/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Cựu vô địch bóng bàn Đông Dương và tuyệt chiêu đánh hai tay

Ông Mai Duy Dưỡng là cựu vô địch bóng bàn và bóng đá Đông Dương, bạn thân của nhà văn Nguyên Hồng. 70 năm sau, bóng bàn Việt Nam chưa tìm được người thứ hai bằng ông ở cú búng bóng và chơi bóng bàn bằng cả hai tay.

 Ông Mai Duy Dưỡng. Ảnh: Phan Sang.

 

Ông Mai Duy Dưỡng sinh năm 1918 tại Nam Định. Danh tiếng gắn với bóng bàn nhưng trước đó ông lại khởi nghiệp bằng bóng đá và mối tình của ông cũng bắt đầu từ sân bóng đá. Tới giờ ông vẫn nhớ như in cái ngày 25/12/1935, khi ông gặp người vợ tâm đầu ý hợp ở sân bóng đá và sau đó gần hai năm họ thành vợ chồng. Bà là người phụ nữ đã gắn bó với cuộc đời ông và cả nghiệp thể thao lừng lẫy của ông. Trong suốt cuộc đời bôn ba theo chồng, kinh qua chiến tranh, bà lưu giữ từng bức ảnh, nâng niu từng kỷ niệm về các trận đấu của chồng để sau này khi về già, thi thoảng hai vợ chồng ôn lại chuyện cũ. Giờ thì bà đã ở thế giới bên kia nhưng những tài liệu lưu giữ được về một thời vẻ vang của bóng bàn Việt Nam còn mãi mãi.

Ông Dưỡng (trái) đã 93 tuổi nhưng những ký ức về bóng bàn thì còn in đậm như mới ngày hôm qua. Ảnh: Phan Sang.

Ông Dưỡng là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngôi nhà bóng bàn Việt Nam. Ông cũng là người hiếm hoi từng vô địch Đông Dương ở cả môn bóng bàn lẫn bóng đá. Lúc đầu ông chọn chơi bóng đá vì thấy môn bóng bàn đánh "lọc cọc", không khỏe, không đẹp mắt bằng bóng đá. Sự kiện khiến ông thay đổi quan điểm là năm 18 tuổi khi đi xem giải vô địch bóng bàn Nam Định, nơi nhiều cao thủ của Hà Nội và Nam Định so tài. Lúc đó ông mới cảm thấy hóa ra bóng bàn cũng rất khỏe và đẹp, nhất là trang phục của các VĐV lại "điệu" hơn bóng đá. Từ đó ông bắt đầu tập chơi bóng bàn và từng nhịn ăn, chơi đánh bi kiếm tiền để nộp học phí gia nhập vào Hội bóng bàn Nam Định.

Sau vài tháng tập luyện, ông bắt đầu tham gia thi đấu ở giải bóng bàn thành phố Nam Định. Lá thăm không may mắn đã khiến ông sớm gặp cao thủ số một Nguyễn Quý Trạch. Hoảng quá ông định đánh bài chuồn thì gặp người bạn thân là nhà văn Nguyên Hồng. Ông Hồng biết thừa bạn sợ liền khích và truyền cho ông Dưỡng tư tưởng không việc gì phải sợ vì mình chỉ là kẻ vô danh, tiểu tốt, có thua cũng là điều bình thường. Ông Dưỡng quay trở lại thi đấu. Vào trận, ông cứ vụt tới tấp, quả đáng vụt cũng vụt, không đáng vụt cũng vụt khiến cao thủ Nguyễn Quý Trạch không biết đằng nào mà đỡ và đành chấp nhận thua. Nguyên Hồng sướng quá liền kéo bạn đi khao một cốc nước dừa mà vị ngọt của nó cho đến bây giờ ông Dưỡng vẫn còn cảm nhận được.

Vốn là cầu thủ trong đội bóng đá Nội Châu Hà Nội nên một tháng sau ông Dưỡng có mặt tại Hà Nội để đá bóng và đi xem hội chợ. Khi đó ở Hà Đông cũng tổ chức giải bóng bàn nên ông ghé vào tham gia thi đấu. Ông Dưỡng thắng trận đầu tiên. Đến trận thứ hai, ông gặp một đối thủ cũng rất mạnh của bóng bàn Hà Nội là ông Phan Tất Đạo. Nghe tiếng ông Dưỡng đã đánh thắng cả cao thủ Nam Định Nguyễn Quý Trạch bằng các cú vụt, ông Đạo liền dùng chính chiến thuật đó để chống lại. Ông Dưỡng đã thua vì gặp phải đối thủ cũng vụt lấy, vụt để như mình. Sau trận ấy ông Dưỡng rút ra kinh nghiệm là phải tìm miếng khác nếu muốn thắng.

Ở giải đó ông cũng gặp cao thủ Phạm Gia Chất với ngón búng bóng rất hay. Ông Dưỡng mon men xin học, bị ông Chất bảo rằng: "Cậu còn bé quá cứ về nhà đi, đến khi lớn hơn thì lên đây thầy dạy". Ông tự ái và quyết tâm học cho được miếng này. Ông cầm quả bóng xoay trái, xoay phải, xoay 4 chiều mà cũng chưa tìm ra được bí quyết búng bóng. Sau này ông có dịp gặp lại ông Chất khi ông Chất tham gia giải đấu ở Nam Định và giành ngôi vô địch bằng sở trường búng bóng. Ông Dưỡng càng thêm quyết tâm phải búng bóng bằng được.

Từ khi quyết chí học búng bóng, lúc nào ông Dưỡng cũng mang quả bóng bàn trong cặp đi học, nhưng bàn tay nhỏ quá nên vẫn chưa thể rèn kỹ thuật búng bóng được. Hồi nhỏ, ông với nhà văn Nguyên Hồng thường chơi đánh bi, đánh đáo với nhau và ông Dưỡng rất giỏi ở trò bắn bi. Ông liền lấy viên bi ra búng, thấy đường xoáy rất mạnh và sau đó ông đã áp dụng thành công kỹ thuật búng bi vào búng bóng bàn để tạo nên những cú giao bóng xoáy, khó cao thủ nào thời đó đỡ được.

Đầu tháng 10/1937 ông lên Hà Nội để thi đấu bóng đá và bóng bàn. Sau khi đấu xong bóng đá, ngày 2/10/1937, ông mới ra bốc thăm bóng bàn và không may lại gặp phải cao thủ Nguyễn Hùng Vinh - người vừa thắng 2-0 trước cao thủ số một Nam Định Nguyễn Đình Thi. Đã ngao ngán vì gặp phải đối thủ mạnh ông lại càng choáng hơn khi nghe HLV của ông Vinh hỏi: "Cậu đã về ăn cơm chưa? Nếu chưa ăn thì về đi, kẻo đánh xong không ăn được đâu". Trận đấu bắt đầu lúc 19h, ông Dưỡng vào trận loay hoay không biết phải đánh thế nào, nhất là khi gặp phải nụ cười coi thường của đối thủ.

Bị dẫn 1-4, đang lúng túng không biết đánh tiếp thế nào thì nghe bạn bên ngoài nhắc: búng bóng đi. Ông Dưỡng mới nhớ ra miếng mới rèn được và bắt đầu búng bóng. 5 quả giao bóng đầu tiên, đối thủ không đỡ được quả nào. Ở hiệp 3, khi ông Dưỡng đang dẫn trước 13-7 thì đối thủ xin thua vì tính tới lúc đó ông Dưỡng đã giao 40 quả bóng và đối thủ không đỡ được quả nào.

Kỹ thuật đánh bóng bằng tay trái của ông đến từ một giải đấu tổ chức ở Thái Bình vào năm 1943. Đối thủ biết ông đánh thuận tay phải nên cứ nhằm hướng ngược lại mà tấn công. Ông Dưỡng bị dẫn trước 1-2 bèn nghĩ ra chiêu chuyển sang đánh bằng tay trái. Ông khiến đối thủ phải bối rối vì những cú đánh trái tay và dẫn lại với cách biệt lớn. Ở hiệp sau, lúc ông đánh tay phải, lúc ông đánh tay trái khiến đối thủ loạn lên, không biết phải ứng phó thế nào. Hiệp 3 ông Dưỡng thắng tới 21-10, và từ đó ông lại khiến giới bóng bàn kính nể nhờ một biệt tài nữa: chơi bóng bàn đều bằng cả hai tay.

Sau này nhờ thế mạnh búng bóng và chơi bóng bằng cả hai tay, ông đã giành thắng lợi trước nhiều VĐV nổi tiếng thời đó. Thậm chí trong một lần tham dự giải do Pháp tổ chức, ông đã hạ hàng loạt cao thủ của Pháp khiến cho quan Ba phải tái mặt bỏ về. Ông từng giành nhiều danh hiệu cao quý thời đó như vô địch Bắc Kỳ vào năm 1941, vô địch giải Trung – Bắc Kỳ năm 1942. Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là lần tham dự giải vô địch bóng bàn Đông Dương vào tháng 8/1943 với sự tham gia của 5 đội tuyển. Ông cùng với cao thủ Nguyễn Hữu Chấn (Hà Nội) đã xuất sắc vượt qua bộ đôi nổi tiếng Poulet - Poussin của Nam Kỳ với tỷ số 3-2 ở vòng loại rồi sau đó thắng đôi Tất - Khang 3-1 ở chung kết để giành ngôi vô địch.

Một năm sau, ông cùng với 7-8 cầu thủ khác của đội bóng đá Cotonkin (Nam Định) được chọn vào đội tuyển Bắc Kỳ dự giải vô địch bóng đá Đông Dương tại Cao Miên vào tháng 1/1944. Và đội bóng của ông đã gây nên hàng loạt bất ngờ khi hạ tuyển Lào và Trung Kỳ để vào đá chung kết với đội Nam Kỳ và giành ngôi vô địch Đông Dương thời ấy.

Ông Dưỡng (phải) thời còn thi đấu.

Sau này nhờ tài năng, thành tích lẫy lừng và những đóng góp trong phong trào kháng chiến kiến quốc, ông được cử làm trưởng ban Thể dục thể thao thuộc Ty Thanh niên, Thể dục Nam Định, sau đó làm trưởng ban trung ương bóng bàn Bắc Kỳ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, ông làm trưởng ban TDTT Hà Nội và hai năm sau làm trưởng bộ môn bóng bàn trung ương. Từ năm 1959 đến 1982, ông làm Tổng thư ký hội bóng bàn Việt Nam, và từ năm 1982 đến 1992 làm phó chủ tịch hội bóng bàn Việt Nam…

 
 

Nguồn: Khánh Vy 

 

 

Bài viết khác: