/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

"Ngoại giao bóng bàn" từng diễn ra như thế nào?

 Vì sao mà một chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo lại mời những vị khách đến từ quốc gia chống cộng khét tiếng nhất?

Thủ tướng Chu Ân Lai đã trả lời câu hỏi mà cả thế giới đặt ra chỉ vài ngày sau khi đội bóng bàn Mỹ và các nước khác đến thủ đô Trung Quốc. Mời khách thưởng thức những tách trà nóng, ông Chu tuyên bố kỷ nguyên thù địch và chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ chấm dứt.

Phóng viên AP nói chuyện với các sinh viên Đại học Thanh Hoa, tháng 4/1971. (AP)
Phóng viên AP John Roderick (phải) nói chuyện với các sinh viên Đại học Thanh Hoa, tháng 4/1971. (AP)

Đội bóng bàn của Mỹ cùng các phóng viên tháp tùng đã trở thành những mũi tên đầu tiên xuyên thủng bức tường thù địch giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho chuyến thăm lịch sử của tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon 10 tháng sau đó. Trong lịch sử, chưa bao giờ thể thao được sử dụng làm công cụ thúc đẩy ngoại giao một cách hiệu quả đến thế.

Sau một hồi kinh ngạc, thế giới đặt tên cho sự kiện này biệt danh "ngoại giao bóng bàn", nó cho thấy sức mạnh của thể thao trong việc giúp các nước ngồi lại với nhau. Và 35 năm sau, Bắc Kinh đang tất bật chuẩn bị cho Olympics 2008, hy vọng Thế vận hội sẽ tạo ra một hình ảnh đẹp đẽ hơn nữa của Trung Quốc trước con mắt thế giới về một con rồng vươn mình.

Nhìn lại đầu năm 1971, đất nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đóng cửa với hầu hết các nước trên thế giới và không có bất cứ mối quan hệ nào với Mỹ. Bắc Kinh liên tiếp từ chối những lời đề nghị viện trợ thiên tai của Washington. Phía Mỹ cũng không kém khắc nghiệt. Năm 1956, Ngoại trưởng khi đó là John Foster Dulles từng đe dọa bỏ tù bất kỳ phóng viên Mỹ nào nhận lời mời đến Trung Quốc.

Lời mời bất ngờ được phía Trung Quốc đưa ra sau khi các cầu thủ nước này giành chiến thắng trong giải bóng bàn thế giới ở Nagoya, Nhật Bản. Ngoài các cầu thủ Mỹ, còn có các phóng viên được cấp visa đi theo là John Rich và Jack Reynolds của NBC, cùng với John Roderick của AP.

Tính toán khôn ngoan này được cho là xuất phát từ thủ tướng Chu Ân Lai, vị chính khách rất tinh tế và có tư tưởng quốc tế. Ông muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington, coi đó là vũ khí chống kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của phe thân Liên Xô.

Richard Nixon (trái) và Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1972. (AP)
Richard Nixon (trái) và Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1972. (AP)

Lo ngại vấp phải một sự phản đối công khai từ Nixon - vốn nổi tiếng chống cộng, Chu quyết định thử phản ứng của công chúng Mỹ. Còn có điều gì tốt hơn là thể hiện thiện chí đối với các cầu thủ bóng bàn Mỹ - những người xếp hạng 17 trên thế giới (trong khi Trung Quốc vừa giành hạng nhất)? Nếu phản ứng của dư luận Mỹ bất lợi, Trung Quốc cũng không bị mất mặt.

Tuy nhiên, trong cuốn "Mao: Câu chuyện chưa từng được biết" viết về tiểu sử của nhà lãnh đạo Trung Quốc do Jung Chang và Jon Halliday viết, thì Mao Trạch Đông mới chính là người quyết định việc mời các vị khách Mỹ.

Thực tế là vào thời điểm đó - giai đoạn giữa của Cách mạng Văn hóa do Mao, vợ Giang Thanh và một số nhân vật nữa khởi xướng - Mao Trạch Đông có rất nhiều quyền lực. Ảnh và các trước tác của ông được vô cùng trân trọng, thậm chí tôn sùng.

Khi đoàn vận động viên và phóng viên Mỹ tới, họ nhìn thấy những đám đông tươi cười chào đón, trong tay mang những cuốn Mao tuyển, trong có ghi những lời giáo huấn của nhà lãnh đạo.

Từ ngày 8 đến 18/4/1971, các vận động viên bóng bàn Mỹ đã chứng tỏ họ là những nhà ngoại giao tuyệt đích, chỉ bằng chính sự hiện diện ở Trung Quốc. Ở bất cứ nơi nào họ tới - Vạn lý Trường thành hay cung điện hoàng gia - họ đều châm ngòi cho những tràng vỗ tay và reo hò. "Meiguo ren hen hao - Người Mỹ rất tốt", đám đông hô vang. Sự cổ vũ càng lớn hơn khi các tay vợt thi đấu giao hữu trước 18.000 khán giả.

Đội nam Trung Quốc thắng 5-3 và đội nữ thắng 5-4, trong sự theo dõi chăm chú và cổ vũ nhiệt liệt của khán giả. Sau đó hai bên trao quà lưu niệm và nắm tay nhau cùng bước ra khỏi sân đấu. Cảm giác chung của những người Mỹ khi đó là phía Trung Quốc đã cố để không làm đội Mỹ ngượng vì tỷ số quá cách biệt.

Các cầu thủ Mỹ được đối xử rất trịnh trọng, và được thết những bữa ăn 8 món, được đi chơi Thượng Hải và thăm thú núi rừng. Các phóng viên theo đoàn được phép chụp thoải mái và đã đốt hơn 3.000 m phim màu trong suốt chuyến thăm.

Những gì mà đội bóng bàn Mỹ nhận được ở Trung Quốc đã góp phần quan trọng đưa đến quyết định của Nixon: thăm Bắc Kinh vào đầu năm 1972. Chuyến thăm được đánh giá là đã làm thay đổi mạnh mẽ cán cân Chiến tranh Lạnh. Nó phục vụ kế hoạch của Nixon là rút khỏi Việt Nam và là một trong những quyết định được người Mỹ hoan nghênh nhất trong cả nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông này.

Nhưng mãi tới 8 năm sau đó, Mỹ và Trung Quốc mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Khi đó, Mao Trạch Đông đã qua đời, và những người kế nhiệm ông - với tư tưởng thực tế - đã thực hiện công cuộc cải cách, đưa Trung Quốc trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao thế giới 2008 - một điều khó tưởng tượng vào thời điểm 1971.

T. Huyền (theo AP, SD Table Tennis Association)

 


Bài viết khác: