Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Nguyễn Vinh Hiển - vợt hay bút đều cần phải đam mê

 

 Người Sài Gòn
Nguyễn Vinh Hiển - vợt hay bút đều cần phải đam mê

Ảnh: DƯ HẢI
Ảnh: DƯ HẢI

       
Cựu vô địch bóng bàn Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển nay đã phát tướng, bệ vệ. Tuy nhiên, chỉ cần xem một buổi anh huấn luyện các tay vợt trẻ, mọi nghi ngờ sẽ tan biến hết. Trong mắt cựu HLV đội tuyển bóng bàn (ĐTBB) VN, niềm đam mê quả bóng nhựa chưa bao giờ tắt.

Kỳ 1: Cầm vợt không dễ
Nguyễn Vinh Hiển sinh trưởng trong một gia đình có nhiều thành viên chơi bóng bàn, các anh chị của anh đều đạt đến cấp độ kiện tướng. Điều này làm anh thôi thúc một ước mơ được khẳng định mình. Năm 1980, Nguyễn Vinh Hiển trở thành một trong những học sinh lớp Năng khiếu bóng bàn đầu tiên niên khóa 1980-1984 dưới sự dẫn dắt của HLV Vương Ngọc Sơn. Cũng trong thời gian này, anh cùng với Trần Tuấn Anh (A)  tham gia thi đấu cho đội tuyển TPHCM.

Thế nhưng, khi Hiển vừa tốt nghiệp trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT TPHCM, Ban giám hiệu của trường lại ra thông báo đội tuyển năng khiếu chính tay trường vừa đào tạo... không có khả năng phát triển. Nhận được thông báo, Nguyễn Vinh Hiển như có lửa đốt trong lòng. Bởi hơn 4 năm thi đấu cho đội tuyển TPHCM, anh tin mình được đánh giá đúng khả năng và con đường phía trước sẽ rộng mở. Vì thế, anh quyết định rời khỏi đội tuyển thành phố để về đầu quân cho đội Công an TPHCM. Một lý do khác khiến Nguyễn Vinh Hiển khoác áo đội Công an TPHCM là việc được miễn 3 tháng quân trường, giúp anh không bị gián đoạn thời gian tập luyện.

Về với đội Công an TPHCM, Nguyễn Vinh Hiển lại tiếp tục chạm trán với Trần Tuấn Anh (A) ở các giải VĐTQ. Tuy nhiên, khi đó do cùng thi đấu cho đoàn TPHCM, anh buộc phải đánh nhường ở giải đơn do vị trí của mình còn khiêm tốn. Theo Nguyễn Vinh Hiển, đôi khi cái luật bất thành văn này (thứ hạng sau nhường thứ hạng trước) cũng đã góp phần làm các tay vợt trẻ đang lên bị chùn tay hoặc ít có cơ hội phát triển. Lúc này, anh cùng với một số tay vợt khác như Phạm Phú Phát, Vương Hùng Khánh thành lập nhóm đánh cho đội Công an TPHCM. Sau đó, nhóm của Vinh Hiển hợp nhóm với 7 tay vợt Vĩnh Long làm thành một đội vững mạnh đi thi đấu. Năm 1987, trong giải VĐTQ, Nguyễn Vinh Hiển đã giành được thắng lợi trong trận đấu gay go với Trần Tuấn Anh. Nguyễn Vinh Hiển bồi hồi nhớ lại: “Tôi nghĩ trận đó thắng là nhờ may mắn và... lì. Lúc chúng tôi giữ tỷ số 2-2, khán giả bắt đầu ùa vào theo dõi. Trần Tuấn Anh có vẻ hơi run tay nên khi tôi đánh xa bàn liền chuyển tay trái và tấn công làm Trần Tuấn Anh khá bất ngờ. Kết quả tôi thắng nút 3-2. Đó là trận thua hiếm hoi của Trần Tuấn Anh”. Đáng tiếc là sau trận đấu đó anh lại để thua Nguyễn Đức Long (trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT hiện nay) trong trận chung kết.

Năm 1988 là một năm thành công trong sự nghiệp cầm vợt của cựu tuyển thủ Nguyễn Vinh Hiển. Cùng với Trần Quốc Cường và Vương Hùng Khánh, anh đoạt chức vô địch đồng đội nam giải Cây vợt vàng năm 1988. Tuy nhiên, điều làm cho Nguyễn Vinh Hiển tâm đắc là anh được đội  Công an TPHCM tin tưởng giao phó trách nhiệm làm HLV đội tuyển. Đây có thể nói là bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Vinh Hiển. Vì từ vị trí người cầm vợt thi đấu, giờ anh đã được chuyển lên làm thầy.

Sự nghiệp HLV của Nguyễn Vinh Hiển bỗng chốc như diều gặp gió. Năm 1990, anh dẫn ĐTBBVN tham dự Á Vận Hội tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Điều thú vị là trong đội tuyển khi đó vẫn còn sự hiện diện của nhiều nhà vô địch như Trần Tuấn Anh, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Minh Hiền.
 Năm 1993 lại là cột mốc đánh dấu sự tiến triển của Nguyễn Vinh Hiển, khi anh trở thành HLV trẻ nhất được dẫn dắt đội hình nam tham dự SEA Games 17 tại Singapore. Khi đó, trong đội hình vẫn hiện diện những nhà vô địch ở thế hệ của anh, đồng thời có thêm những hạt nhân trẻ như Vũ Mạnh Cường, Lý Minh Triết. Năm 1996, Nguyễn Vinh Hiển còn dẫn dắt đội tuyển bóng bàn HSSVVN tham dự giải bóng bàn SV thế giới tại Úc. Nhắc lại sự nghiệp cầm quân của mình, Nguyễn Vinh Hiển có đôi chút tự hào: “Trong 10 năm làm HLV, tôi đã đào tạo được một số tay vợt khá như anh em Lý Minh Triết (nay là HLV của đội CAND), Lý Minh Tân. Về nữ có Hồ Tiểu Linh và Huỳnh Trung Hiếu (15 tuổi đi dự SEA Games). Sự nghiệp cầm vợt của tôi tuy không có nhiều thành tích, nhưng bù lại tôi có được 10 năm huấn luyện hết mình...”.

Nguyễn Vinh Hiển - vợt hay bút đều cần phải đam mê

Ảnh: DƯ HẢI 
Ảnh: DƯ HẢI

       
Kỳ 2: Cầm bút càng khó
Trong làng báo có không ít các nhà thể thao chuyển sang cầm bút. Nhắc đến cơ duyên này, Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đó là một nghề... khó.

 Với lợi thế là một tay vợt có nhiều kinh nghiệm, lại có 10 năm làm công tác huấn luyện, anh đến với làng báo bằng những bài viết bình luận bóng bàn có chiều sâu chuyên môn cũng như nhanh nhạy nhìn ra nhiều vấn đề của bộ môn. 

Năm 1997, khi chia tay với bóng bàn, Nguyễn Vinh Hiển về với tờ Sài Gòn Giải phóng, chuyên viết về bóng bàn và các môn thể thao khác tương đồng như cầu lông, quần vợt. Dừng chân ở SGGP được 3 tháng, anh lại về với tờ Lao Động, phụ trách mảng thể thao. Anh nhẹ nhàng chia sẻ: “Tôi nghĩ để làm một HLV bóng bàn giỏi hay một nhà báo giỏi đều rất khó, và để tồn tại với nghề thì lại chẳng hề đơn giản. Nếu bạn không say mê và tìm tòi học hỏi thì chỉ giậm chân tại chỗ. Thời gian cộng tác với tờ Thể Thao TPHCM, tôi nhìn thấy nhà báo KT. tuy không giỏi về chuyên môn thể thao bằng tôi, nhưng lại siêng năng và rất chịu khó học hỏi. Đó là điều tôi ngưỡng mộ”. 

Những năm làm cho mảng thể thao của tờ Lao Động cũng có những kỷ niệm khiến Nguyễn Vinh Hiển dở khóc, dở cười. Anh nhớ có lần phóng viên phụ trách nội chính bị bệnh nên thiếu người, vậy là anh được cử qua viết tin nội chính. Đó chỉ là một tin ngắn về phiên tòa xét xử nhưng đối với anh là cả một khó khăn. Anh phải đem theo máy ghi âm ghi lại cả cuộc xét xử để về cơ quan nghe lại rồi mới viết. Một lần khác, tờ Lao Động mở trang TPHCM cho bạn đọc Sài Gòn có chuyên mục triển lãm áo cưới. Thế là anh cũng phải chạy tới chạy lui hỏi thăm nhiều nơi để tìm thông tin viết bài.

Thế nhưng, kỷ niệm làm anh nhớ đời nhất vẫn là đợt SEA Games 23. Tại sân Lan Anh xảy ra sự cố công nhân bị rớt từ giàn giáo dẫn đến tử vong. Anh nghĩ thật khó để đi lấy tin sự việc này, nhưng các phóng viên tập sự cứ một mực năn nỉ để được đi lấy tin. Cuối cùng, anh phải đồng ý nhưng căn dặn rất cẩn thận. Ai dè chưa được nửa ngày, phóng viên tập sự quay về với khuôn mặt bầm tím do xô xát với đội bảo vệ của sân Lan Anh. Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Nếu làm báo mà không máu lửa và đam mê thì mọi thứ sẽ nguội lạnh và chỉ có giá trị thông tin mà thôi. Nhưng mọi việc còn do bản tính của mỗi người nữa, như tôi thì thích sự cẩn thận và chừng mực nên đôi khi sẽ trở nên chậm chạp và không sắc sảo bằng người khác. Nhưng điều tôi tâm đắc là trong hơn 5 năm làm báo về thể thao, tôi chưa phải đính chính lần nào”.

Dường như sự suôn sẻ luôn đến với Nguyễn Vinh Hiển dù anh làm bất cứ công việc gì. Thế nhưng, Nguyễn Vinh Hiển vẫn không mấy mặn mà với nghiệp chữ. Dường như anh không thể quên được nghề xưa. Anh vẫn tranh thủ đi dạy ở các trung tâm thể thao hằng đêm. Nói như anh thì “Cầm cây vợt thì nặng người nhẹ đầu, còn cầm cây bút thì ngược lại. Mà nghề báo thì lại luôn đào thải những con người không thực sự có niềm đam mê ...”.

Nguyễn Vinh Hiển - vợt hay bút đều cần phải đam mê

 

       
Kỳ cuối: Nghĩ ngợi bóng bàn ngày sau 
Sau khi từ giã nghiệp làm báo, Nguyễn Vinh Hiển lại trở thành Phó Giám đốc công ty tổ chức sự kiện Nguyễn Vinh.

 Nhắc đến nghề mới toanh này, Nguyễn Vinh Hiển hồ hởi: “Có lẽ nghe qua thì chẳng liên quan gì, nhưng thực sự lại là một công việc tổng hợp từ hai nghề trước đây của tôi. Hồi còn là VĐV và HLV thì tôi đã tham dự nhiều sự kiện thể thao trong và ngoài nước, nên biết được mô hình và cách thức của một sự kiện chuyên nghiệp sẽ diễn ra như thế nào. Khi làm báo thì lại cho tôi nhiều mối quan hệ để có thể xúc tiến nhanh công việc. Do đó công việc hiện nay của tôi rất thuận lợi”. Nguyễn Vinh Hiển từng tổ chức giải bóng bàn chuyên nghiệp cho 20 công ty thuộc lĩnh vực dầu khí tham dự.

Trong câu chuyện về chiều, khi nhắc đến bóng bàn những ngày trước và về sau, Nguyễn Vinh Hiển tỏ ra đăm chiêu. Theo anh, ngày xưa các cụ máu lửa và quyết tâm theo đuổi con đường riêng, tạo nên những phong cách không thể lẫn với ai cho dù điều kiện lúc ấy còn nhiều khó khăn. Còn bây giờ thì mọi thứ đều tốt hơn, nhưng cái thiếu đi lại là thành tích. Nguyễn Vinh Hiển không ngại chia sẻ về quan điểm. Anh cho rằng những người đang giữ vị trí chủ chốt trong Liên đoàn Bóng bàn TPHCM đã tại nhiệm quá lâu. Như bản thân anh, 10 năm trời giữ chức HLV trưởng, thì cũng đã nhận thấy khả năng của mình tới đâu. Dù nhiệt huyết có tràn đầy, cũng cần nhường lại trọng trách cho lớp trẻ. Nguyễn Vinh Hiển nhớ thời anh còn làm HLV, anh nhất định không tuyển những HLV lão luyện từ nơi khác về bổ sung cho thành phố. Lựa chọn của anh luôn là những hạt nhân trẻ. Hãy để họ được thử thách vì họ có khả năng sâu sát tốt hơn, cũng như dám nghĩ dám làm nhiều cái mới hơn. Thời đó, Nguyễn Vinh Hiển có đến 8 HLV trẻ dưới quyền, nay ít nhiều đã trở thành những HLV chủ chốt ở các đơn vị mạnh.

Nhắc đến tương lai của bóng bàn Việt Nam, Nguyễn Vinh Hiển cho rằng ĐTQG nam đang ở thời kỳ sung mãn nhất của 30 năm trở lại đây. Những Đoàn Kiến Quốc, Nam Hải, Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh tạo một thế tứ trụ cho bóng bàn Việt Nam. Tuy chưa thể vượt qua đối thủ Singapore trong đấu trường khu vực, Nguyễn Vinh Hiển vẫn tin vào những thành tích của BBVN trong tương lai, như anh nói: “Trung Quốc áp dụng phương châm “khổ luyện và đại khổ luyện” thì mới vươn lên được hàng đầu thế giới. Chúng ta cũng phải nhanh chóng tìm ra phương pháp cho riêng mình để khẳng định, như ngày xưa VN từng vươn đến vị trí thứ 3 thế giới...”. Nguyễn Vinh Hiển mong một ngày nào đó chính các gia đình sẽ gõ cửa bóng bàn thành phố để gửi gắm con em theo tập bộ môn, để mong bóng bàn thành phố lấy lại thành tích như ngày nào...

Một ngày của cựu VĐV, HLV, nhà báo Nguyễn Vinh Hiển trôi qua với phần nhiều thời gian dành cho công việc ở công ty riêng. Buổi tối anh tranh thủ ghé trung tâm TT Hoa Lư để dạy cho những học trò yêu thích môn bóng bàn. Nói về gia đình, vợ anh và con gái đã đi định cư ở Canada, nhưng anh nhất định không đi. Có lẽ tình yêu với Sài Gòn, với những gì đã gắn bó nhiều năm khiến anh không dễ gì dứt bỏ. Đặc biệt là với bộ môn bóng bàn mà anh một đời theo đuổi và đang  chờ cho một ngày huy hoàng lại đến, như thời vàng son xưa...

 


Bài viết khác: