Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Nguyễn Xuân Năng và niềm đam mê..

 

Nguyễn Xuân Năng và niềm đam mê...
 

 

Thể thao Việt Nam tự hào mỗi khi cái tên Nguyễn Xuân Năng được xướng lên trong bảng danh sách nhận giải, người dân Thanh Hóa nghèo khó quê anh càng tự hào và cảm phục hơn về một người con với nghị lực phi thường - một người lính Cụ Hồ, như "Mùa Lạc" của nhà văn Nguyễn Khải đã viết: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ.
 

 

Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh vượt qua ranh giới ấy". Vào một ngày gần đây, tôi tới thăm ngôi nhà nhỏ của vận động viên khuyết tật Nguyễn Xuân Năng thuộc Tiểu khu 5 thị trấn Tĩnh Gia-Thanh Hoá...

 

Ngày trở vềkhông vẹn nguyên...

Nguyễn Xuân Năng sinh năm 1952 trong một gia đình nông dân ở thị trấn Tĩnh Gia- Thanh Hoá. Đất nước có chiến tranh, anh tham gia vào đội dân quân du kích năm 18 tuổi, rồi sau đó lên đường nhập ngũ. Tháng 6.1972 trong lúc tập luyện cùng đồng đội ở C12 trung đoàn 57, không may kíp mìn nổ đất đá tung tóe, từ trên hệ thần kinh trung ương của anh một luồng âm thanh khủng khiếp tràn xuống làm cơ thể cứng đơ, hai bàn tay bê bết máu, anh ngất đi. Anh được đồng đội đưa vào viện 109 điều trị, do vết thương quá nặng, bác sỹ phải cưa bỏ hai bàn tay của Năng. Lúc bấy giờ thuốc men thiếu thốn, vết thương bị nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ lên cao dần, cuối cùng từ cùi chỏ trở xuống mỗi bên chỉ còn khoảng 1 tấc.

Năm 1973, Năng được đưa về đơn vị C65 đoàn 582 quân khu 4 an dưỡng. Đến năm 1986, khi đất nước giải phóng, anh được chuyển về ở Thọ Châu- Quảng Thọ -Quảng Xương Thanh Hoá. Người thanh niên 22 tuổi với hai bàn tay cụt ngủn, trở về quê mẹ với hình hài không còn nguyên vẹn, cánh cửa cuộc đời như đã sụp đổ trước mắt anh thương binh ¼. Xuân Năng tự ti vì mình bây giờ chỉ là người thừa trong xã hội, mỗi lần thức giấc, nhìn hai bàn tay cụt ngủn, nước mắt cứ lặng lẽ chảy dài.

Tàn nhưng không phế...

Những tưởng "cú đấm số phận" nghiệt ngã ấy khiến anh buông xuôi nhưng anh đã không đầu hàng số phận. Năng tâm sự: "Thời gian đầu tôi rất buồn và rơi vào trạng thái u uất, tôi nghĩ đời mình đã hết nhưng gia đình và bạn bè đã luôn ở bên động viên hãy nhìn về phía trước". Số phận may mắn, anh gặp và xe duyên cùng Nguyễn Thị Thoả. Lúc đầu, cuộc sống gia đình gặp nhiều những khó khăn, nhìn người vợ hiền tảo tần, chịu thương chịu khó anh đứng ngồi không yên, không cam chịu phải nhờ cậy người khác, anh lên "kế hoạch" tự lo cho mình. Từ chối mọi sự giúp đỡ từ người thân để tập sinh hoạt như một người bình thường, anh bắt đầu học cách làm công việc nhỏ trong nhà như lau chùi nhà cửa, giặt quần áo, anh còn gánh phân, cày bừa trong mùa vụ. Bốn đứa con (1 trai, 3 gái) lần lượt ra đời, Năng chắt chiu rồi vay thêm tiền mua chiếc xe đạp cũ đi buôn hoa quả và mở quán rửa xe kiếm tiền nuôi các con ăn học. Người đời vẫn không thiếu kẻ xấu xa, thấy anh không có bàn tay, không những chúng ném hàng xuống đất, còn rêu rao anh bị bệnh hủi để người khác không mua hàng của anh. Nhưng những người hiểu anh, biết anh từ trước đã động viên, giúp đỡ anh nhặt lên và mua hàng. "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", Xuân Năng đã bắt đầu cuộc sống mà không có đôi bàn tay như thế.

Không chỉ làm kinh tế, anh còn là người đam mê bóng chuyền, bi-da, cờ tướng. Năm 1994, anh quyết định đến với môn bóng bàn. Nhớ lại những ngày đầu anh làm quen với nó khá khó khăn, vất vả. Bàn tập bóng chỉ là 1 cái bàn đá, lúc đầu, anh kẹp vợt vào 2 cùi tay, miệng ngậm trái bóng và tập phát bóng trong 1 thời gian nhưng không thành, sau đó nhờ người buộc vợt vào 1 bên cùi tay rồi tập nhưng chưa đầy vài phút thì cả cùi tay sưng tấy lên không sao nâng vợt được. Cả vợt lẫn trái bóng dường như không chịu theo ý anh, hễ chưa kịp giơ lên thì vợt đã văng ra ngoài, chúng thi nhau "chống" đối anh. Có khi tập cả ngày không được, anh đâm ra cáu bẳn, chán nản anh quăng vợt, ném bóng đi, ngồi phịch xuống đất, thở hổn hển, giơ hai bàn tay cụt lên rồi đăm đăm nhìn không máy mắt. Nhưng rồi lòng quyết tâm và bản lĩnh của người lính trỗi dậy, anh lại nhặt vợt và bóng để lên bàn. Ngồi nghĩ ngợi một lúc, anh tìm và nhờ vợ đẽo cho mình 1 đoạn cây nhỏ rồi tự kẹp vào cùi tay học cách lắc đi lắc lại, thậm chí còn nhảy lên tập vụt xem que có vọt ra khỏi không, nhiều khi cả que lẫn người cũng văng ra đất, chân tay trầy xước và chảy máu. Bạn bè, anh em thấy Năng chơi bóng khó khăn, có những người không thông cảm vì sợ khi chơi cùng sẽ bị vợt văng vào phía họ nên họ ngại, nhưng vẫn có những người cảm thông và đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc của vợ con, Năng lại kiên trì tiếp tục và càng quyết tâm học cho bằng được. Cứ thế, cứ thế, hai năm ròng, ngày nào cũng vậy anh tập luyện cho tới khuya một cách hăng say... trời đất đã không phụ lòng người, các động tác đánh bóng của Năng dần thuần thục và chuyên nghiệp hơn...

Có công mài sắt có ngày nên kim...

Năm 1997, xuất hiện môn thể thao dành cho những người khuyết tật, Năng được phòng thể thao của huyện cử đi tham dự Hội thể thao khuyết tật toàn tỉnh và đã đạt Huy chương Đồng đầu tiên. Sau đó, anh tham dự giải khuyết tật toàn quốc tại Quảng Trị. Tháng 5.1997, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen. Từ đó cho đến nay, anh liên tiếp tham gia các giải đấu giành cho người khuyết tật toàn quốc và đạt nhiều giải thưởng, niềm đam mê đã đưa anh đến những đỉnh cao vinh quang thể thao trong nước và khu vực.

Năm 2005, tham gia giải đấu toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh, đoạt Huy chương Vàng và thi đấu Paragame III được tổ chức ở Philippin, đoạt 3 huy chương: Huy chương Vàng (cặp đôi); Huy chương Bạc (đơn); Huy chương Vàng (đôi đồng đội); được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban TDTT, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2006, anh tham dự giải châu Á người khuyết tật tại Malayxia đoạt Huy chương Đồng và được tham dự Hội nghị Alaxan tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh và được Hội Người khuyết tật Việt Nam tặng bằng khen.

Năm 2009 này, thi đấu tại Quảng Trị, Năng giành Huy chương Vàng và được tham dự tập huấn Paragame V (tổ chức ở Malayxia) sắp tới.

Nhắc tới những thành tích mà mình đã đạt, anh đã khóc, đó là giọt nước mắt của người chiến thắng và chiến thắng lớn nhất của anh là vượt qua được chính mặc cảm và sự tự ti của mình. Mỉm cười trước "món tài sản khổng lồ" trời cho là bốn đứa con chăm ngoan, học giỏi, thành đạt: người con trai đầu là Nguyễn Anh Tuấn, hiện là Phó công an Thị trấn Tĩnh Gia. Hai cô con gái là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Linh hiện đang là giáo viên cấp II và cuối cùng là người con gái út đang là SV năm đầu của trường Trung cấp Dược. Gia đình Nguyễn Xuân Năng lại càng đông vui hơn khi có thêm con dâu, con rể và giờ đây Xuân Năng đã lên chức ông nội, ông ngoại. Tôi còn được biết từ năm 1986 đến nay Nguyễn Xuân Năng còn là một thành viên trong tổ công an xóm, luôn được tuyên dương về thành tích giữ gìn an ninh trật tự, đưa cùi chỏ vuốt ve đầu người con gái út, anh tâm sự: "Những thành tích ấy đối với tôi là 1 niềm tự hào không tả xiết, bóng bàn đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh, lòng đam mê và yêu cuộc sống hơn, tôi sẽ cố gắng hết mình để ngày càng có nhiều thành tích hơn nữa".

Câu chuyện về cuộc đời và nghị lực tuyệt vời với sự khổ luyện để có được thành quả như ngày hôm nay đã giúp chúng ta hiểu rằng "Đằng sau những vinh quang bao giờ cũng là mồ hôi và nước mắt, trong thời chiến cũng như thời bình cũng đều phải trải qua những hy sinh, gian khổ, anh đã chứng minh rằng tàn nhưng không phế".

Vân Anh


Bài viết khác: