Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Như Mai.

 

Đấu trường vinh quang - Ngày ấy & bây giờ (kỳ 11)

Nu hoang khong ngai mon bong nhua
Từ trái qua: Mai Văn Hòa, Như Mai, Mai Văn Chất

Trong quá trình đi tìm lại những chứng nhân, những tài liệu của sự kiện các tay vợt VN làm rúng động bóng bàn thế giới ở thập niên 1950, nhiều lần tôi nghe nhắc và đọc thấy cái tên “Như Mai”.

Các ông Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Đến cũng bảo: “Cậu mà tìm được chị Như Mai để viết thì hay lắm. Đó là một người phụ nữ độc đáo, xưa nay hiếm có”...

Hữu duyên…

Trong lúc loay hoay chưa biết tìm cô Mai ở đâu thì tôi nhận được lá thư cô gửi đến TS ngày 5-11. Trong thư cô viết: “Cả đại gia đình tôi đều là độc giả báo TS. Khi đọc những bài báo “Đấu trường vinh quang - Ngày ấy & bây giờ”, tôi đã không cầm được nước mắt.

Một thời vàng son của bóng bàn VN, dù cách đây nửa thế kỷ, nhưng đã được dựng lại một cách rất trung thực, chính xác. TS đã có một loạt bài rất ý nghĩa, cho thấy lớp trẻ hôm nay rất nghĩa tình, biết được cái qui luật trong trời đất, đó là có gốc mới có ngọn, có xưa mới có nay... Các bài báo sẽ là kỷ vật cho những ngày cuối của cuộc đời tôi và mãi mãi đến ngày nào tôi mãn số nhân kiếp...”.

Mừng hơn bắt được vàng, ngay lập tức tôi liên lạc với cô theo số điện thoại trong thư và được một cái hẹn vào chiều 7-11. Trong một căn nhà cũ kỹ ở hẻm 343 Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình, TP.HCM), ngồi trước mặt tôi là cô Như Mai, một bà lão đã 76 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Bà cười nói rổn rảng, đưa tay lên gồng cho thấy cơ bắp vẫn còn và bảo: “Đây là chứng tích của một nữ thể thao gia, chứ không cậu lại không tin”.

Nu hoang khong ngai mon bong nhua
Như Mai (phải) trước Nha Thông tin Bắc Việt - nơi tổ chức thi đấu, biểu diễn bóng bàn quốc tế Hà Nội 1952

Ngồi với bà trọn một buổi chiều, những câu chuyện thật thú vị của thể thao mà bà là nhân vật chính đã như thác lũ ào về theo dòng sông ký ức. Sang sảng kể đến Bà tên thật là Trần Thị Mai, sinh năm 1929 tại Đà Nẵng, là kết quả mối tình của một chàng trai dân Nha Trang theo Tây học là ông Trần Đình Quế với một cô gái gốc Sài Gòn là bà Lê Thị Tuyết Ngọc. Cả hai theo gia đình đến sinh sống tại Đà Nẵng, nên duyên chồng vợ và sinh ra Mai.

Năm Mai 5 tuổi, được cha xin vào học tại một trường mẫu giáo của Pháp. Tự ái vì lời từ chối của trường khi bảo rằng trẻ VN phải 7 tuổi mới theo học được với trẻ Pháp 5 tuổi, người cha đã về làm giấy khai sinh tăng thêm cho con hai tuổi để quyết chứng minh trẻ Việt chẳng thua trẻ Pháp. Năm 7 tuổi, Mai được ví như “thần đồng” khi học giỏi và đặc biệt múa hát rất hay. Cô bé đã từng được triệu vào cung để múa hát chúc mừng Nam Phương hoàng hậu và được ban thưởng một đồng tiền Khải Định.

Càng lớn, Mai càng táo tợn như một cậu con trai. Năm 12 tuổi, cô bé đã dám nhảy xuống sông Hàn bơi lội. Năm 14 tuổi, Mai là cô gái duy nhất đăng ký đua xe đạp Đà Nẵng - Hội An - Đà Nẵng (32km) giữa một rừng nam nhi!

Đến năm 1943, chiến tranh loạn lạc, Mai vào Sài Gòn để ăn học. Năm 1947, khi hai anh em Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa từ Nam Vang về lại Sài Gòn, cô lập tức trở thành nữ học trò duy nhất của họ. Cô Mai kể: “Chúng tôi không họ hàng, nhưng như là họ hàng vì ông bà ngoại tôi có một thời lưu lạc ra Bắc làm ăn và thân quen như ruột thịt với ông bà cụ thân sinh các anh Chất, Hòa. Tôi nhỏ hơn anh Chất tám tuổi và thua anh Hòa hai tuổi”.

Cứ mỗi buổi chiều, cô lặn lội đến lò bóng bàn Nam Việt của anh em ông Chất - Hòa (ở đường Bùi Thị Xuân bây giờ) để học. Được truyền nghề bởi hai nhân vật khét tiếng này nên cô Mai không có đối thủ cùng giới. Do lúc ấy chưa có giải vô địch bóng bàn chính thức dành cho nữ nên phần lớn cô thi đấu biểu diễn với Mai Văn Hòa.

Khi thì họ là đối thủ, Hòa chỉ làm tường thành cho Mai đập, tiu; khi thì họ đứng đôi với nhau, một công một thủ nhịp nhàng, đi đến đâu cũng được hoan hô vang dội. Bà cười bảo: “Nói như ngôn ngữ thời bây giờ thì lúc ấy tôi đắt sô lắm. Vĩnh Long, Cái Bè, Biên Hòa, Thủ Đức, Cai Lậy, Mỹ Tho, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... tôi đều đã từng đến để thi đấu, biểu diễn bóng bàn”.

Về sau, cô có một người bạn là hoa khôi nữ sinh Gia Định tên Nguyễn Thị Nữ, cũng đánh bóng bàn kha khá. Cả hai đã được một người ái mộ cho mượn trọn tầng trệt của một căn nhà rộng lớn trên đường Phùng Hưng (quận 5) bây giờ để mở Hội quán bóng bàn Mai Nữ. Đó là lò bóng bàn đầu tiên để làm nơi lui tới cho những cô gái yêu thể thao ngày ấy.

“Nữ hoàng” không ngai

Nu hoang khong ngai mon bong nhua
Trong những năm đầu thập niên 1950, việc có một cô gái thi đấu bóng bàn là một sự kiện của xã hội. Cái dấu ấn phong kiến còn đè nặng trong đầu óc người dân, nên cuộc ra mắt đầu tiên Mai phải thi đấu trong trang phục... áo dài! Cô kể: “Mới tiêu vài cái là... tẹt, rách nách áo! Vì vậy, tôi dẹp luôn chuyện mặc áo dài thi đấu vì không thuận tiện. Chuyển sang mặc áo thun, quần tây dài”.

Trong ảnh: cô Mai trong trang phục áo dài chuẩn bị bước vào cuộc thi đấu biểu diễn đầu tiên trong đời, năm 1949.

Năm 1952, trong chuyến hai ông Chất, Hòa ra Hải Phòng, Hà Nội thi đấu giao hữu với hai nhà vô địch châu Á là Tiết Thủy Sơn, Phó Kỳ Phương (Hong Kong), cô Mai cũng được mời theo để đọ tài với tay vợt nữ số 1 Bắc kỳ lúc đó là Nguyễn Thị Nhuận.

Mai đã thắng Nhuận và vài năm sau đã thắng luôn cả Hoàng Mộng Điệp (Huế) - vô địch miền Trung, nên có thể nói cô là “nữ hoàng” đầu tiên của môn bóng nhựa VN, dù không ngai!

Cũng trong năm này, Mai được tháp tùng cùng các ông Chất, Hòa sang thi đấu ở Campuchia. Ở đó, Mai hạ tay vợt số 1 chủ nhà Thái Mỹ Dung và được ông hoàng Sihanouk cảm mến tài năng tặng một chiếc ly bạc.

Năm 1953, cô Mai đứng cặp với Trần Thị Kim Ngôn và hạ cặp nữ số một Hong Kong là Hoàng Bích Diêu - Trần Ngọc Nghi ngay tại Sài Gòn với tỉ số 2-1. Nhà báo Huyền Vũ ngày ấy viết: “Nữ kiệt Như Mai với những quả vụt góc thần tốc đã hạ được Hoàng Bích Diêu - Trần Ngọc Nghi”.

Năm 1956, trong chuyến dự giải quốc tế Philippines mà Lê Văn Tiết đã đoạt cúp vô địch, cùng với những tay vợt khét tiếng Hòa, Tiết, Được, Hằng, Như Mai cũng được mời sang biểu diễn và khán giả chủ nhà hết sức thích thú với hình ảnh cô gái VN chơi bóng bàn giỏi.

Nhưng, nhắc đến Như Mai mà chỉ nói mỗi thành tích bóng bàn thì chẳng khác nào chỉ mới sờ tai voi mà dám tả voi!

HUY THỌ

 

 


Bài viết khác: