"Đẩu truội", Đẩu ăng ti", "Con bồ nông già"…
Ấy là những cái tên làng bóng bàn nghiệp dư Hà Nội và nhiều địa phương gọi cây vợt nổi tiếng Phạm Quang Đẩu, một vận động viên bóng bàn trưởng thành từ lò bóng bàn Báo Quân đội nhân dân. "Quang Đẩu đây!" mỗi khi cắt một đường bóng khó hoặc bạt một cú hất tay, nhiều anh em trẻ thường hô lên cái tên đáng sợ ấy để đe dọa đối thủ. Gọi tên Đẩu "truội" là bởi anh từng nhiều năm dùng một mặt vợt đã cũ, trơn truội tạo nên đường bóng đi lạng, lỏng rất "phi cơ bản" khó phán đoán và đối phó hiệu quả. Có tên "Đẩu ăng ti" là bởi mười năm lại đây, anh chuyển từ vợt truội sang mặt vợt phản xoáy anti-power, phòng thủ đã khó chịu, tấn công lại bất ngờ. Còn "Con bồ nông già" là lời của bạn bè già có, trẻ có, cả sĩ quan, chiến sĩ ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh gọi anh bởi vầng trán cao, tuổi cao mà già dẻo, già dai. Có lẽ Phạm Quang Đẩu là tay vợt biết gần hết mọi ngõ ngách, xó xỉnh bóng bàn Hà Nội. Sới (Câu lạc bộ, chỗ chơi) bóng bàn nào ở thành phố, dù cao tay hay tầm tầm anh cũng vác vợt đến. Mọi người biết nhiều về anh vì lẽ ấy nhưng không chỉ thế, anh là một tay vợt chơi rất ngoan cường, đã vào trận là hết mình, dù dẫn trước đến 10-1, 10- 2 anh vẫn không lỏng tay. "Dai", "đỉa" cũng là những từ giới bóng bàn nói về anh, tặng cho anh.
Cả chục trận gặp cây vợt cao tuổi, cắt dai nổi tiếng của Hải Phòng là Thái Quang Lập, Quang Đẩu thua là chính. Thua nhưng không chịu, anh mang vợt đi Hải Phòng mấy bận… để rồi, năm 2010, gặp Thái Quang Lập trong trận chung kết Giải bóng bàn Đạm Phú Mỹ tại Hà Nội, Quang Đẩu đã chiến thắng, đoạt giải vô địch ở tuổi 63.
Là Đại tá, nhà báo Báo Quân đội nhân dân, thời gian trước khi nghỉ hưu là người phụ trách Phòng biên tập Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần , Phạm Quang Đẩu là một người đa tài, anh viết báo đã đành, còn có năng khiếu làm thơ, vẽ tranh biếm họa và nhất là viết văn. Truyện ngắn, tiểu thuyết anh viết để đọc, đậm chất liệu đời thường mà không thiếu những chấm phá bay bổng. Đầu năm 2010, anh sang Lào nhận Giải thưởng văn học sông Mê Kông cho cuốn tiểu thuyết sử thi "Một ngày là mười năm". Có giải thưởng 2.000USD, anh đem về bỏ tất cả vào việc mở một câu lạc bộ bóng bàn gần nhà. Đa tài nhưng ham chơi và biết chơi, thời gian, sức lực và đồng tiền anh có chả bỏ phí đi chút nào. Tháng 6-2010 tại Giải bóng bàn Hội Nhà báo Hà Nội mở rộng, Quang Đẩu lại đoạt huy chương vàng lứa tuổi trên 40. Khó có thể kể hết những danh hiệu, những huy chương anh giành được trong nửa thế kỷ - một đời cầm vợt. Chỉ biết rằng dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng ở bất cứ giải đấu nào, bất cứ sới nào anh có mặt là tất cả vận động viên và công chúng lại nhìn anh trầm trồ; bốc thăm gặp phải anh, ai cũng ái ngại như gặp phải hổ dữ.
* *
*
Tôi thích gọi lại tên pinh-pông thay vì tên chuẩn bóng bàn bởi lứa chúng tôi và trên chúng tôi, tuổi ngoài 50 đến 70, 80, biết đến bóng bàn đầu tiên với tên gọi Pinh-pông. Pinh-pông là tên "tiếng Tây" cùng môn thể thao này du nhập vào Hà Nội, Việt Nam có lẽ từ nửa đầu thế kỷ trước. Lúc ấy người ta không dùng chữ tennis de table (tiếng Pháp) hay table tennis (tiếng Anh). Lúc ấy người Trung Quốc cũng hay dùng chữ ping-pông. Nhưng đó mới chỉ là một lẽ, thú vị là quả bóng bàn tròn, nhỏ xinh xinh nhảy qua nhảy lại với âm thanh pinh-pông thật ứng nghiệm, gắn bó với cuộc đời những người cầm vợt, nhảy nhót bên bàn bóng, đây đó công cán hay du ngoạn cũng mang theo cây vợt, bạn bè bóng bàn tùm lum tà la khắp nơi đủ loại người, loại chuyện.
Sới bóng bàn của tôi hiện nay chẳng hạn, CLB bóng bàn Điện ảnh Quân đội, 17 Lý Nam Đế - Hà Nội gồm chưa đầy 20 thành viên nhưng mỗi người mỗi nghề. CLB có nhóm anh em ở Điện ảnh Quân đội; Giám đốc Vũ Văn Chính, các trợ lý: Thắng, Tuấn, Tất… Báo Quân đội nhân dân có Mạnh Hùng, Quốc Đại. Lại có đạo diễn Lại Văn Sinh-Cục trưởng Cục Điện ảnh, đạo diễn Trần Phi, Hãng phim Tài liệu - Lhoa học, đạo diễn Đặng Xuân Hải-Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Vương Văn Quý. Các cây vợt trẻ cao tay của CLB có: Quay phim Nguyễn Tiến Dũng, kỹ sư Đào Việt Thắng, kỹ sư xây dựng Nguyễn Quang Huy, họa sĩ Trịnh Xuân Nguyên (Nguyên truyền thần), bác sĩ - giám đốc Công ty Nguyễn Minh Châu, Thượng tá Quân đội Phạm Minh… Cao tuổi hơn mà vẫn là những tay vợt cứng có Ngô Mạnh Tiến (cán bộ Tập đoàn Prudential Việt Nam) (Tiến truội), Đăng Ngọc (nhà báo), Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân (Ban Tôn giáo), Nguyễn Mạnh Triển (Triển chiêu)… Như mọi sới bóng bàn Hà Nội, sới Điện ảnh Quân đội có nội quy chặt chẽ, sinh hoạt khá quy củ, bảo đảm trật tự vệ sinh, an toàn. Chơi bóng là vui, là giải trí nhưng chơi mà không thi đấu đọ tài cao thấp, mà không tiến bộ thì cái sự vui, sự ham mê cũng bớt đi. Đó là lý do mà sới này cũng như các sới của Hà Nội hay tổ chức thi đấu giao lưu qua lại. Không thi đấu đối ngoại thì cũng tổ chức thi đấu nội bộ. Có hò hét, có châm chích nhau, có cáu bẳn, tự phụ, tự ái đôi chút và cả hờn dỗi, để cuối cùng giành phần thưởng là mấy cốc bia giải khát. Bàn bia là những cuộc “họp báo”, tuyên bố của người chiến thắng lẫn cả kẻ "chưa thắng"; là những bình luận với đủ thứ lời hay, ý đẹp cho đến những câu chữ hóm hỉnh, ý vị sâu cay mà thương yêu. Bàn bia cũng là nơi chuyện bóng bàn, bóng đá, thể thao trong nước, thế giới được thông tin, bàn bạc, chuyện đời được tâm sự, sẻ chia, cao hứng thì đọc thơ, hát…
Bàn bia của chúng tôi thường ở gần bàn bia của các sới khác, thi thoảng Đội tuyển bóng bàn quốc gia khi tập huấn ở Hà Nội cũng chọn một bàn bia bên cạnh. Bàn bia của lớp trẻ thường uống nhiều hơn lớp cha chú bên này. Cây vợt nghiệp dư danh tiếng một thời Hoàng Trọng Trúc ngồi bên chúng tôi; còn con ông, cây vợt cựu tuyển thủ Hà Nội và quốc gia Hoàng Tuấn Sơn ngồi bên đám trẻ.
Hai bên cùng chúc nhau chiến thắng. Tuyển thủ là chiến thắng ở các giải đấu quốc gia, quốc tế, còn chúng tôi là chiến thắng những nỗi ưu phiền, stress, chiến thắng chính mình.
* *
*
Người Hà Nội gần đây chuyển sang chơi quần vợt (tennis) nhiều hơn, những người có điều kiện thì chơi gôn (golf), trong số đó có nhiều vận động viên bóng bàn nghiệp dư, thế nhưng môn bóng bàn vẫn cứ tồn tại, phát triển. Không gian, nhà cửa Hà Nội ngày càng chật chội nhưng làng pinh-pông Hà Nội vẫn cứ tìm được cho mình những chỗ chơi phù hợp. Nơi này không còn thì có nơi khác. Sới này tan, dân bóng bàn lại tụ hội nơi khác. Môn bóng bàn, thú chơi bóng bàn và người chơi bóng bàn như làm Hà Nội thoáng ra, làm con người Hà Nội thêm lịch lãm, gần gũi. Không kể ở nội thành, những năm gần đây, các lò, các sới bóng bàn liên tiếp mọc ra ở cả Châu Quỳ, Bát Tràng (Gia Lâm), ở Đông Anh, ở Xuân Mai, Mỹ Đức, Thường Tín… Dân bóng bàn Hà Nội còn tràn cả vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các cây vợt nghiệp dư có tiếng ở Hà Nội như Ngô Tuấn, Việt "Hổ", Trần Hợp Chính, Nguyễn Xuân Lương, và nữa, những Chỉ, Sơn… hiện vẫn là những cái tên đáng gờm của các sới bóng bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bóng bàn nghiệp dư Hà Nội còn liên tục được bổ sung đội ngũ, tăng hẳn trình độ khi ngày càng nhiều học sinh từ các lớp năng khiếu, các vận động viên chuyên nghiệp ngừng thi đấu tham gia. Thời hiện đại, giới bóng bàn Hà Nội nối mạng hẹn hò tỉ thí, giao lưu cùng vận động viên các tỉnh, thành phố, kể cả với những Việt kiều ở nước này nước khác cùng những vận động viên nước ngoài.
Mới năm trước, sau những cuộc hẹn hò qua email, ông Lâm, Giám đốc một Tổng công ty xuất nhập khẩu lương thực của Đài Loan (Trung Quốc) - một tay vợt nghiệp dư có quả giật bài bản đã đến Hà Nội để gặp Phạm Quang Đẩu. Trận đấu đã diễn ra hữu nghị và quyết liệt, phần thắng, tất nhiên đã thuộc về "Con bồ nông già” - Phạm Quang Đẩu. Ai bảo bóng bàn không phải là một nghiệp đời"? Ai dám nói bóng bàn không phải là một thú vui, một nét văn hóa Hà Nội.
Mạnh Hùng
(http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/75/68/76/76/76/126006/Default.aspx)