Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

NgôThu Thủy.

Thu Thủy có cá tính mạnh ẩn dưới một vẻ ngoài khá kín đáo. Cô nói: "Mỗi khi gặp vấp váp trong cuộc sống, Thủy rất ít tâm sự cùng ai và thường tự mình gặm nhấm nỗi buồn". 32 tuổi đời, 25 năm cầm vợt, Thủy đã hơn một lần muốn chia tay quả bóng nhựa vì áp lực. Nhưng rồi tình yêu nghề, theo cách nói của Thủy là “đắm đuối”, đã mạnh hơn tất cả. Điều níu kéo Thủy còn là những ký ức về bố - người "bắt" Thủy chơi bóng bàn từ năm mới 7 tuổi. Bố ra đi mãi mãi năm Thủy 14 tuổi, cái tuổi đủ lớn để biết đớn đau vì mất mát... Dưới đây là tự bạch của tay vợt nữ bóng bàn số 1 VN hiện nay.

 

Tôi sợ một cuộc đời bình lặng

Tôi có một tố chất bẩm sinh mà theo các thầy là do di truyền: thể lực tốt và nhanh nhẹn. Điều này giúp tôi "nuốt" khá dễ dàng các giáo án tập luyện với khối lượng lớn. Thế nhưng tôi lại không thừa hưởng ở bố sự khéo léo về kỹ thuật! Sau khi bố mất, tôi chuyển từ Trung tâm Thể thao Đường sắt về Sở TDTT Hà Nội, và chính thức làm VĐV chuyên nghiệp từ ấy.

Một VĐV chuyên nghiệp là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực hết mình của bản thân, công sức của HLV và tình yêu thương của gia đình. Không còn bố, tôi đã có mẹ. Mẹ không bao giờ góp ý với tôi về chuyên môn vì với bóng bàn, mẹ là người ngoại đạo. Nhưng, cũng như bao bà mẹ khác trên đời này, mẹ luôn hy sinh vì con cái, làm tất cả những gì tốt cho sự nghiệp của tôi. Khi tôi đoạt huy chương vàng giải trẻ năm 1990, tấm huy chương vàng đầu tiên trong đời, mẹ không biểu lộ niềm vui một cách ồn ào. Cho đến tận bây giờ, mẹ vẫn rất lặng lẽ với từng tấm huy chương của tôi, và chỉ có tôi mới cảm nhận được niềm tự hào trong đôi mắt mẹ.

Đã chấp nhận theo đuổi thể thao đỉnh cao, VĐV phải hy sinh nhiều thứ. Trong đó, đôi khi tôi phải chịu đựng những đàm tiếu đầy ác ý. Chẳng hạn như câu chuyện hoàn toàn bịa đặt về quan hệ giữa tôi và anh Cường (tay vợt nam Vũ Mạnh Cường - TN) được đăng tải trên một tờ báo thể thao ngay trước SEA Games 21. Tôi đã rất ngạc nhiên, bực bội, uất ức và sau cùng là nỗi buồn đọng lại. Tôi đã gặp thẳng lãnh đạo Liên đoàn Bóng bàn VN, xin rút không tham dự nội dung đôi nam nữ nữa. Nhưng mọi người đã thuyết phục, khuyên tôi đừng vì những lời đồn thổi mà nóng giận, hãy nghĩ tới cái chung. Gạt bỏ nỗi buồn, tôi lao vào tập luyện và SEA Games năm đó, VN đoạt huy chương đồng đôi nam nữ. Sau khi tĩnh tâm lại, tôi chợt thấy sợ một cuộc đời bình lặng và tẻ nhạt bởi dường như cú sốc này giúp tôi trưởng thành hơn, chín chắn hơn.

Tất nhiên, sóng gió của đời người còn đến từ những thất bại. Giải vô địch quốc gia năm 1995, chị Trần Thu Hà thắng tôi trong trận chung kết. Thất bại này chỉ để lại một chút xíu dư vị đăng đắng bởi lúc ấy thực lực của tôi thua kém chị Hà rất nhiều. Sau này, 2 lần thua trong trận chung kết năm 1999 và năm 2001 làm tôi đau hơn nhiều. Không phải vì hồi đó cái tên Ngô Thu Thủy đã khá nổi tiếng mà lẽ ra tôi đã có thể thắng cuộc nếu phát huy đúng khả năng.

Trận đấu đáng nhớ nhất

Kỷ niệm đáng nhớ nhất không phải là tấm huy chương vàng đôi nam nữ SEA Games 19 năm 1997 của tôi và anh Cường. Tôi cũng vui lắm chứ nhưng cứ cảm giác thành tích cao nhất đó không phải máu thịt của mình nên niềm hạnh phúc đó chỉ như cơn gió thoảng qua. Tôi ao ước giá một lần mình được đăng quang nội dung đơn nữ tại SEA Games. Cơ hội ấy đã từng đến với tôi thật gần, gần lắm nhưng tiếc thay, tôi lại để bay mất. SEA Games 1993, lần đầu tiên tham dự một giải quốc tế lớn, tôi mang trên vai một áp lực nặng khủng khiếp. Khi chưa đủ bản lĩnh để giải tỏa áp lực ấy, tôi đã để thua ngay từ vòng loại nội dung đồng đội nữ, nội dung mà 2 năm trước, chị Hà và Nhan Vị Quân đã đem về cho Tổ quốc tấm huy chương vàng. Bước vào giải đơn, sự hồi hộp không còn nữa, tôi thắng như chẻ tre trước các VĐV Philippines, Indonesia, Thái Lan và lọt vào trận chung kết. Đối thủ của tôi - Rossy đang nổi như cồn khắp Đông Nam Á. Tôi và Rossy rượt đuổi nhau từng séc một. Đến ván thứ 5 quyết định, tôi đã dẫn trước 14 - 12 nhưng Rossy đã thi đấu tuyệt vời hơn tôi tưởng. Lật ngược thế cờ, đối thủ từng mấy lần vô địch SEA Games đã giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 21 - 17. Dù tôi có đoạt thêm huy chương bạc đôi nam nữ cũng tại SEA Games 17 nhưng thất bại này mới thực sự là kỷ niệm đáng nhớ nhất suốt đời tôi.

Măng cứ mãi còi cọc

18 năm chơi thể thao chuyên nghiệp, 8 lần vô địch quốc gia. Nhưng chưa lần nào để lại trong tôi cảm xúc buồn vui lần lộn như giải năm nay. Ở nội dung đồng đội nữ, tôi đã thua Lương Thị Tám, VĐV trẻ mới ngoài 20 tuổi vì Tám tấn công rất tốt còn tôi yếu trong phòng thủ và đỡ giao bóng. Nhưng sang trận chung kết đơn nữ, Tám đã thua tôi với tỷ số đậm 0 - 4. Tám hơn tôi về sức trẻ nhưng bản lĩnh thi đấu còn non quá. Chỉ cần đối thủ chỉnh sửa một chút khuyết điểm trong khâu phòng thủ, Tám đã không thể địch nổi một "bà già" như tôi. Thắng nhưng tôi cảm thấy lo lắng vô cùng. Trong khi anh Cường, người cùng thời với tôi đã bị lùi lại bởi những Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Nam Hải... thì sau lưng tôi, thế hệ kế cận bóng bàn nữ vẫn chưa đuổi kịp.

Ai đó đã rất đúng khi nhận định rằng bóng bàn nữ VN đang khủng hoảng VĐV khá trầm trọng. Lý do chính là khâu đào tạo quá kém! Lực lượng đã mỏng, tìm hạt nhân đã khó, giữ lại còn khó hơn. Khi không có kế hoạch huấn luyện lâu dài và bài bản, không ít nhân tài đã vội vã ra đi. Có VĐV vừa trẻ vừa giỏi giang đã xin nghỉ sớm vì thấy nghiệp thể thao sao mà chông chênh quá! Sự thiếu hụt cứ kéo dài từ năm này qua năm khác. Trước đây chỉ nghe nói nhưng qua những chuyến tập huấn tại Trung Quốc, được mục sở thị cách sinh hoạt, luyện tập rất khoa học và chuyên nghiệp của VĐV, tôi càng hiểu vì sao bóng bàn Trung Quốc phát triển đến thế.

Sau SEA Games 22, Mai Thi, Phương Linh cùng xin rút khỏi đội tuyển quốc gia, và có thể cả tôi nữa. Số nữ chỉ còn lại Mai Xuân Hằng, Lương Thị Tám, Vũ Thị Hà, Đặng Minh Hải chưa thực sự chắc chắn. Tôi có sung sướng gì khi ngự trị trên đỉnh cao quá lâu. Tôi muốn nhìn thấy măng lớn như thổi nhưng măng cứ còi cọc, cứ chậm lớn vì thiếu "dinh dưỡng". Đáng lý tôi chỉ tham gia giải năm nay với tư cách là HLV đội Hà Nội nhưng vì không có người, một lúc tôi đành phải đóng hai vai, vừa huấn luyện vừa thi đấu. Sau giải, tôi đã chính thức giải nghệ và sẽ chuyên tâm hơn vào công tác đào tạo. Cuộc đời tôi lại sắp bước sang một thử thách mới, và tôi tin vào bản thân mình...

Lan Phương

 

 


Bài viết khác: