân sống quanh làng ông vẫn nhớ hỉnh ảnh anh thương binh sáng sáng lóc cóc đạp xe đi, tối mịt lại gò lưng đẩy xe chất đầy củi về. Cứ thế, ông đổi đủ gạch, ngói để cất lại ngôi nhà chắc chắn hơn, không còn lo chỗ ngủ cho 5 đứa con và bố mẹ già mỗi khi trời mưa, trời gió nữa. Ông đùa: "Nếu nói về đánh gộc (gốc cây) thì tôi vào loại cự phách. Nếu nghề nào cũng được phong nghệ nhân thì tôi là nghệ nhân đánh gộc. Mình tôi phải đánh được gấp 2-3 lần người khác. Cũng vì nghèo buộc mình phải cố thôi".

Có được ngôi nhà, không còn lo chỗ ở, nhưng các con ngày một lớn, đến tuổi ăn, tuổi học mà cái nghèo vẫn cứ quẩn quanh trong ngôi nhà của ông. Nhà ông gần bến phà Hồ, mỗi lần qua đó thấy nhiều xe thồ tấp nập chở ngô, khoai, sắn lên bến ông mới lân la hỏi. Thấy người ta nói là đi buôn từ mạn ngược về, cũng lãi kha khá, ông lại đạp xe đi. Những ngày đó khắp vùng Tân Yên (Bắc Giang), Hữu Lũng (Lạng Sơn)... chưa nơi nào không có dấu chân ông qua. Dù chỉ còn một chân nhưng ông hàng ngày ông vẫn đạp xe băng băng hàng trăm cây số chở về cả tạ khoai, sắn... để kiếm bát cơm cho con cái. Ông đi tận sâu vào những xóm làng xa xôi, nơi những cánh xe thồ khoẻ mạnh ngại đường khó khăn ít đến đến để mua được nhiều hàng hơn, giá cả mềm hơn.

Dù nắng, dù mưa, tháng 30 ngày thì cả 30 ngày bến phà Hồ đón chiếc xe thồ chất đầy hàng của ông lên bến. Có những chuyến đi gặp cơn trái gió, trở trời, mỏm chân cụt lại đau buốt khiến toàn cơ thể như co rút lại, ông phải vứt cả xe hàng chờ cơn đau qua đi rồi lại tiếp tục lên đường. Ông không cho phép mình ngơi nghỉ bởi "nếu nghỉ thì mình chết đói, các con chết đói". Như con ong mải miết bay đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác chắt chiu từng giọt mật ngọt, ông mải miết đạp xe đi đi về về, những chuyến buôn không chỉ mang về bát cơm đầy cho các con mà ông còn tích lũy được ít nhiều. Các con lớn dần, cuộc sống nghèo khó cũng rời xa gia đình ông Phiến. Đến giờ những ngày cơ cực ấy đã qua, con cái trưởng thành, chỉ con hai vợ chồng ông trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, ông vẫn không thể tin mình đã làm việc một cách ghê gớm đến thế.

Lão vận động viên có duyên với huy chương

Gần 40 năm lăn lộn với cuộc mưu sinh, những vất vả rồi cũng qua đi. Giờ đây, các con đã xây dựng gia đình, đã ra ở riêng, kinh tế cũng tương đối ổn định, được nghỉ ngơi sau những tháng ngày cơ cực ông lại tìm đến với một niềm đam mê, đó là chơi bóng bàn. Ông bắt đầu đến với môn thể thao này từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu cũng là tập theo phong trào, tập để giữ gìn sức khoẻ. Hàng ngày, cứ rảnh rang là ông lại đạp xe hàng chục cây số để đi tập. Ông bảo, ban đầu tập cũng vất vả lắm, đã có lúc nghĩ mình không thể làm được. Vết thương trong người thỉnh thoảng lại "thức dậy", hành hạ cơ thể ông. Có lúc đang tập bên bàn bóng ông ngã vật ra đất, lăn lộn vì cơn đau chợt đến.

Đã hàng chục lần ông định thôi không tập nữa nhưng cứ nghĩ đến những đồng đội đã khuất, nghĩ đến lời hứa phải sống cho cả những người đã nằm xuống ông lại lao đến bàn bóng và tập để quên đi hết mọi đớn đau đang hành hạ cơ thể.  Thế rồi càng tập, ông càng ham mê và thấy hình như "mình cũng chơi được môn này" nên càng tập luyện hăng say hơn. Chiếc nạng gỗ cùng ông đồng hành suốt những tháng ngày mưu sinh vất vả, giờ lại cùng ông xoay tròn bên bàn bóng. Chỉ còn một chân nhưng ông đánh bóng thành thạo, với những đường bóng đẹp hơn cả những người lành lặn. Để có điều kiện tập nhiều hơn ông Phiến mua cả bàn, cả vợt về nhà tập. Từ đó, căn nhà nhỏ càng trở nên ấm cúng hơn vì thành nơi tụ họp của những người ham mê môn bóng bàn, không chỉ những người khuyết tật mà cả những thanh thiếu niên, những người khoẻ mạnh trong làng ngoài xóm. CLB bóng bàn xã Song Hồ được thành lập cũng từ chính nơi ấy.

Năm 2003, hơn mười năm kể từ khi ông bắt đầu làm quen với môn bóng bàn, Para Games 2 (Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á) do Việt Nam đăng cai được tổ chức tại Hà Nội cũng là lúc ông tham gia thi đấu lần đầu tiên. Lần đó, nghe tin Việt Nam được đăng cai tổ chức Para Games, ông Phiến đã khăn gói lên Hà Nội để tìm hiểu và đăng ký dự thi. Khó khăn mãi ông mới được ghi tên tham dự. Và lần đó dù không được tập luyện tập trung như các vận động viên khác, ông đã giành được chiếc huy chương Bạc. Ông tâm sự: "Cái đận ấy, nếu không có những người bạn trên Hà Nội giúp đỡ thì chưa chắc tôi đã được dự thi. Tôi biết đến cuộc thi chỉ cách khi nó diễn ra một tuần. Nhờ bạn bè chạy ngược chạy xuôi xin giấy giới thiệu rồi chăm lo bữa ăn, giấc ngủ tôi mới được tham dự lần đó".

Sau lần tham dự Para Games, ông bắt đầu tham gia các giải đấu dành cho người khuyết tật. Tại Hội thi Thể thao Văn nghệ người khuyết tật lần thứ 3 tổ chức tại Huế, ông Phiến đã giành được chiếc huy chương Vàng môn bóng bàn. Các giải thể thao dành cho người khuyết tật được tổ chức đều có tên ông tham dự và mang về những tấm huy chương. Người bạn đời của ông, người đã cùng ông đi gần 40 năm cuộc đời giờ lại cùng ông ngược xuôi vào Nam, ra Bắc để chăm lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ trong những lần tham dự các giải thi đấu bóng bàn dành cho người khuyết tật. Năm 2010 này, khi Hội thi Văn nghệ Thể thao người khuyết tật lần thứ IV tổ chức tại Đà Nẵng ông lại khăn gói lên đường tham dự. Ông khoe: "Lần này tôi không chỉ tham gia đánh bóng bàn mà còn thi hát nữa đấy! Ông già này trông vậy mà vẫn còn khỏe khoắn lắm đó".

Có trong tay vài chục huy chương với đủ màu sắc vàng, bạc, đồng, người thương binh đã ở cái tuổi 70 vẫn chưa nguôi khát vọng làm dày thêm bộ sưu tập của mình. Cho dù tất cả các cuộc thi ông đều tự tìm cách đăng ký, tự bỏ tiền túi ra đi tham dự nhưng chưa có một hội thi nào ông vắng mặt. Chiếc nạng gỗ cùng ông song hành từng ngày lại cùng ông vào Nam ra Bắc. Khát vọng cháy lòng của ông là những người khuyết tật được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thành lập các CLB, tổ chức các giải thể thao dành cho người khuyết tật để họ có sân chơi, có chỗ giao lưu. Điều đó giúp cho người khuyết tật tăng cường sức khoẻ, bớt đi những mặc cảm để hoà nhập với những người lành lặn, bình thường.  Ước mơ bình dị của người thương binh, người vận động động viên già có lẽ cũng là ước mơ của rất nhiều người khuyết tật khác.

(Nguồn : Báo Lao Động)


Bài viết khác: