/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Chơi bóng bàn hay nhờ học giỏi

Mặt vợt mới của Xiom _ Sigma. Lực gần giống với Tenergy 05.

 

Tuổi đời chỉ mới đôi mươi nhưng Bảo đã có 15 năm chơi bóng bàn. Không những thế, chàng sinh viên năm 2 khoa tài chính doanh nghiệp của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM này còn học rất cừ với 12 năm liền phổ thông là học sinh giỏi.

 

 

Trong vòng hai tháng qua, tay vợt sinh viên Trần Huy Bảo đã mang về hai chiến công cho bóng bàn TP.HCM: huy chương bạc đơn nam tại Giải vô địch quốc gia 2010 và huy chương bạc đồng đội nam tại giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng.

 


Trần Huy Bảo (trái) có lối chơi rất thông minh, theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Trúc, tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM - Ảnh: Anh Thư

 

20 tuổi đã có 170 huy chương

Bảo sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi bóng bàn: ông, mẹ và anh đều là những tay vợt có hạng ở các giải phong trào. Khi chưa đủ tuổi học lớp 1, do cả cha lẫn mẹ đều bận đi làm nên Bảo đã được gởi đến CLB TDTT quận 1 vừa như một nhà trẻ, vừa để sớm làm quen với bóng bàn. Khi ấy Bảo đã thể hiện niềm đam mê môn thể thao này, thậm chí nhiều lúc đi ngủ mang cả vợt và bóng lên giường để... tập!

Say mê cộng với năng khiếu đã giúp Bảo sớm nổi tiếng là “thần đồng bóng bàn”. Từ năm 6 tuổi, Bảo đã tham gia tranh tài ở các giải năng khiếu và đánh bại các tay vợt gấp đôi số tuổi của mình để giành nhiều chức vô địch ở quận. Năm 8 tuổi, Bảo đã nổi tiếng khắp nước khi giành huy chương vàng ở giải thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và thống trị nội dung đơn nam ở giải này trong sáu năm liên tiếp.

Năm 13 tuổi, Bảo đại diện Việt Nam thi đấu tại giải trẻ Đông Nam Á ở Singapore và mang về hai huy chương đồng. Những ngày tháng sau đó, Bảo liên tiếp gặt hái thành tích và trở thành niềm “hi vọng vàng” của bóng bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tại Giải vô địch quốc gia 2010 diễn ra tháng 5, Bảo chơi rất xuất sắc khi hạ một loạt đối thủ mạnh, trong đó có ứng cử viên hàng đầu là Trần Tuấn Quỳnh để giành quyền vào trận chung kết đơn nam. Đây cũng là lần đầu tiên sau 17 năm, TP.HCM mới có một đại diện góp mặt ở chung kết đơn nam của giải.

Hai tháng sau, Bảo lại gây sốc khi chơi rất ấn tượng để cùng với Lê Đình Duy vào đến trận chung kết đôi nam tại Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng 2010. Dù gác vợt, nhưng Bảo cũng đi vào lịch sử khi cùng đồng đội mang về cho TP.HCM chiếc huy chương bạc đầu tiên sau 24 năm giải được tổ chức.

Nhận xét về Bảo, ông Nguyễn Trọng Trúc - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM - nói: “Huy Bảo có lối chơi rất thông minh. Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng cậu ta là một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất của bóng bàn TP.HCM hiện nay”.

Mới 20 tuổi nhưng Bảo đã giành được tổng cộng khoảng 170 huy chương các loại từ trong nước đến quốc tế. Bảo kể trong phòng của mình có đặt một tượng nữ thần khá cao, mỗi khi giành được huy chương là đem về nhà đeo vào cổ bức tượng. Số huy chương nhiều và nặng đến nỗi bức tượng bị gãy cổ, cha mẹ Bảo phải bỏ tiền làm bức tượng mới lớn gấp đôi cho chắc chắn.


Trần Huy Bảo (bìa phải) đoạt HCB đôi nam tại giải Cây vợt vàng 2010 - Ảnh: Tạ Hồng Quảng

Chơi nhưng không quên học!

Trần Huy Bảo sinh ngày 23-1-1990 tại TP.HCM, cao 1,7m, nặng 63kg. Sở thích: nghe nhạc, xem phim và chơi game.

Đầu tháng 7, lần đầu tiên Huy Bảo được gọi khoác áo đội tuyển Việt Nam dự giải Cây vợt vàng, nhưng anh đã từ chối với lý do tập trung thời gian cho chuyện học tập.
Dù bận rộn với các giải đấu và các buổi tập luyện bóng bàn mệt nhoài, nhưng Bảo vẫn không quên chuyện học văn hóa. Trong thời gian biểu của mình, anh luôn dành ít nhất hai hoặc ba giờ mỗi ngày để tự ôn lại bài cũ và luôn hoàn tất đầy đủ các bài tập về nhà. Trong những chuyến thi đấu xa, Bảo luôn mang theo sách vở để mỗi khi rảnh rỗi là ngồi vào học. Điều này đã giúp anh luôn học tốt với thành tích 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi (từng đậu vào Trường chuyên Lê Hồng Phong), rồi xuất sắc đậu vào khoa tài chính doanh nghiệp của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với số điểm khá cao.

Cũng vì chuyện học mà Bảo từng từ chối cơ hội vàng vào năm 2003. Đó là khi anh được xem như “hạt giống đỏ” trong chương trình đào tạo Thế hệ vàng của ngành thể thao TP.HCM, được nhận suất đào tạo ở Trung Quốc trong thời gian năm năm. Đây là giấc mơ của tất cả tay vợt trẻ vì Trung Quốc là cái nôi của bóng bàn thế giới, được tập luyện nơi đây sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng do chuyến đi không đảm bảo được chuyện học văn hóa nên Bảo và gia đình đã một mực khước từ.

Trong những lần xuất ngoại du đấu ở các nước trong khu vực và thế giới, Bảo luôn xem như cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Bảo tâm sự: “Đó là dịp rất tốt để nâng cao trình độ tiếng Anh, vì trong nhà trường chủ yếu chỉ học ngữ pháp và từ vựng, cơ hội giao tiếp lại rất hạn chế”.

Bảo còn nhớ như in một kỷ niệm thú vị khi đến phi trường Changi ở Singapore vào năm 14 tuổi. Khi ấy hãng hàng không thông báo phải đổi lịch bay bằng tiếng Anh nhưng trong đoàn ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì cả. Thế là Bảo trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ vừa phải nghe thông báo, vừa hướng dẫn mọi người trong đoàn làm các thủ tục để không lỡ chuyến bay. Kể từ đó, mỗi lần đội tuyển xuất ngoại thi đấu thì Bảo đóng vai trò vừa là VĐV vừa kiêm luôn nhiệm vụ “đối ngoại” với bạn bè quốc tế. Nhờ thế đến giờ Bảo có vốn tiếng Anh rất khá và luôn tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài.

Có điều do phải thường xuyên thức đêm để học nên Bảo bị cận từ rất sớm và cặp kính đang ngày càng dày thêm theo thời gian.

Dự định bỏ bóng bàn!

Nhiều năm qua, làng bóng bàn TP.HCM sa sút thảm hại. Vì thế, việc Bảo chơi tỏa sáng và thể hiện tiềm năng của một ngôi sao tương lai mang lại tin vui cho người hâm mộ bóng bàn TP.HCM. Nhưng khi được chúng tôi đặt câu hỏi “có muốn theo đuổi bóng bàn như một nghề hay không?”, Bảo trả lời dứt khoát “không”!

Đối với Bảo, thật khó sống với môn thể thao này do mức lương còm cõi, thiếu chế độ đãi ngộ xứng đáng và không được đảm bảo tương lai sau khi giải nghệ. Vì vậy, mục tiêu hàng đầu của anh là con đường học vấn với ước mơ tìm được suất học bổng đi du học để trở thành thạc sĩ kinh tế trong tương lai.

Không dừng lại ở đó, Bảo cũng tiết lộ: “Tôi luôn xác định bóng bàn chỉ là chơi cho vui. Trong thời gian tới tôi sẽ bớt thi đấu, tập luyện để tập trung thời gian vào chuyện học do hiện tại đang bước vào giai đoạn chuyên ngành với các môn học đều rất khó. Sau khi hoàn tất chương trình đại học, có thể tôi sẽ nghỉ chơi để lo sự nghiệp”.

Điều này cũng đồng nghĩa bóng bàn TP.HCM phải chờ rất lâu mới có thể trình làng một ngôi sao mới. Đây thật sự là điều đáng buồn cho mảnh đất từng một thời vang bóng với các tên tuổi lừng lẫy như Lê Văn Tiết, Trần Tuấn Anh, Nhan Vị Quân, Phương Linh, Mai Thy...

 
Nguồn: Quốc Thắng tuoi tre online

 

 


Bài viết khác: