Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân 2011, tranh Cúp Dầu khí Việt Nam: Ngôi đầu cho lính mới?

 Khát vọng chưa thành

Tháng 9-2009, CLB Bóng bàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ra mắt làng bóng bàn Việt Nam và gây chú ý khi chiêu mộ thành công hai tên tuổi lớn là Đoàn Kiến Quốc và Hồ Ngọc Thuận. Lúc ấy, giải vô địch quốc gia 2009 đã qua, còn năm 2010 thì giải này được ghép vào chương trình thi đấu của ĐH TDTT toàn quốc. Việc không tổ chức hai giải riêng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các đội bóng bàn doanh nghiệp cũng như xu hướng chuyên nghiệp hóa. Điều lệ môn bóng bàn ĐH TDTT toàn quốc không cho phép các đội bóng doanh nghiệp tham dự nên Tập đoàn Dầu khí để Đoàn Kiến Quốc thi đấu cho Hà Nội và coi đó như trách nhiệm của một đội bóng trên địa bàn Thủ đô. Vì vậy, phải đến năm 2011, CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia mới chính thức ra mắt làng bóng bàn nước nhà ở sân chơi quan trọng nhất trong hệ thống giải quốc nội.

VĐV Đoàn Kiến Quốc. Ảnh: Bảo Lâm

Hà Nội T&T, CLB đóng trên cùng địa bàn Hà Nội, lại ra mắt sớm hơn, từ năm 2008. Lúc ấy, những tên tuổi trong đội khiến nhiều đối thủ phải nể vì. Đó là Vũ Mạnh Cường, tay vợt số 1 Đông Nam Á một thời, đã từ bỏ chức Trưởng bộ môn bóng bàn Hải Dương để đầu quân cho CLB, là Đỗ Tuấn Sơn, Nguyễn Quý Tài - đàn em tại Hải Dương của Vũ Mạnh Cường, từng lọt vào top 8 quốc gia. Năm ấy, Hà Nội T&T (lúc đó còn gọi là T&T) có chút thành tích khi Nguyễn Quý Tài đoạt HCĐ đơn nam, Vũ Mạnh Cường đoạt HCB đôi nam cùng Đinh Quang Linh (Quân đội). Nhưng một năm sau, Hà Nội T&T lại gây bất ngờ vì không dự giải vô địch quốc gia với lý do thật khó tin, dù có thật: không đủ quân. Bởi sau năm 2008, Hà Nội T&T không ký tiếp hợp đồng với Quý Tài, Tuấn Sơn vì sợ thói quen sinh hoạt của hai tay vợt này sẽ ảnh hưởng không tốt đến lớp trẻ mà CLB đang dày công đào tạo. Sau đó, đến lượt Minh Tiến (Quân đội) đầu quân cho Hà Nội T&T nhưng rồi không được tái ký hợp đồng vì lý do tương tự.

Mơ gột nên hồ

Cả Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lẫn Hà Nội T&T hiện không thiếu tay vợt giỏi để mơ ngôi vô địch quốc gia. CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, ngoài Đoàn Kiến Quốc, Hồ Ngọc Thuận còn có 2 tay vợt trẻ mới đầu quân là Tô Đức Hoàng, Đào Duy Hoàng (mùa trước còn thi đấu cho Bộ Công an). Cả 2 tay vợt tên Hoàng từng lên ngôi cao tại giải vô địch Đông Nam Á, nhưng do không có môi trường tập luyện nên trình độ chững lại trong 1-2 năm gần đây. Dù vậy, Đức Hoàng, Duy Hoàng cũng thuộc diện khá trong làng bóng bàn Việt Nam.

Lẽ ra, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã có thể yên tâm hướng đến ngôi vô địch nếu chiêu mộ Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng từ Hà Nội. Tuy vậy, những lý do "tế nhị" đã khiến Quỳnh và Hoàng không thể cập bến đội bóng ngành dầu khí. Nhiều người cho rằng, nếu kết hợp ký hợp đồng với những tay vợt trẻ còn khả năng phát triển lẫn các tay vợt giàu kinh nghiệm đang ở nhóm đầu toàn quốc thì Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ bảo đảm được thành tích trước mắt và lâu dài. Mọi việc không như ý và giờ đây, áp lực dành cho tay vợt hàng đầu Đoàn Kiến Quốc sẽ nặng hơn. Gánh nặng tuổi tác và áp lực phải thi đấu cho xứng đồng tiền bát gạo mà CLB đã đầu tư cho anh là thách thức lớn đối với tay vợt này.

Với Hà Nội T&T, Tuấn Quỳnh, Huy Hoàng không cập bến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam lại là điều hay. Nhân cơ hội này, Hà Nội T&T đã chiêu mộ 2 vận động viên này với phí chuyển nhượng vào hàng lớn nhất làng bóng bàn Việt Nam. Sự xuất hiện của Tuấn Quỳnh và Huy Hoàng đã khiến Hà Nội T&T trở thành thế lực mới trong làng bóng bàn dù lực lượng không đầy đặn bằng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Mục tiêu giành ít nhất 1 HCV không phải quá sức với đội bóng của HLV kiêm VĐV Vũ Mạnh Cường.

Trong bối cảnh Hà Nội không còn những tay vợt hàng đầu nào sau khi Tuấn Quỳnh, Huy Hoàng sang Hà Nội T&T và Nguyễn Nam Hải nghỉ thi đấu, giải vô địch quốc gia sẽ là sàn diễn riêng của những đội bóng mới như Hà Nội T&T, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam?

 
Nguồn: Thùy An - Báo Hànộimới »

 


Bài viết khác: