/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Lê Văn Tiết - câu chuyện một “kỳ quan”

Lê Văn Tiết - câu chuyện một “kỳ quan”
       
Trong lịch sử bóng bàn Việt Nam, khó gia đình nào có truyền thống cầm vợt và để lại nhiều thành tích vang dội như gia đình họ Lê: Lê Văn Tiết, Lê Văn Inh, Lê Thị Kim Tiếng, Lê Văn Tân, Lê Thị Kim Hoàng. Ông Hasegava – Trưởng đoàn Bóng bàn Nhật những năm 60 nói: “Nếu Việt Nam có thêm 3-4 Lê Văn Tiết nữa thì chắc chắn là đoạt được chức vô địch bóng bàn hoàn cầu”.

Kỳ 1: Nhớ ơn sư huynh
Nhớ lại những ngày tháng ấu thơ, ông Lê Văn Tiết còn bồi hồi hình ảnh vị huynh trưởng. 

Ông Tiết xuất thân trong gia đình mê thể thao, Cha ông – Lê Văn Gặp là một người ưa thích quần vợt. Năm ông  8 tuổi, cha ông đã tự tay đóng cái bàn ping-pong để tập cho con chơi bóng bàn. Ban đầu chỉ là thú tiêu khiển, nhưng dần dà, ông Tiết mê thích tới mức hai cha con quần thảo với bàn bóng  suốt ngày, và ông nhất định không chịu thua cha. 

Sau đó, tình cờ ông Tiết ghé thăm một hội quán ở đường 20 (Điện Biên Phủ ngày nay) thấy những đàn anh lớn tuổi đang thi thố bóng bàn thì “nổi máu” tranh tài, dù khi đó ông còn rất nhỏ. Thật bất ngờ, cây vợt “nhí” Lê Văn Tiết đã lần lượt hạ “đo ván” những đàn anh trong hội quán. Sau dịp đó, bắt đầu xuất hiện lời đồn đoán về một “thần đồng” bóng bàn mang tên Lê Văn Tiết. Đến mức ông bầu Chín Viễn lên mời ông Tiết về chơi cho Hội Bóng bàn Đình Phú Thạnh, còn thuê thầy Ady -Trần Liên Lợi (cựu vô địch bóng bàn Đông Dương) dạy thêm cho ông những ngón nghề.

Năm 11 tuổi, ông Tiết được vô học ở trường dòng Lasan Taberd (trường Trần Đại Nghĩa ngày nay ). Ngôi trường đặc biệt này áp dụng đứng đắn các lý thuyết của Gioan Lasan lập ra, dưới sự trợ giúp của hàng loạt các huynh trưởng. Các sư huynh trong trường đều chú trọng đến việc phát triển các phần: Trí dục, đức dục và thể dục. Trong trường lại có sân bóng chuyền và bóng rổ, cùng các bàn bóng bàn trong phòng thể thao để học sinh tập luyện. Ngoài ra, hằng năm trường còn tổ chức các giải bóng bàn Bridgestone, thu hút nhiều danh thủ thời đó như Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Nguyễn Kim Hằng và Trần Văn Liễu dự tranh. 

Với 3 năm chơi bóng bàn từ trước, ông Tiết đặc biệt được huynh trưởng của ông lúc bấy giờ là Gaétan chú ý. Cùng niên khóa với ông Tiết còn có danh thủ Huỳnh Văn Ngọc (4 HCV SEAP Games). Cả hai ông đều được sư huynh Gaétan dìu dắt tận tâm, vì sư huynh là một người ái mộ thể thao, đặc biệt là bóng bàn, không ai bằng. Được sự hướng dẫn kiên trì của sư huynh, ông Tiết nhanh chóng luyện được những chiêu thức chuyên nghiệp. Và không để sư huynh phải hổ danh, trong một trận giao hữu giữa đoàn vô địch bóng bàn Mỹ gặp đoàn vợt gỗ trường Taberd, ông Tiết đã hạ được vô địch Mỹ là Reisman và Cartland. Vì thế, không có gì khó hiểu khi năm 1954, ông Tiết giành chiếc cúp đầu tay giải vô địch học sinh tại sân trường Taberd. Nhắc lại kỷ niệm này, ông Tiết vẫn còn xúc động: “Tôi mãi nhớ ơn sư huynh Gaétan. Đó là một người tài đức vẹn toàn đã hiến mình cho Chúa. Sư huynh đã hy sinh rất nhiều, từ việc lo cho tôi chiếc xe đạp, sách vở học hành đến chuyện không quản ngại bất cứ khó khăn nào để truyền ngọn lửa đam mê thể thao đến toàn thể học sinh Lasan Taberd ngày đó...”.

Thành công đến rất sớm với chàng thiếu niên 15 tuổi Lê Văn Tiết đã đưa ông đến với nhiều cơ hội mới. Năm 1956, trong cuộc thi đấu tuyển chọn VĐV để khoác áo đại biểu VN tham dự giải VĐTG lần 23 tại Tokyo (Nhật), tay vợt mầm non Lê Văn Tiết đã bất ngờ loại lần lượt Huỳnh Văn Ngọc và danh thủ Trần Văn Liễu để trở thành tay vợt thứ 4 của đoàn Việt Nam sau Nguyễn Kim Hằng, Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được đi dự giải thế giới năm đó. 

Dự giải VĐTG trở về, Lê Văn Tiết tiếp tục được dự giải giao hữu quốc tế hai nước Việt Nam – Philippines. Ở giải này, cây vợt trẻ măng Lê Văn Tiết đã làm kinh ngạc báo chí lẫn người hâm mộ của nước bạn khi đánh bại danh thủ Aguasin (số 2 châu Á) trong một trận đấu hay tới mức ông Đinh Văn Ngọc – Chủ tịch Tổng cuộc Bóng bàn VN phải thốt lên: “Tôi đã từng xem bao nhiêu trận đánh hay của các danh thủ quốc tế nhưng tôi có thể nói trận Tiết thắng danh thủ Aguasin là trận đánh hay và đẹp mắt nhất”. Còn khán giả Philippines tuy có ưu ái cho VĐV đội nhà nhưng cũng phục cách đánh của Tiết nên đứng dậy hoan hô. Điều bất ngờ là trận chung kết của giải giao hữu lại là giữa 2 tuyển thủ...Việt Nam: Lê Văn Tiết và Nguyễn Kim Hằng. Chung cuộc, ông Tiết đã thắng ông Hằng dễ dàng với tỷ số 2-0 đoạt giải vô địch. Đích thân Tổng thống Philippines hồi đó là Macg Say Say đã cử đại sứ gửi tặng chiếc cúp cho tuyển thủ VN.

Lê Văn Tiết - câu chuyện một “kỳ quan”

       
Kỳ 2: biến cố treo vợt
Trở về với thành công vang dội chưa được bao lâu, Tổng cuộc Bóng bàn VN lại tổ chức đánh giao hữu quốc tế giữa VN với liên quân Hồng Kông – Nhật Bản tại Sài Gòn.

Trong liên quân quốc tế lần này có mặt Fuji và Hayashi là cựu vô địch đôi nam thế giới (Nhật) và cựu vô địch châu Á Tiết Thủy Sơ (Hồng Kông). Điều bất ngờ thú vị là Lê Văn Tiết trong giải này lại lần lượt hạ đo ván 3 nhà cựu vô địch trong sự hoan hô nhiệt liệt của khán giả Sài Gòn. Tuy không cùng đồng đội làm nên chiến thắng giải, Lê Văn Tiết đã chứng minh ông đang trở thành một ngôi sáng sáng chuẩn bị ngự trị trên vòm trời của bóng bàn Việt Nam.

Nhưng cũng từ giải giao hữu này, một sự cố đã xảy ra với Lê Văn Tiết. Do được tổ chức ngay tại sân nhà, Tổng cuộc Bóng bàn dự kiến tổ chức đấu 3 đêm, 2 đêm đồng đội, 1 đêm cá nhân tại Sài Gòn. Vì sự nổi bật của hai tay vợt mới là Lê Văn Tiết và Huỳnh Văn Ngọc trong hai đêm trước đã làm nức lòng người mộ điệu. Điều thú vị là số tiền bán vé vô cửa thu được vượt mức dự kiến nên Tổng cuộc bèn tổ chức thêm đêm thứ 4 với danh nghĩa “trận đấu đồng đội phục thù”. Lẽ dĩ nhiên đêm tái đấu đó cây vợt Lê Văn Tiết sẽ là trụ cột. Vì 2 đêm trước ông đã đánh bại cả 3 tay vợt lừng lẫy của Nhật và Hồng Kông. Về phía khán giả, dĩ nhiên họ muốn chứng kiến tài nghệ tuyệt vời của Lê Văn Tiết, với lối chơi như “kiếm sĩ anh hùng” với những đường bóng phản công sấm sét bên phải cũng như bên trái khiến cho đối phương ngẩn ngơ.

Thật không may, đêm đó vì sức lực bị tiêu hao quá nhiều sau 2 đêm thi trước, rồi phải di chuyển một đoạn đường dài 20 km từ phòng đấu về nhà (Hóc Môn) mà lại bị mắc mưa nên ông Tiết bị cảm lạnh không thể tiếp tục thi đấu. Do đó, ông đã xuống xin phép nghỉ đấu và báo cho Tổng cuộc biết để thông báo lại cho khán giả đêm tái đấu sẽ không có tên mình. Ai dè tuyển thủ Huỳnh Văn Ngọc nghe thấy Tiết không đấu nữa cũng “ăn theo” nghỉ luôn. Vì không muốn thất thu, Tổng cuộc vẫn tổ chức đêm tái đấu và đưa các danh thủ Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được và Phan Văn Thọ ra so tài với hy vọng làm nên lịch sử một lần nữa. Đêm đó, dù không có mặt ông Tiết và ông Ngọc, khán giả vẫn đến xem rất đông. Nhưng thật bất ngờ sau 3 trận đấu, đội nhà đã để thua quá dễ dàng 0-3 trước đội Liên quân quốc tế. Khán giả bỗng nổi cơn thịnh nộ, phản đối BTC “treo đầu dê bán thịt chó” làm họ không được thưởng thức điều mình mong đợi. Rất nhiều khán giả đòi BTC phải trả lại tiền vé vô cửa.

Sau sự cố, BTC đổ hết lỗi cho Lê Văn Tiết và Huỳnh Văn Ngọc và tổ chức một cuộc họp bất thường để nghe ông Tiết và ông Ngọc giải trình. Tuy ông Tiết có lý do nghỉ chính đáng, còn ông Ngọc vì theo bạn nên hai ông bị cảnh cáo. Nhưng sự việc đã xảy ra làm thất thu cho BTC nên Tổng cuộc yêu cầu các thành viên dự phiên họp quyết định hình phạt bằng cách bỏ phiếu kín. Sau đó, Tổng cuộc quyết định: Treo vợt Huỳnh Văn Ngọc 4 tháng rưỡi và Lê Văn Tiết 3 tháng. Điều đáng tiếc là khi bản án được phổ biến rộng rãi trên báo chí, có một bài viết cho rằng Lê Văn Tiết nghỉ không phải vì bệnh, mà vì vấn đề phân chia tiền bạc với tựa đề “Lòng tham không đợi tuổi”.

Vì không đồng tình với cách xử lý của Tổng cuộc cũng như bức xúc với bài báo không đúng sự thật nên ông Tiết đã viết bài phản pháo và nhờ báo đăng tải. Sau khi bài báo của ông đến tai Tổng cuộc, ông Đinh Văn Ngọc với cương vị Chủ tịch liền triệu tập cuộc họp khẩn để “bày tỏ thái độ” với cây vợt trẻ Lê Văn Tiết. Trong phiên họp lần 2 này, báo chí không được mời tham dự và cả hai người liên can trực tiếp là ông Ngọc, ông Tiết cũng không được phép có mặt. Sau hơn 3 giờ thảo luận, kết quả ý kiến của thành viên Tổng cuộc được ghi nhận bằng cách bỏ phiếu kín: 2 phiếu phạt treo vợt suốt đời, 1 phiếu phạt 3 năm, 1 phiếu phạt 2 năm, 4 phiếu phạt 1 năm và 2 phiếu trắng.

Căn cứ trên đa số, Tổng cuộc quyết định “Treo vợt Lê Văn Tiết 1 năm”.
 Phần về Huỳnh Văn Ngọc chỉ cảnh cáo mà không phạt. Vì thế, chàng thanh niên mới vừa 17 tuổi Lê Văn Tiết với tài năng vừa chớm nở đã phải dừng lại với án phạt oan ức. Ông ngậm ngùi gác vợt, rời Sài Gòn và theo huynh trưởng Gaétan ra Huế tiếp tục học hành, để lỡ hai giải quốc tế quan trọng là Vô địch châu Á tại Manila – Philippines (1957) và Vô địch Thế giới ở Stockholm (Thụy Điển).

Lê Văn Tiết - câu chuyện một “kỳ quan”

       
Kỳ 3: sự trở lại ngoạn mục
Án phạt treo vợt 1 năm đối với tuyển thủ 17 tuổi đang khẳng định tài năng như Lê Văn Tiết quả là một sự tổn thương lớn. 

Đối với ông, những ngày tháng ở Huế là một chuỗi ngày dài buồn bã. Theo sư huynh Gaétan ra học ở trường Bình Linh (Pellerin) – Huế mà lòng ông nặng trĩu. Cứ mỗi buổi chiều, ông thường ra ngồi bên bờ sông Hương nhìn dòng nước chảy mà nhớ tiếc những ngày oanh liệt, trong lòng không khỏi xót xa và có khi không cầm nổi nước mắt. May mắn thay, chỉ hơn nửa năm sau, ông được Tổng cuộc ân xá. 

Mùa hè năm 1957, ông Tiết trở lại Sài Gòn sau khi ông Đinh Văn Ngọc đề nghị Tổng cuộc hủy bỏ án treo vợt cho Tiết. Quay lại với bóng bàn, ông Tiết chơi sút kém, mất hẳn uy lực của cú phản công bên phải như sấm sét và cú nẹt trái từng làm kinh sợ các danh thủ khác. Dù kiên trì tập luyện trở lại, ông vẫn gặp thất bại liên tiếp ở các giải trong nước. Lúc này, ông tự nhủ “Một là quay trở lại để lấy lại danh dự, hoặc là từ giã.” Vì thế, ông ngày đêm trui rèn, nhất quyết lấy lại tình cảm mà khán giả đã dành cho ông. Với sự động viên tinh thần của cha và chăm sóc của mẹ, chỉ sau một thời gian ngắn,  Lê Văn Tiết đã thực sự trở lại với bàn bóng.

Tháng 8/1957, Tổng cuộc bóng bàn lại tổ chức thi đấu giao hữu quốc tế giữa đội Việt Nam và Hong Kong tại Sài Gòn. Đội khách có sự hiện diện của đương kim VĐ Á châu Lưu Đức Phương, Tiết Thủy Sơ (cựu VĐ châu Á) và Tăng Hùng Bô (vô địch Hong Kong). Đây cũng là lần dự giải đầu tiên khi tái nhập làng bóng bàn của Lê Văn Tiết. Lịch sử như lặp lại khi ông lần lượt thắng cả 3 đối thủ nặng ký. Tuy không thể đem lại chiến thắng chung cuộc cho toàn đội nhưng ông cũng làm cho đội khách thêm một phen kinh ngạc. Trong đêm Lê Văn Tiết toàn thắng, khán giả Sài Gòn và cả ngoại quốc cùng vỗ tay giậm châm, hoan nghênh ông Tiết đến mức làm rung chuyển rạp chiếu bóng “Bình Dân”, nơi được dùng làm phòng đấu. Cũng trong năm này, ông Tiết còn xuất sắc đoạt chức vô địch đơn nam và đôi nam (cùng Trần Cảnh Được) trong giải VĐQG.

Một năm sau đó, tại giải VĐ châu Á tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), đoàn VĐV VN lại làm nên một kỳ tích: giành 2 HCV và 1 HCĐ đôi nam. Trong đó, chàng tuyển thủ 19 tuổi Lê Văn Tiết được nhật báo Đông Kinh của Nhật đánh giá là “một kỳ quan”. Vì suốt cả giải đồng đội, chàng trai trẻ ấy thắng tất cả 14/15 trận, chỉ thua một trận sát nút trước kiện tướng sừng sỏ Oguimura. Đương kim VĐTG lúc bấy giờ là Tanaka sau khi thua cả 3 trận trước tuyển thủ VN đã ôm mẹ khóc ròng và tuyên bố giải nghệ, sau đó Tanaka đã giữ đúng lời hứa của mình.

Thừa thắng xông lên, tại giải VĐTG lần thứ 25 tại Dortmund (Đức), đoàn VĐV VN đứng đầu bảng sau 9 trận thắng tuyệt đối và giành quyền vào bán kết với 3 đội đầu bảng là Hungary, Trung Quốc và đương kim VĐTG Nhật Bản. Lúc bấy giờ, cựu VĐ bóng bàn thế giới là ông Johny Leach, sau khi thua VN đã tuyên bố: “Danh thủ các nước hãy coi chừng Lê Văn Tiết. Tôi từng sang VN có dịp ăn thua qua lại với Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được nhiều lần, nhưng chưa thấy tuyển thủ VN nào đánh khó chịu như Lê Văn Tiết”. Đáng tiếc là khi gặp Nhật Bản ở trận bán kết, đội tuyển VN lại không làm nên chuyện, chỉ giành được HCĐ, xếp chung cuộc hạng 3/37. Về sau, khi ông Mai Văn Hòa có dịp sang Nhật để tu nghiệp, Tổng cuộc Nhật có cho ông xem lại cuốn phim quay trận chung kết Á vận hội năm 1958 với nhận xét “Nếu các danh thủ Nhật áp dụng chiến thuật đánh nhanh, mạnh với các tuyển thủ VN là sai lầm, vì lối đánh đó rất “hạp” với lối đánh phòng thủ toàn diện của Mai Văn Hòa và dễ tạo điều kiện cho Lê Văn Tiết phản công. Do đó, họ  tìm ra một kỹ thuật mới, đó là lối đánh bóng có độ xoáy cao, trong chuyên môn gọi là “kỹ thuật giật vòng”. Đó là lý do đưa đến chiến thắng của đội tuyển Nhật trong giải VĐTG tại Dortmund.

 


Bài viết khác: