/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Vợt bóng bàn kỳ lạ

 Vợt bóng bàn kỳ lạ

Do đặc thù của cây vợt bóng bàn có thể tạo những độ xoáy khác nhau, nên các tay vợt thường dựa vào đó để tạo ra những chiêu trò lạ lùng, mà nếu không tinh ý thì đối phương chắc chắn sẽ nhận lấy phần thua. Người được xem là có nhiều chiêu trò độc nhất của bóng bàn VN là tay vợt Trần Tuấn Anh B của đội Công an nhân dân (CAND).

Tại giải bóng bàn Đại hội TDTT toàn quốc năm 1995 diễn ra tại Hà Nội, dù ở độ tuổi 45, tay vợt này thể hiện lối đánh cắt bóng phòng thủ với một mặt gai tấn công và một mặt gai phản xoáy đã đánh bại rất nhiều tay vợt trẻ trong đội tuyển VN và chỉ chịu thua người đồng đội Lý Minh Triết trong trận chung kết. Chiêu trò của Trần Tuấn Anh B là sử dụng 2 cây vợt giống nhau. Nhưng một cây là mặt gai tấn công màu đỏ và mặt gai phản xoáy màu đen. Một cây vợt khác thì ngược lại, mặt gai tấn công màu đen và mặt gai phản xoáy màu đỏ.

Khi ấy, luật thi đấu cho phép các tay vợt được cầm vợt vào khu vực kỹ thuật (chỗ đứng nghe chỉ đạo của HLV hoặc đặt các vật dụng phục vụ cho trận đấu) mỗi khi giải lao nên vô tình đã giúp Trần Tuấn Anh B sử dụng mánh khóe của mình. Khi đối phương đã quen với những quả xoáy khác nhau từ các mặt vợt thì Tuấn Anh B tung chiêu. Gặp các tình thế bất lợi ở những thời điểm quyết định gần cuối trận đấu, Tuấn Anh B bất ngờ xin tạm dừng trận đấu. Lúc đó ai cũng nghĩ tay vợt kỳ cựu thấm mệt nên muốn tranh thủ dừng trận để... thở chứ không nghĩ anh khéo léo tiến gần đến túi đựng đồ của mình, giả vờ buông cây vợt rơi vào túi, xong lấy khăn lau mồ hôi rồi thò tay vào túi lấy cây vợt thứ hai ra.

Vì hai mặt vợt cũng có màu giống nhau nên ít ai chú ý Tuấn Anh B đã đổi vợt rất nhanh. Chính sự xuất hiện của cây vợt thứ hai đã tạo ra lực đánh xoáy mới khiến đối thủ lúng túng, bất ngờ và không phán đoán được đường bóng. Thế là Tuấn Anh B nhanh chóng lật ngược tình thế một cách ngoạn mục để chuyển bại thành... thắng.

vot bong ban

“Tuyệt chiêu” đổ mồ hôi tay

Một tay vợt khác cũng từng gây đình đám ở những năm cuối thập niên 1990 là Huỳnh Quốc Bình của đội An Giang. Do có bệnh phong thấp nên tay anh đổ mồ hôi rất nhiều. Nhưng cũng chính căn bệnh này lại đem đến... nhiều chiến thắng cho Quốc Bình trước các tay vợt hàng đầu lúc đó như Vũ Mạnh Cường, Lý Minh Triết hay Đoàn Kiến Quốc ngay tại giải vô địch quốc gia. Trong những lần cầm giao bóng, do mồ hôi tay của Quốc Bình ra quá nhiều làm trái bóng bị ướt và khiến đối phương liên tục đánh bóng rút vào lưới ngay từ cú giật bóng đầu tiên. Vì khi trái bóng bị ướt sẽ không có được sự ma sát khi tiếp xúc vào mặt vợt. Điều này đã giúp Quốc Bình gần như đấu đến đâu thắng đến đó.

Việc sử dụng quả bóng bị ướt do mồ hôi tay vào thời đó không gặp bất cứ sự kiện cáo nào vì luật lúc ấy không cấm, hơn nữa do đây là tình trạng bệnh lý của Quốc Bình nên dù có phát hiện và bắt anh lau bóng trước khi đánh thì khi Bình cầm bóng vẫn bị dính mồ hôi. Lúc đó có VĐV biết được trái bóng trong tay của Quốc Bình muốn chế ngự được phải sử dụng vợt mặt gai. Với loại vợt này, khi bóng ướt sẽ vẫn đánh được như bình thường. Thế nhưng chỉ chế ngự thôi thì cũng chẳng giải quyết được gì vì vợt mắt gai không thể tấn công tốt, không lẽ cứ chấp nhận phòng thủ nhìn đối phương đánh. Vậy là nhiều tay vợt vẫn phải “ôm hận” sử dụng mặt vợt cao su với hy vọng lấy công bù thủ để hạn chế “tuyệt chiêu” của Quốc Bình.

"Kỳ quan bóng bàn" Lê Văn Tiết: Tin vào cơ hội vươn tầm thế giới

Sự nghiệp của Lê Văn Tiết thực sự là mơ ước của tất cả các tay vợt hiện nay. Bên bàn bóng, ông gây dựng tên tuổi bằng lối đánh phản công chưa từng xuất hiện trong làng bóng bàn thế giới, gặt hái những danh hiệu đáng mơ ước như vô địch đồng đội nam Á vận hội 1958, vô địch đơn nam Giải Bóng bàn quốc tế Pháp mở rộng 1959 (một trong số ít giải đấu bóng bàn danh giá nhất thế giới lúc bấy giờ) khi mới 20 tuổi.

Le Van Tiet

Nhắc đến việc khai sinh lối đánh phản công, ông cười sảng khoái: "Đó là sự tình cờ không thể tin nổi!". Tất cả bắt nguồn từ việc bố ông chuyển từ chơi quần vợt sang bóng bàn cho đỡ tốn kém. Đến lúc dạy cậu con trai chơi bóng bàn, ông mang luôn cả lý thuyết quần vợt vào "chương trình giảng dạy". Đòn đánh của quần vợt vốn dựa vào sức mạnh, được áp dụng vào các mảng miếng bóng bàn. Nhờ vậy, quả đánh của Lê Văn Tiết đầy sức mạnh và với "bộ pháp" nhanh nên ông dễ dàng chơi phản công. Thời đó, bóng bàn chỉ có xu hướng hoặc tấn công hoặc phòng thủ, lối đánh phản công của Lê Văn Tiết hoàn toàn lạ lẫm. Chuyện một tay vợt đang ở thế phòng ngự bỗng tấn công với tốc độ và sức mạnh không kém khiến các cao thủ đều bối rối.

Chính nhờ lối đánh này mà ông Lê Văn Tiết đã gây dựng tên tuổi: 17 tuổi, đã là tay vợt trẻ nhất được gọi vào đội tuyển dự giải quốc tế. Năm 19 tuổi, ông đả bại 2 tay vợt người Nhật Bản là T.Tanaka (đương kim vô địch thế giới), Sunoda tại chung kết đồng đội Á vận hội năm 1958 diễn ra ngay ở Tokyo (Nhật Bản), tạo nên một cú sốc lớn trong làng bóng bàn thế giới. Một năm sau đó, ông lại gây sốc khi hạ tay vợt Nhật Bản Murakami ở chung kết Giải Bóng bàn Pháp mở rộng khiến chính huyền thoại bóng bàn người Nhật Bản khác là Ogimura phải thốt lên rằng: "Đây là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi từng chứng kiến".

Lê Văn Tiết kể rằng, ngay sau trận chung kết Á vận hội 1958 một ngày, truyền hình Nhật Bản đã phân tích rất kỹ về ông. Chính nhờ sự cầu thị của người Nhật Bản mà lối chơi phản công của ông chỉ thực sự hữu hiệu trong 3 năm, từ 1957 đến 1959. Sau đó, chính người Nhật Bản đã nghĩ ra cú giật cầu vồng có độ xoáy và tốc độ bóng đi chậm để vô hiệu hóa những cú phản đòn nhanh, mạnh của ông. Thực sự, người Nhật Bản đã thành công với lối đánh này song rõ ràng, nếu không có lối chơi phản công của ông Lê Văn Tiết thì chưa chắc một đòn đánh mới trong làng bóng bàn thế giới là giật cầu vồng đã ra đời.

Dù vậy, vị cựu danh thủ vẫn hy vọng bóng bàn Việt Nam sẽ không quá lép vế trước Nhật Bản nếu các HLV biết điều chỉnh lối chơi cho VĐV một cách phù hợp. Theo ông, chỉ có chặn đẩy gần bàn hoặc thi đấu xa bàn mới là cách chơi để bóng bàn đỉnh cao Việt Nam thoát khỏi sự lép vế ở sân chơi châu lục hiện nay. "Nếu chỉ trông vào lối chơi ở cự ly trung bình thì các tay vợt Việt Nam sẽ còn khó khăn bởi họ không đủ trình độ để chống lại những cú đánh uy lực của các tay vợt thế giới hiện nay. Vấn đề là bóng bàn Việt Nam phải đủ HLV có tài để điều chỉnh cho VĐV. Tôi tin bóng bàn Việt Nam vẫn có cơ hội vươn tầm thế giới".

 

Hiện giờ, Lê Văn Tiết vui cùng trái bóng nhựa qua những giờ dạy bóng bàn đều đặn. Lần này, ra Hà Nội thi đấu lần đầu tiên, được gặp bạn bè, người hâm mộ, ông tỏ rõ sự hài lòng với những gì đã làm được trong nghiệp VĐV. Ông chỉ mong sẽ có người lại làm rạng danh bóng bàn Việt Nam, như những gì mà ông, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được… đã từng làm.

Ngày 28-12, hai “đại lão gia” bóng bàn VN Lê Văn Tiết và Trần Cảnh Đến đồng loạt tái xuất sau hơn 40 năm vắng bóng để mang lại sự hào hứng cho khán giả ở Giải vô địch diễn đàn bóng bàn Việt Nam lần thứ 8 tranh Cúp báo Công An Nhân Dân (Việt Nam Open 2014) tại nhà thi đấu Cầu Giấy (Hà Nội).

Sự xuất hiện của hai cây đại thụ ở tuổi thất thập cổ lai hi này thật sự đặc biệt, gợi nhớ một quá khứ huy hoàng của bóng bàn VN. Lê Văn Tiết được mệnh danh “kỳ quan bóng bàn thế giới” với lối phòng ngự phản công độc nhất vô nhị đã mang về cho VN chức vô địch Asiad 1958 tại Tokyo, HCĐ thế giới 1959 tại Đức... Cũng năm 1959, Trần Cảnh Đến đã đăng quang nội dung đồng đội tại SEAP Games.

Ở tuổi 77, ông Tiết dĩ nhiên không còn nhanh nhẹn nên ban tổ chức phải bố trí người hỗ trợ lượm banh cho ông thi đấu. Nhưng chỉ cần đứng tại chỗ, ông vẫn khuất phục đối thủ với ngón sở trường “gò - công” và phản công từng ghi tên mình vào lịch sử bóng bàn thế giới. Kết quả là ông Tiết đã đoạt ngôi á quân đơn nam lãnh đạo hạng A.

Ông Tiết tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi thi đấu thật sự sau gần 45 năm. Nó mang lại cảm giác rất phấn khích nhưng nói thật là tôi rêm cả người. Không ngờ trong đời tôi có được một lần vinh hạnh như thế này. Đây sẽ là sự kiện tôi nhớ suốt đời, bên cạnh những vinh quang trong quá khứ”.

* Ở nội dung Các tay vợt xuất sắc toàn quốc, tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang (đội Petrosetco TP.HCM) đã đoạt ngôi vô địch đơn nữ sau màn trình diễn ấn tượng, thắng tuyệt đối cả tám trận tại giải. Chức vô địch đơn nam thuộc về tay vợt trẻ Đoàn Bá Tuấn Anh của Hải Dương.

 


Bài viết khác: