/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Phê bình nghiêm khắc bộ môn và BHL đội tuyển bóng bàn

bóng bàn

Theo tuổi trẻ online

Đó là chỉ đạo của ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trong cuộc họp với bộ môn, ban huấn luyện (BHL) đội tuyển bóng bàn VN vào chiều 11- 5 vì để xảy ra mâu thuẫn không cần thiết trong quá trình tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games 28. Đồng thời lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng chốt danh sách VĐV bóng bàn tham dự SEA Games 28 căn cứ trên kết quả thi đấu nội bộ diễn ra từ ngày 5 đến 9-5.

Theo đó, đội tuyển bóng bàn sẽ dự SEA Games với 13 thành viên, trong đó có ba HLV gồm ông Nguyễn Đức Long - trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng, hai HLV Lê Xuân Phong (Quân Đội), Nguyễn Nam Hải (Hà Nội). 10 VĐV tham dự SEA Games 28 gồm: Nguyễn Anh Tú, Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh, Dương Văn Nam, Lê Tiến Đạt (nam), Nguyễn Thị Nga, Phan Hoàng Tường Giang, Mai Hoàng Mỹ Trang, Vũ Thị Hà, Phạm Thị Thiên Kim (nữ).

Ban đầu, bộ môn và BHL đội tuyển có ý kiến muốn “cứu” VĐV Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công An) để Việt Linh có tên trong danh sách đi SEA Games dù thành tích thi đấu nội bộ đứng thứ 6/6 VĐV nữ. Tuy nhiên theo quan điểm của Tổng cục TDTT, phải chọn những VĐV có thành tích tốt nhất trong cuộc đấu nội bộ. Do đó xét trên nhiều khía cạnh, BHL đội tuyển đã đề xuất và được Tổng cục TDTT đồng ý với phương án chọn VĐV đi SEA Games như trên. Việc Việt Linh ở nhà sẽ khiến đội bóng bàn nữ mất đi sức mạnh tại SEA Games 28, tuy nhiên theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, đội tuyển bóng bàn vẫn không được hạ chỉ tiêu, phấn đấu giành 1 HCB, 2 HCĐ.

doi tuyen bong ban

Để xảy ra những mâu thuẫn nội bộ dẫn đến việc sát ngày SEA Games diễn ra nhưng bộ môn bóng bàn vẫn phải để VĐV căng sức thi đấu nội bộ suốt bốn ngày để tìm ra người xứng đáng thuộc về trách nhiệm của bộ môn, BHL đội tuyển. Trong cuộc họp với Vụ Thể thao thành tích cao và lãnh đạo Tổng cục TDTT, nhiều ý kiến cho rằng bộ môn và BHL đội tuyển phải kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cá nhân ông Nguyễn Đức Long bị đánh giá có thái độ đùn đẩy trách nhiệm và chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu bộ môn bóng bàn.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong BHL đội tuyển bóng bàn cho biết nếu không xây dựng tiêu chí tuyển chọn VĐV rõ ràng và có kế hoạch tập trung đội tuyển tốt thì mâu thuẫn ở bóng bàn chưa thể chấm dứt sau SEA Games này. Vị này chia sẻ: “Việc “quân anh, quân tôi” ở bộ môn bóng bàn diễn ra rất rõ khiến việc tuyển chọn VĐV bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra khi lên tập trung cùng đội tuyển, nhiều VĐV cũng không tập luyện vì muốn giấu bài. Họ sợ tập sẽ bộc lộ hết bài ra thì khi về đấu giải quốc gia bị đồng đội bắt bài. Do đó dù có tập trung đội tuyển dài hạn để đi thi đấu quốc tế cũng không hiệu quả vì suy nghĩ mang tính địa phương như trên của các VĐV”.

 Đặc biệt, đây là môn mà người Việt từng một thời được thế giới biết đến với những cái tên như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết... Ấy vậy mà, giờ đây bóng bàn Việt Nam đang ở vực thẳm khi thành tích chẳng hơn ai, xuất ngoại thì để lại hình ảnh xấu (bỏ cuộc ở giải bóng bàn thế giới, đánh nhau tại giải vô địch Đông Nam Á...) và đến cả chuyện tuyển chọn VĐV để thành lập đội tuyển cũng không ổn.

bong ban viet nam
Xung quanh chuyện tuyển chọn VĐV thành lập đội tuyển, năm nay không phải là lần đầu tiên bóng bàn gặp rắc rối. Hơi thở SEA Games đã phả nóng hầm hập ngay sau gáy, thế mà chuyện tuyển chọn VĐV bằng phương thức nào vẫn cứ rối như canh hẹ. Để rồi mãi đến giờ chót thì mới quyết định các tay vợt đang có mặt trong đội tuyển (17 người bao gồm cả nam và nữ) phải thi đấu vòng tròn hai lượt để chọn ra năm nam, năm nữ đứng đầu đi SEA Games. Nhưng sau khi kết thúc hai vòng đấu tuyển chọn thì lại nảy sinh chuyện khác, đó là tay vợt Việt Linh - người rất hợp với Mỹ Trang trong việc đánh đôi, từng giành HCĐ đôi nữ Đông Nam Á - đã bị loại. Và thế là lại thêm một việc làm không giống ai: vận động một tay vợt nữ khác rút lui để nhường chỗ cho Việt Linh!

Xung quanh câu chuyện tuyển chọn VĐV đi SEA Games, dân làng bóng nhựa bàn tán rất nhiều. Và thật sự mọi chuyện cũng rất đơn giản chứ chẳng khó khăn gì, đó có thể là công bố một bảng điểm với quy định chi tiết như ba hạng đầu quốc gia được lần lượt bao nhiêu điểm, huy chương quốc tế bao nhiêu điểm... và cuối mùa ai cao điểm nhất thì được dự SEA Games. Hoặc phương án thi đấu vòng tròn như đã thực hiện cũng là điều hay, thậm chí có thể tổ chức thành giải để bán vé cũng tốt. Hoặc để phòng ngừa không bị rơi vào trường hợp oái ăm như Việt Linh thì ban huấn luyện có quyền chọn ba vị trí, hai vị trí còn lại sẽ là thi đấu tuyển chọn...

Tóm lại, phương án nào cũng được, miễn là tất cả phải được công khai minh bạch và từ sớm, ít nhất phải trước một mùa bóng cho các tay vợt chuẩn bị. Đằng này, chẳng hiểu sao những người có trách nhiệm của bộ môn bóng bàn thuộc Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng bàn VN cứ toàn để đến sát giờ mới ngồi bàn chọn phương án nào!?

Cuối cùng, sự thay đổi cần thiết nhất cho bóng bàn Việt Nam hiện nay đó là không phải đi tìm phương án tuyển chọn nào cho hợp lý trong việc thành lập lực lượng tham gia các giải đấu quốc tế, mà điều cần thay đổi nhất là những nhân vật đứng mũi chịu sào ở môn bóng bàn. Họ có nhiều sai sót rồi, sao cứ để mãi như thế?
 
Theo tuổi trẻ online

Bài viết khác: