/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Vẫn mãi một tình yêu bóng bàn

 TTCT - Vài chục năm trước, họ được xem như những tượng đài của bóng bàn Việt Nam. Họ vừa gặp lại nhau để đấu giao hữu ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị thiên tai.

 

Hai danh thủ Lê Văn Tiết (áo sọc) và Trần Cảnh Đến tại buổi đấu bóng bàn từ thiện quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản - Ảnh: TR.D.

 

Ba trong số các nhân vật đó là ông Trần Văn Mỹ - thân sinh và cũng là thầy dạy bóng bàn cho tay vợt nổi tiếng Trần Tuấn Anh, “kỳ quan bóng bàn thế giới” Lê Văn Tiết - HCV Asiad Tokyo năm 1958, từng xếp hạng 6 thế giới và ông Trần Cảnh Đến - HCV SEAP Games 1959, hạng 28 thế giới.

Là trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM giai đoạn 1976-1990 và góp phần khai sinh giải bóng bàn Cây vợt vàng, ông Mỹ trông vẫn còn khỏe ở tuổi 81 nhờ thường xuyên tập luyện thể thao và sinh hoạt điều độ. Hiện ông là chủ nhiệm CLB bóng bàn Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Hôm nghe có trận đấu này, ông thu xếp việc riêng để đến và cũng như bao người hâm mộ, ông đã có một buổi sáng mãn nhãn.

 

Ông Trần Văn Mỹ vẫn còn khỏe ở tuổi 81 - Ảnh: TR.D.

 

Thật vậy, ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, hai danh thủ Lê Văn Tiết và Trần Cảnh Đến vẫn nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng dù đường bóng của họ không còn mượt như xưa. Được ban tổ chức mời lên thi đấu biểu diễn hai ván, hai danh thủ này đã lần lượt dùng sở trường của mình để đáp lại sự chờ đợi của người hâm mộ, đặc biệt là độc chiêu “mượn sức phản đòn” của danh thủ Lê Văn Tiết.

Ông Huỳnh Quang Trinh (70 tuổi, quê ở Bến Tre) vừa xem thi đấu vừa tấm tắc khen: “Mấy chục năm trước đây, tôi biết các danh thủ này qua báo chí chứ chưa từng xem thi đấu như thế này. Giờ xem họ biểu diễn thật đã mắt”.

Năm nay 74 tuổi, ông Tiết tìm thú vui tuổi già bằng việc dạy kèm bóng bàn cho một nhóm học viên biết tiếng ông đến thọ giáo và dạy thêm cho hai cháu gái tuổi chưa lên 10. So với những đồng đội cùng thời, ông Tiết có cuộc sống tương đối thoải mái hơn khi có căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Sơn (quận Tân Phú) đang cho thuê. Nhưng không vì thế mà ông mãn nguyện.

Ông Tiết tâm sự: “Sau khi được một số anh em yêu thích bóng bàn cho ra đời quyển sách Giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn vào năm 2005, hiện tôi đang ấp ủ ước mơ thực hiện tiếp quyển sách Thời vàng son của bóng bàn miền Nam Việt Nam với hi vọng để lại một cái gì đó cho hậu thế. Thú thật, đôi khi nghĩ lại tôi không khỏi ngậm ngùi khi thấy thế hệ ngày nay được tạo điều kiện tốt nhưng vẫn chưa có tay vợt nào làm rạng danh đất nước như thời của chúng tôi”.

Danh thủ Trần Cảnh Đến, 72 tuổi, nhớ lại: “Hồi còn học ở Trường Taberd, học sinh luôn được nhà trường tạo mọi điều kiện để tiếp xúc với thể thao, có lẽ nhờ vậy mà tránh xa được những cám dỗ. Tôi nghĩ nếu hiện nay mỗi trường phổ thông chỉ cần có hai bàn bóng bàn để học trò chơi, phong trào từ trường học chắc chắn sẽ phát triển và đó sẽ là đất ươm mầm tài năng”.

Lý giải về thực trạng bóng bàn Việt Nam ngày một hiếm tài năng, ông Đến cho rằng vấn đề nằm ở phong cách. Ông nói: “Cũng như bóng đá, bóng bàn ngày xưa mạnh bởi mỗi người đều có một phong cách riêng, do đó khi chạm trán với nhau các đối thủ quốc tế khó lòng thắng được hết tất cả. Giờ đây, các VĐV có kỹ năng cơ bản tốt hơn thế hệ chúng tôi ngày trước, nhưng đó chỉ là những bài bản học theo sách vở để chơi hay như sách vở thôi, chứ không phải chơi cho riêng mình để tạo ra những lối đánh lạ”.

Giữ mãi một tình yêu với bóng bàn nên ngày hai lượt ông Đến vẫn đến CLB bóng bàn Cung văn hóa Lao động (TP.HCM) để dạy bóng bàn và mong tìm được ai đó để truyền nghề.

TRUNG DÂN

theo baotuoitre

 


Bài viết khác: