Các kỹ thuật trong bóng bàn cơ bản nhất
Trong bóng bàn, có một số kỹ thuật cơ bản mà người mới chơi cần nắm vững để nâng cao kỹ năng và làm quen với lối chơi chuyên nghiệp. Những kỹ thuật này bao gồm:
-
Kỹ thuật cầm vợt: Cầm vợt đúng cách là điều quan trọng nhất trong bóng bàn. Có hai kiểu cầm vợt phổ biến là cầm vợt dọc (penhold) và cầm vợt ngang (shakehand). Mỗi kiểu cầm sẽ ảnh hưởng đến cách điều khiển vợt và chiến thuật khi chơi.
-
Kỹ thuật phát bóng (Serve): Phát bóng là cú đánh đầu tiên trong mỗi lượt chơi. Một cú phát bóng tốt cần có độ chính xác và độ xoáy để gây khó khăn cho đối thủ. Người chơi cần luyện tập phát bóng xoáy lên, xoáy xuống, và phát bóng ngang để đa dạng hoá chiến thuật.
-
Kỹ thuật đón bóng (Receive): Kỹ năng đón bóng giúp người chơi phản công lại các cú phát bóng của đối thủ. Người chơi cần nhận diện loại xoáy của bóng để có cách trả phù hợp, đồng thời sử dụng các kỹ thuật như chặn bóng, đẩy bóng hoặc trả bóng xoáy ngược.
-
Kỹ thuật đánh bóng xoáy (Spin): Xoáy là yếu tố quan trọng trong bóng bàn, bao gồm xoáy lên, xoáy xuống, và xoáy ngang. Bằng cách tạo xoáy, người chơi có thể kiểm soát quỹ đạo và tốc độ của bóng, khiến đối thủ khó đón đỡ.
-
Kỹ thuật tấn công (Forehand và Backhand): Đánh thuận tay (forehand) và trái tay (backhand) là hai kỹ thuật tấn công chính. Người chơi cần luyện tập hai kỹ thuật này để có thể đánh bóng mạnh mẽ và chính xác từ mọi góc độ.
-
Kỹ thuật phòng thủ: Đây là kỹ thuật giúp người chơi cản phá các cú tấn công của đối thủ, bao gồm các kỹ năng như chặn bóng (block) và cắt bóng (chop). Phòng thủ tốt giúp duy trì thế trận và tạo cơ hội cho các cú phản công.
Nắm vững những kỹ thuật cơ bản này sẽ giúp người chơi cải thiện kỹ năng và xây dựng nền tảng vững chắc để tiến xa hơn trong bộ môn bóng bàn.
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ MÔN BÓNG BÀN.
I. Nguồn gốc và sự phát triển.
Bóng bàn là môn thể thao có lịch sử từ lâu đời và được rất nhiều người ưa thích. Về nguồn gốc của nó cho đến nay vẫn còn có nhiều quan điểm tranh luận rất khác nhau, song quan điểm nghiêng về môn bóng bàn xuất hiện sớm nhất tại đảo quốc sương mù. Vào khoảng 1890, một VĐV Anh quốc mang từ Mỹ về một một quả bóng được chế tạo bằng Xenlulo rỗng bên trong và dùng làm bóng đánh trên bàn. Do loại bóng này có độ nảy lớn, khi đánh xuống bàn phát ra tiếng kêu “ping,pông...”nên có người đặt tên cho nó là “bóng ping pông”. Đầu thế kỷ 20, môn bóng bàn được phát triển ở trung Âu và một số quốc gia khác ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Tiếp đó lan sang các nước ở châu Phi, châu Mỹ.... làm cho môn thể thao này phát triển mạnh trên phạm vi toàn Thế giới.
II. Sự thành lập liên đoàn bóng bàn Thế giới
Sau đại chiến TG lần thứ nhất 1918 các cuộc thi đấu và giao lưu môn bóng bàn ngày một tăng. Các dụng cụ bóng bàn ngày càng đổi mới làm cho kỹ thuật BB có cơ hội tiến bộ nhanh chóng. Trong bối cảnh như vậy cần thiết phải thành lập một tổ chức thể thao thống nhất mang tính Quốc tế để thuận tiện cho việc giao lưu rộng rãi và chính quy trên toàn Thế giới. Với sự khởi xướng và vận động của Anh quốc và một số Quốc gia châu Âu khác, đến 12-1926 tại Luânđôn đã khai mạc Đại hội Liên đoàn BB Quốc tế lần I. Đại hôi đã thông qua nghị quyết và chương trình chính thức thành lập Liên đoàn các hội bóng bàn Quốc tế _ gọi tắt là Liên đoàn BB Quốc tế ITTF.
KIẾN THỨC CƠ BẢN CỦA MÔN BÓNG BÀN.
I. Bóng bàn.
Quả bóng bàn được làm từ chất dẻo, bên trong rỗng và có dạng hình cầu. Đường kính của bóng tiêu chuẩn là 40mm, trọng lượng 2,5g. Trong thi đấu chính thức có yêu cầu nhất định đối với lực dàn hồi và màu sắc của quả bóng.
II. Bàn bóng.
Bàn bóng bàn hình chữ nhật, dài 2,74m, rộng 1,525m, chiều cao so với mặt đất 0,76m, mặt bàn phải song song so với mặt phẳng nằm ngang.
Vật liệu chế tạo nói chung là bằng gỗ, có thể dùng bằng các nguyên liệu khác nhưng tiêu chuẩn về tính đàn hồi phải bắt buộc như nhau, nghĩa là phải đảm bảo khi quả bóng tiêu chuẩn rơi từ độ cao 0,3m xuống mặt bàn phải nảy lên được độ cao 0,23m.
III. Lưới bóng bàn.
Độ cao tiêu chuẩn của lưới bóng bàn là 12,25cm và vuông góc với mặt bàn, lưới chia bàn bóng bàn thành 2 nửa bằng nhau.
IV. Vợt bóng bàn
Vợt bóng bàn gồm có 2 phần:
- Phần cốt vợt: thường được làm bằng gỗ hoặcbằng các chất liệu tổng hợp (ví dụ như cốt vợt Cacbon mà hiện nay rất nhiều người đang sử dụng).
- Mặt vợt: Được dán một lớp mút gai thuận hoặc ngược tùy vào sở thích và sở trường kỹ chiến thuật của mỗi VĐV bóng bàn.
Kích thước, hình dáng và trọng lượng của vợt bóng bàn không hạn chế.
Hiện nay có 2 loại vợt bóng bàn cơ bản: Vợt dọc và vợt ngang. Các VĐV bóng bàn dựa và khả năng kỹ chiến thuật và cách đánh khác nhau mà lựa chọn sử dụng vợt có tính năng khác nhau. Vợt mút gai thuận (gai quay ra ngoài) có đặc điểm là tính đàn hồi tốt, đánh bóng chắc và tốc độ nhanh rất thích hợp cho những VĐV có lối đánh tấn công nhanh gần bàn. Còn vợt mút gai ngược có đặc điểm tạo độ xoáy rất cao khi đánh bóng rất thích hợp cho những VĐV líp bóng đường cong và cắt bóng.
V. Sân thi đấu.
Sân thi đấu bóng bàn có hình chữ nhật, chiều dài 14m, chiều rộng tối thiểu 7m, chiều cao của dàn đèn chiếu tối thiểu 4m. Trong thi đấu chính thức, quanh sân thi đấu không được có nguồn sáng chói, đồng thời mặt sàn không được phủ màu trắng tránh ảnh hưởng tới khả năng thi đấu của VĐV.
VI. Góc độ mặt vợt.
Góc độ mặt vợt là chỉ góc hình thành bởi mặt vợt và mặt bàn bóng. Trong thi đấu VĐV muốn biến đổi góc độ mặt vợt để đỡ hoặc đánh trả đối phương nhằm tạo ra đường bóng có tính năng khác nhau nên góc độ mặt vợt thường xuyên biến đổi.
+ Góc giữa vợt với mặt bàn <30 độ: Mặt vợt nghiêng trước.
+ Góc giữa vợt với mặt bàn 30-:-45 độ: Mặt vợt hơi nghiêng trước.
+ Góc giữa vợt với mặt bàn =90 độ: Mặt vợt thẳng đứng.
+ Góc giữa vợt với mặt bàn =120 độ: Mặt vợt hơi ngửa sau.
+ Góc giữa vợt với mặt bàn =150 độ: Mặt vợt ngửa sau.
VII. Điểm tiếp xúc khi đánh bóng.
Là chỉ sự tiếp xúc của vợt vào bóng khi đánh bóng. Cứ hình dung mặt cắt ngang qua trái bóng bàn giống như mặt của cái đồng hồ thì từ số 12 đến số 1 gọi là phần trên bóng, từ số 1 đến số 2 gọi là phần trên giữa bóng, số 3 là giữa bóng, số 4 đến số 5 giữa dưới bóng và số 6 là phần dưới bóng.
VII. Các thao tác kỹ thuật trong đánh bóng bóng bàn.
Mặc dù động tác kỹ thuật và phương pháp đánh bóng bàn rất đa dạng và phong phú, nhưng về cấu trúc động tác lại có những quy luật chung bao gồm các động tác sau:
- Lựa chọn vị trí trước khi đánh bóng.
- Đưa vợt và vung vợt đón bóng.
- Quyết định thời điểm đánh vào bóng.
- Vị trí tiếp xúc vào bóng, góc độ mặt vợt, phương hướng động tác vung vợt khi đánh bóng.
- Động tác vung vợt theo đà sau khi đánh bóng và trở về tư thế ban đầu.
IX. Độ xoáy của bóng.
Trong quá trình bay nếu bóng đánh đi xoay với tốc độ tương đối lớn và có tính chất xoay rõ rệt thì được gọi là bóng xoáy.
Độ xoáy của bóng khi đánh là một trong những nhân tố chủ yếu góp phần giành thắng lợi của môn bóng bàn. Các loại kỹ thuật chủ yếu của môn bóng bàn hiện đại đều không tách rời khỏi bóng xoáy. Vì vậy muốn đánh bóng bàn tốt thì cần phải nghiên cứu thật kỹ nguyên lý xoáy của bóng trong môn bóng bàn.
NGUYÊN LÝ XOÁY TRONG MÔN BÓNG BÀN
1. Cách tạo đường bóng đi xoáy.
Trong thời điểm khi mặt vợt tiếp xúc với bóng, nếu như phương hướng đánh của vợt đi dúng qua tâm bóng thì vợt tác dụng vào bóng 1 lực F làm bóng bị đánh đi không có độ xoáy.
Nếu như phương hướng đánh của vợt không đi đúng qua tâm bóng thì ngoài lực tác động vào bóng F còn tạo ra một lực ma sát với bóng làm cho bóng khi bật khỏi vợt có độ xoáy.
2. Các loại xoáy chủ yếu.
Theo thói quen người ta chia các loại xoáy cơ bản của bóng thành 3 loại chính: Xoáy lên, xoáy xuống và xoáy ngang.
a. Xoáy lên.
Khi vợt tiếp xúc vào bóng, ngoài lực ra trước còn có lực ma sát của vợt với bóng theo hướng từ dưới lên trên làm cho bóng đi có hướng xoáy lên trên.
b. Xoáy xuống.
Khi vợt tiếp xúc vào bóng, ngoài lực ra trước còn có lực ma sát của vợt với bóng theo hướng từ trên xuống dưới làm cho bóng đi có hướng xoáy xuống dưới.
c. Xoáy sang bên (xoáy nghiêng).
Khi vợt tiếp xúc vào bóng, ngoài lực ra trước còn có lực ma sát của vợt với bóng theo hướng sang trái hoặc sang phải làm cho bóng khi bay đi có xu hướng xoay sang bên. Trong đó lực ma sát được phát sinh ra giữa vợt và bóng có hướng sang trái sẽ làm cho bóng xoáy bên trái và ngược lại.
d. Xoáy nghiêng lên, xoáy nghiêng xuống
Trong thực tế đánh bóng thường còn ma sát vào phía trên cạnh bên hoặc phía dưới cạnh bên của bóng. Nếu ma sát phía trên cạnh bên thì bóng xoáy nghiêng lên trên, nếu ma sát vào phía trên cạnh bên trái bóng sẽ tạo ra xoáy nghiêng lên bên trái, …tương tự như vậy có thể tạo ra xoáy xuống bên phải, xoáy lên bên phải, xoáy xuống bên trái.
e. Xoáy thuận và xoáy nghịch.
Đây là 2 loại xoáy khó xuất hiện cũng như các VĐV rất khó tạo ra được trong thực tế tập luyện và thi đấu. Phương hướng xoay của bóng nếu nhìn chính diện từ đằng sau nếu quay xuôi kim đồng hồ thì gọi là xoáy thuận, ngược lại là xoáy nghịch.
Mặc dầu hai loại đường bóng xoáy này không dễ xuất hiện nhưng lại thưòng xuất hiện hỗn hợp với các đường bóng xoáy nghiêng, xoáy lên, xoáy lên bên cạnh, xoáy xuống bên cạnh. Trong đường xoáy nghiêng, xoáy lên, xoáy xuống bên cạnh thường có thành phần xoáy thuận và xoáy nghịch. Vì vậy trong bóng bàn hiện đại, đường xoáy của bóng có thể phân nhỏ làm 26 loại.
NGUYÊN LÝ XOÁY TRONG MÔN BÓNG BÀN
3. Tính chất của bóng xoáy.
Khi có độ xoáy, bóng sẽ bật trên bàn và bật trở lại từ mặt vợt của đối phương khác hẳn so với khi không xoáy
a. Đặc điểm xoay của bóng xoáy.
Bóng không xoáy khi bay chỉ chịu phản lực là lực cản chính diện của không khí nên tốc độ bay giảm dần. Còn bóng xoáy khi bay làm cho khong khí xung quanh nó hình thành dòng hoàn lưu (xoáy tròn), như vậy bóng xoáy trong khi bay ngoài lực cản chính diện của không khí còn chịu một lực vuông góc với hướng bay của bóng.
* Đặc điểm bay của bóng xoáy lên.
Khi bóng xoáy lên trong lúc bay phương của áp lực bên cạnh có hướng đi xuống dưới nên bóng có đặc điểm tăng nhanh độ rơi xuống, tăng độ cong của đường vòng cung, rút ngắn cự ly của bóng đánh ra, giảm bớt thời gian bay trên không của bóng. Vì vậy tốc độ bóng xoáy lên nhanh, độ cong lớn, tỷ lệ bóng tốt cao.
* Đặc điểm bay của bóng xoáy xuống.
Khi bóng bay xuống thì áp lực bên cạnh của dòng khí lưu có hướng đi lên. Vì vật đặc điểm bay của loại bóng này là giảm tốc độ rơi xuống của bóng, giảm độ vòng cung, kéo dài thời gian bay của bóng làm tăng cự ly của bóng đánh ra. Do đường vòng cung của bóng xoáy xuống không tốt, khi tốc độ nhanh dễ bay ra ngoài bàn, nhưng bóng xoáy xuống có tốc độ chậm thì lại tương đối vững và chắc bóng.
* Đặc điểm bay của bóng xoay nghiêng.
Áp lực bên cạnh của dòng khí lưu khi bóng xoáy nghiêng bên trái sẽ sang bên phải và ngược lại.
* Đặc điểm bay của bóng xoáy nghiêng lên và xoáy nghiêng xuống.
Do bóng xoáy nghiêng lên, xuống là tổng hợp của xoáy nghiêng với xoáy lên hoặc xoáy xuống. Do vậy trong khi bay bóng vừa có đặc điểm của bóng xoáy nghiêng vừa có đặc điểm của bóng xoáy lên hoặc xoáy xuống.
b. Đặc điểm bật bàn của bóng xoáy.
* Đặc điểm bật bàn của bóng xoáy lên.
Khi rơi chạm mặt bàn, do tác dụng lăn ra trước của thân bóng làm cho tốc độ sau khi bật lên tăng nhanh và có xu hướng lao ra trước. Cường độ xoáy lên của bóng càng lớn thì xu hướng lao trước càng nhanh và ngược lại.
* Đặc điểm bật bàn của bóng xoáy xuống.
Khi chạm mặt bàn do tác dụng của than bóng lăn ra sau nên tốc độ của bóng sau khi bật lên sẽ chậm lại, thiếu sức lao trước và thường làm cho đối phương khó có thể dùng sức mạnh để đánh vào bóng được.
* Đặc điểm bật bàn của bóng xoáy nghiêng.
Khi chạm mặt bàn, do điểm đầu trục quay của bóng tiếp xúc với mặt bàn không có tác dụng lăn nên đặc điểm bật bàn giống với bóng không xoáy. Nhưng trong thực tế đánh bóng, bóng xoáy nghiêng thường có lại có cả thành phần xoáy thuận hoặc xoáy nghịch, do xoáy thận hay xoáy nghịch thường vị trí có tốc độ xoáy lớn nhất ngoài thân bóng tiếp xúc với mặt bàn nên bóng sau khi bật bàn có độ nghiêng về một bên rõ rệt, bóng xoáy thuận sau khi bật bàn sẽ lao sang phải, bóng xoáy nghịch sau khi bật bàn sẽ lao sang trái.
c. Đặc điểm bật trở lại trên mặt vợt của bóng xoáy.
* Đặc điểm bật trở lại trên mặt vợt của bóng xoáy lên.
Khi tiếp xúc với mặt vợt, bóng xoáy lên có xu hướng lăn lên phía trên và bật trở lại theo hướng lên trên làm cho bóng đánh trả dễ bị quá cao, thậm chí bay khỏi bàn. Vì vậy khi dùng các phương pháp đánh trả bóng xoáy lên đòi hỏi phải điều chỉnh góc độ vợt đồng thời tăng sức mạnh xuống dưới để triệt tiêu lực bật lên trên của bóng xoáy lên.
* Đặc điểm bật trở lại trên mặt vợt của bóng xoáy nghiêng.
Khi tiếp xúc với mặt vợt bóng xoáy xuống có xu hướng lăn xuống phía dưới và bật trở lại theo hướng xuống dưới, khi đánh trả dễ bị chúc lưới. Vì vậy khi dùng các phương pháp đánh trả bóng xoáy xuống đòi hỏi phải điều chình góc độ mặt vợt đồng thời tăng lực lên trên để triệt tiêu lực chúc xuống dưới của bóng xoáy xuống.
* Đặc điểm bật trở lại trên mặt vợt của bóng xoáy nghiêng.
Khi tiếp xúc với mặt vợt của đối phương bóng xoáy nghiêng có xu hướng lăn về 1 phía (phải hoặc trái) dễ làm cho đối phương đỡ bóng bắn lệch ra ngoài bàn.
Do vậy khi đánh trả bóng xoáy nghiêng cần điều chỉnh mặt vợt nghiêng về phía ngược lại với hướng lệch sang bên của bóng xoáy nghiêng đồng thời tăng thích đáng lực ngược hướng này để triệt tiêu lực bắn lệch sang một phía của bóng xoáy nghiêng.
* Đặc điểm bật trở lại của bóng xoáy nghiêng xoáy lên và xoáy nghiêng xoáy xuống.
Bằng cách phân tích tương tự như trên, bóng xoáy nghiêng xoáy lên bên trái khi tiếp xúc với mặt vợt cũng bắn lệch lên trên phía bên trái.
Cũng cách phân tích như trên các bạn cũng luận ra được đặc điểm bật trở lại trên vợt đối với các loại bóng xoáy khác thôi.
4. Phân khu vực trên bề mặt bóng xoáy
Khi bóng xoáy, mức độ bật lên khác thường trên mặt bàn và mức độ bắn lệch sang bên trên mặt vợt đều tỷ lệ thuận với tốc độ xoáy ở vị trí bóng tiếp xúc với mặt bàn và mặt vợt.
Trên quả bóng xoáy được phân làm 4 khu vực:
+ Khu vực xoáy nhanh nhất là khu vực mà ở đó có tốc độ quay là lớn nhất, nếu bóng xoáy nghiêng tiếp xúc với mặt bàn ở khu vực này sẽ bật sang 1 bên với tốc độ đột ngột và nhanh nhất.
Khi đánh trả bóng xoáy nếu đánh vào khu vực này thì dễ bị “ăn xoáy” nhất.
+ Khu vực xoáy nhanh là khu vực mà ở đó tốc độ quay nhanh nhưng chậm hơn so với khu vực xoáy nhanh nhất. Nếu bóng xoáy nghiêng tiếp xúc với mặt bàn ở khu vực này thì bóng sẽ bật sang bên rõ rệt.
Khi đánh trả bóng xoáy, nếu đánh vào khu vực này vẫn bị ăn xoáy như thường.
+ Khu vực xoáy yếu: Là khu vực mà ở đó tốc độ quay tương đối nhỏ. Nếu bóng xoáy tiếp xúc với mặt bàn ở khu vực này thì hiện tượng bóng bật sang bên không rõ lắm.
+ Khu vực xoáy rất yếu (chậm): Là khu vực mà ở đó bóng xoáy với tốc độ nhỏ, nếu bóng xoáy nghiêng tiếp xúc với mặt bàn ở khu vực này thì bóng sẽ bật sang bên không rõ ràng. Khi đánh trả nếu có khả năng thì tốt nhất là đánh vào khu vực này để không bị tác dụng của xoáy.
MỘT SỐ THUẬT NGỮ BÓNG BÀN
1./ Tốc độ của bóng
Tốc độ đánh bóng nhanh là một trong những nhân tố chủ yếu để giành thắng lợi trong môn bóng bàn, tạo cơ hội trong đập vụt tấn công đưa đối phương vào thế bị động để giành điểm trực tiếp.
Trong vật lý, tốc độ chuyển động của vật thể được xác định bằng quãng đường đi trong 1 đơn vị thời gian. Như vậy trong 1 đơn vị thời gian mà quãng đường đi được của vật thể càng dài thì tốc độ của nó càng nhanh và ngược lại.
Tốc độ trong môn bóng bàn chỉ mức độ nhanh chậm về thời gian bay của bóng và thời gian xen kẽ giữa các lần đánh bóng. Thời gian bay của bóng trên không và thời gian giữa các lần đánh bóng được gọi là tốc độ nhanh ví dụ: đẩy bóng nhanh, vẩy bóng nhan, tấn công nhanh…
Vì vậy muốn nâng cao tốc độ trong bóng bàn cần thiết phải rút ngắn thời gian giữa các lần đánh bóng, thời gian bay của bóng sau khi bóng đánh khỏi tay sang bàn đối phương.
2./ Sức mạnh đánh bóng
Sức mạnh đánh bóng là một trong những nhân tố chủ yếu góp phần giành thắng lợi trong môn bóng bàn. VĐV có sức mạnh đánh bóng tốt thì khi gặp cư hội thuận lợi thì chỉ cần một lần dứt điểm đã giải quyết được vấn đề, ngược lại VĐV có sức mạnh đánh bóng yếu khi gặp cơ hội thì phải tấn công liền mấy quả cũng chưa chắc giành được chủ động đành bỏ lỡ cơ hội. Nói chung sử dụng tốt sức mạnh trong đánh bóng có thể tạo sức uy hiếp lớn với đối phương, dễ chiếm ưu thế trong đánh bóng. Trung Quốc là nước từ trước đến giờ luôn luôn coi trọng sức mạnh trong đánh bóng và coi đó như một tiêu chí để nghiên cứu tìm hiểu, phân loại và đánh giá trình độ cao thấp của các VĐV trong kỹ thuật đánh bóng.
Tốc độ và sức mạnh trong đánh bóng chủ yếu được quyết định bởi tốc độ ra vợt ở thời điểm đánh vào bóng lớn hay nhỏ (xung lực). Vì vậy muốn có tốc độ tốt trong đánh bóng cần phải nâng cao các tố chất thể lực như: tố chất tốc độ, tố chất sức mạnh đặc biệt là xung lực khi tiếp xúc vào bóng và năng lực phối hợp nhịp nhàng của toàn thân.
3./ Đường bay của bóng
Trong quá trình bay trong không khí, do bóng chịu tác động của lực hút trọng trường mà tạo thành 1 đường bay vòng cung, ta gọi đó là đường bay vòng cung của bóng.
Do vị trí tiếp xúc khi đánh vào bóng phần lớn thấp hơn mặt lưới nên đường bay vòng cung của bóng tốt phải đảm bảo điều kiện để bóng bay qua lưới và rơi xuống bàn của đối phương với độ cao và điểm rơi thích hợp, đồng thời phải tăng được độ khó khi đánh trả.
Độ cao đường vòng cung của bóng cần phải cao hơn mặt lưới nhưng không được quá cao mà tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương tấn công.
Độ cao vòng cung của đường bóng được quyết định bởi hướng đánh và tốc độ bóng sau khi rời khỏi mặt vợt. Tốc độ bay của bóng càng nhanh thì độ cong của đường bay càng nhỏ, đường bắn thẳng càng ngắn và ngược lại. Trong bóng bàn đường bắn thẳng của bóng không nên quá dài hoặc quá ngắn, nếu quá dài bóng dễ bay ra ngoài bàn, quá ngắn bóng dễ không qua lưới. Điều cần lưu ý là bóng xoáy lên có thể làm cho độ cong của đường bay vòng cung lớn thêm, đường bắn thẳng ngắn lại còn bóng xoáy xuống thì ngược lại.
4./ Đường đánh bóng
Đường đánh bóng của bóng bàn chỉ đường bay của bóng trên không so với mặt bàn bóng. Theo thói quen lấy phương hướng và vị trí đứng giữa bàn bóng của người đánh bóng làm chuẩn, có thể chia làm 5 đường đánh bóng cơ bản: Đường chéo trái, đường thẳng trái, đường trung lộ, đường chéo phải và đường thẳng phải.
Trong thi đấu nếu VĐV giỏi về việc thay đổi đường bóng có thể điều động được đối phương phải chạy liên tục sang trái, sang phải để đỡ bóng, đồng thời buộc đối phương phải đánh bóng thay đổi thuận tay và trái tay tạo cơ hội chủ động trong dứt điểm.
5./ Điểm rơi của bóng.
Điểm rơi của bóng là chỉ điểm tiếp xúc của bóng trên mặt bàn bóng. Trong thi đấu nếu vận dụng tốt đường bóng, chủ động điều chỉnh hợp lý điểm rơi của bóng có thể tăng thêm độ khó buộc đối phương phải sang trái, sang phải, lên, xuống trước sau phá vỡ ý đồ chiến thuật của đối phương.