Xã hội hóa nhưng đào tạo vẫn yếu
Năm 2007, T&T Hà Nội gia nhập làng bóng bàn đỉnh cao VN bằng việc chiêu mộ cây vợt vang bóng một thời Vũ Mạnh Cường (Hải Dương) về đầu quân. Song song với việc thi đấu, Vũ Mạnh Cường còn được giao trọng trách đào tạo tuyến trẻ kế thừa. Mới đây, CLB này tiếp tục chi mạnh tay để có được chữ ký của 2 tuyển thủ quốc gia (QG) Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng (Hà Nội). Nhờ đó T&T Hà Nội trở thành ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch QG.
Tiếp bước T&T Hà Nội, CLB Tập đoàn dầu khí VN cũng gia nhập làng bóng bàn đỉnh cao VN bằng việc tậu về tay vợt đương kim số 1 VN Đoàn Kiến Quốc (Khánh Hòa). Cùng với Kiến Quốc là Hồ Ngọc Thuận (Bộ Công an) và mới đây, đội này lại chi mạnh tay để mang về 2 hảo thủ trẻ đến từ Bộ Công an là Đào Duy Hoàng và Tô Đức Hoàng. Trước đó, Viễn thông TP.HCM nhiều năm liền bỏ tiền tài trợ cho bóng bàn nữ TP.HCM nhằm giữ chân hai cây vợt nữ hàng đầu VN là Mai Hoàng Mỹ Trang và Mai Xuân Hằng.
Thế nhưng, dù các CLB được xã hội hóa nhưng công tác đào tạo đến nay vẫn phát triển ì ạch, nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ. Nhiều năm liền vẫn chưa có những gương mặt sáng giá nào nổi lên, mà vẫn cứ loay hoay với các tên tuổi cũ. Thậm chí đến nỗi Vũ Mạnh Cường đã gần 40 tuổi vẫn phải được đăng ký thi đấu để lấy thành tích. Trách nhiệm này rõ ràng thuộc về Tổng cục TDTT và LĐ Bóng bàn VN chưa mạnh dạn đổi mới, chưa đầu tư thỏa đáng nên trình độ bóng bàn VN vẫn chưa được cải thiện.
Lão tướng Vũ Mạnh Cường vẫn phải “cày ải” để lấy thành tích - Ảnh: Bạch Dương
|
Bỏ lỡ cơ hội lên chuyên nghiệp
Năm 2010, những người quan tâm đến bóng bàn VN khấp khởi vui mừng khi lần đầu tiên các CLB trong nước được quyền thuê VĐV nước ngoài về thi đấu tại giải Cây vợt vàng. Giải đấu thành công với chất lượng chuyên môn cao và thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ.
Khi đó Tổng thư ký LĐ Bóng bàn VN Phạm Đức Thành cho biết sẽ nhanh chóng xây dựng quy chế chuyên nghiệp để các CLB trong nước có thể chuyển nhượng hoặc thuê ngoại binh. Các CLB nghe vậy cũng sốt sắng chuẩn bị thuê mướn ngoại binh nhằm tranh tài ở các giải đấu trong và ngoài nước. CLB Tập đoàn dầu khí VN thậm chí còn tính đến chuyện mua đứt 2 tay vợt đến từ Trung Quốc về thi đấu cho CLB. Vậy mà đến nay quy chế chuyển nhượng vẫn chưa ra đời. Đã vậy giải đấu hấp dẫn nhất trong năm của bóng bàn VN là giải vô địch QG, các CLB trong nước không được phép thuê VĐV nước ngoài thi đấu.
Giải thích về điều này, ông Thành cho biết việc cho phép các CLB sử dụng ngoại binh sẽ… tính sau vì đây là thời điểm chưa thích hợp. Còn về việc chuyển nhượng VĐV trong nước, ông Thành cho rằng LĐ sẽ bàn tính ở đại hội LĐ Bóng bàn VN sắp diễn ra. Do đó hiện nay các CLB trong nước tự mò mẫm thuê mướn nội binh theo kiểu truyền thống là thỏa thuận giữa hai đơn vị mà không hề theo quy chế, quy định nào rõ ràng. Việc tranh chấp VĐV trong làng bóng bàn VN chưa xảy ra như bóng chuyền, bóng đá, xe đạp nhưng nếu LĐ Bóng bàn VN không kịp thời có quy chế chuyển nhượng dễ nảy sinh nhiều rối rắm một khi có tranh chấp.
Hoàng Quỳnh
Dung Bóng Bàn.