/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Chuyện về một giải bóng bàn "của" Bắc kỳ

 Tháng 8-1943, giải VĐ bóng bàn Đông Dương được tổ chức tại Nam Vang (Campuchia) với sự tham dự của 5 đội tuyển. Đó là giải VĐ bóng bàn Đông Dương lần cuối, điều mà những người trong và ngoài cuộc ít ngờ tới, và cũng là giải đấu thành công nhất của ĐT Bắc kỳ.

Bóng bàn Hà Nội đóng góp 3 trong 5 tuyển thủ là Nguyễn Hữu Chấn, Nguyễn Lan Hợp, Nguyễn Văn Nghị. Hai người còn lại là Mai Duy DưỡngVũ Đình Giác (đều của Nam Định). Điều đáng nói là tuy chỉ có 5 người (ĐT Nam kỳ tham gia 17 người) nhưng ĐT Bắc kỳ đã giành cả chức vô địch đơn lẫn đôi và đương nhiên là   toàn đoàn.

Trước khai mạc giải 3 ngày, báo Tin Mới đánh giá về ĐT Bắc Kỳ như sau: Chấn, Dưỡng, Nghị, Hợp, Giác đều chứa chan hy vọng đoạt lá cờ danh dự về cho kinh đô bóng bàn. Chấn và Dưỡng là 2 cây vợt của thế công. Nghị và Giác là hồn thế thủ của Bắc Hà. Hai bức Vạn - lý - trường - thành này đã ngăn cản một cách tài tình bao trận tấn công ác liệt. Hơn nữa Nghị và Giác có một quả vụt bất ngờ để làm nên chuyện to tát nữa. Người ta đặt nhiều hy vọng nhất vào Hợp. Công, thủ đều, Hợp còn khác người ở lối chơi ồ ạt rất nhịp nhàng và những quả vụt không thấy bóng.

ĐT Bắc kỳ do danh thủ Mai Duy Dưỡng làm VĐV kiêm HLV (hồi đó gọi là thủ quân). Thành công của ĐT Bắc kỳ có sự dẫn dắt, lèo lái rất tài tình của ông. Chính vì sự xuất sắc trong vai trò HLV cũng như VĐV mà sau khi giải kết thúc, Dakao Pingpong Club (Sài Gòn) đã mời ông Dưỡng vào làm thủ quân cho mình, điều chưa hề có khi đó. Ngay sau giải, báo Tin Mới đã có bài bình luận về thành công của ĐT Bắc kỳ với tít: Cảm tưởng về sự toàn thắng của đoàn đại biểu Bắc kỳ.

Xin được trích lại: Như chúng tôi đã từng nói, nếu Nam kỳ từng chiếm những vinh diệu về bóng tròn, xe đạp, bơi lội thì Bắc kỳ là nơi đã sản xuất được một số đông anh tài về môn bóng bàn. Trước những Dưỡng, Châu, Chấn, Hợp, Giác, Nghị, Bắc kỳ đã từng có những Chất, Sơn, Thi, Công, Thục với một nghệ thuật đã làm chấn động cả làng BB Đông Dương cho nên sự toàn thắng của đoàn tuyển thủ Bắc kỳ trên đất Cao Miên vừa qua là một lẽ tự nhiên...

Về giải đánh kép, Bắc kỳ đã chia đều nên cặp Tất - Khang (Cao Miên) vào đến chung kết rất vẻ vang (Khang chính là phu quân của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình). Trong số các tuyển thủ Nam kỳ, người ta thấy vắng mặt hai thiếu niên anh tài Poulet và Poussin nên chỉ có một mình Dy (Chợ Lớn) phải chịu cả sự mãnh liệt của các địch thủ. Thế mà Dy lọt vào vòng chung kết đánh đơn, thật rất đáng khen ngợi.

Nói về các trận đấu thì ai cũng lấy làm tiếc là trong hai trận chung kết chỉ có trận đánh kép là ngoạn mục, sôi nổi còn trận đánh đơn có lẽ cả hai cây vợt Bắc - Nam vì quá cảm động về ngôi thứ nên chơi rất thường. Hợp đã thắng Dy 3-1 nhưng trận đấu kém vẻ hào hứng, không bằng những trận đấu loại. Cả hai xem ra chỉ đánh lối cầm chừng chờ đối phương vụt hỏng để ăn điểm. Trái lại, trận chung kết đánh kép rất sôi nổi. Cặp Chấn - Dưỡng đã đoạt chức đánh kép sau khi hạ Tất - Khang của Cao Miên 3-1 và đã được công chúng hết sức khen ngợi. Với lối đánh vũ bão rất ngoạn mục, Chấn và Dưỡng thật không hổ danh là hai cây vợt vô địch của Đông Dương.

63 năm sau chiến thắng huy hoàng đó, mùa thu này cụ Dưỡng   bồi hồi kể lại chuyện cũ. Theo cụ, bài báo trên nói nhầm một điểm. Thực ra Poulet và Poussin có tham gia dưới tên Chúc và Linh. Họ đã thua cặp Chấn - Dưỡng 2-3 ở vòng loại. Cụ nói rằng bóng bàn Hà Nội hồi đó ngang ngửa bóng bàn Nam Định, việc số lượng VĐV xấp xỉ của 2 địa phương nói lên điều đó. Cụ nói vui rằng tuy giành được thắng lợi vang dội như vậy nhưng khi về đến Hà Nội, Tổng hội thể thao Bắc kỳ chỉ có một tiệc trà thết đãi các tuyển thủ cùng mấy câu khen ngợi của ông Phó hội trưởng. Lúc đó thế đã là vinh dự lắm rồi, cụ kết luận.

( nguồn http://tintuc.xalo.vn/201310805490/thang_tam_63_nam_truoc_chuyen_ve_mot_giai_bong_ban_cua_bac_ky.html )


Bài viết khác: