Bản đồ bóng bàn VN đã được vẽ lại khi giải năm nay có sự xuất hiện của các đội bóng doanh nghiệp. Cuộc đua tới ngôi vô địch ở các nội dung vì thế cũng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Dù vậy, mục đích chính của giải là tìm kiếm nhân tố mới để bổ sung cho ĐTQG lại hoàn toàn thất bại, khi những thế lực mới vẫn phải dựa vào các nhân tố cũ...
Cuộc chiến tiền bạc
Trước khi các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư cho bóng bàn, giải VĐQG luôn là cuộc đua tranh giữa các ngành và địa phương như: Quân đội, Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Dương... Tuy nhiên, kể từ khi Tập đoàn DKQG đi tiên phong trong việc chuyển nhượng (mua tay vợt số 1 VN Đoàn Kiến Quốc), trật tự cũ đã được thay đổi. Giải VĐQG năm nay, ngoài Tập đoàn DKQG thì còn xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp khác và ngay lập tức giải được ví như cuộc chơi riêng của... khối doanh nghiệp.
Quả thực, hầu hết các đội bóng doanh nghiệp đều có những tên tuổi lớn của bóng bàn VN về đầu quân. Tập đoàn DKQG ngoài Kiến Quốc còn có Hồ Ngọc Thuận và 2 tay vợt trẻ Tô Đức Hoàng, Đào Duy Hoàng; HN T&T chiêu mộ Trần Tuấn Quỳnh và Phan Huy Hoàng. Sự đầu tư ngay lập tức mang lại hiệu quả rõ rệt. Quân đội đã có đối trọng và không còn “làm mưa, làm gió” như các giải trước để rồi chỉ giành HCV ở nội dung đồng đội nam. Sự lên ngôi của các đội bóng doanh nghiệp (đều có HCV) tạo nên hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn của bóng bàn VN. Đây là sự phát triển mang tính tất yếu bởi muốn tiến lên, bất cứ môn thể thao nào cũng cần phải có đầu tư thật tương xứng.
Âu lo cho ĐTQG
Giải đã diễn ra hấp dẫn nhưng về công tác tìm kiếm nhân tố mới bổ sung cho ĐTQG, các nhà tuyển trạch phải lắc đầu. Vẫn là những gương mặt quá cũ nhiều năm qua, thậm chí tay vợt đã “nghỉ hưu” và chuyển sang làm huấn luyện như Vũ Mạnh Cường (HN T&T) vẫn xuất hiện tại giải. Ai cũng biết mục đích chính trong sự xuất hiện của tay vợt gốc Hải Dương chỉ mang tính tinh thần nhưng điều đó cũng không thể che đi sự thiếu vắng nhân tố mới tại giải. Ở giải nam, Đoàn Kiến Quốc đi xuống thấy rõ vì tuổi tác và anh không giành được tấm HCV nào. Bên cạnh tuổi tác, chấn thương vai đã trở thành mãn tính cũng khiến Kiến Quốc không thể hiện được lối chơi đã làm nên thương hiệu của mình. Đáng tiếc là khi Kiến Quốc đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, vẫn không xuất hiện tay vợt trẻ nào sáng giá tại giải. Đã vậy, thế hệ sau anh với những Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh... cũng chuẩn bị bước sang tuổi 30. Ông Nguyễn Đức Long (Trưởng bộ môn bóng bàn TC TDTT) đánh giá: “Chắc cũng phải vài năm nữa, khi mà thế hệ trẻ đang được các CLB đào tạo, mới tìm ra gương mặt mới”.
Trong khi đó ở giải nữ, việc tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang chiếm thế thống trị với 4 chức vô địch ở các nội dung: đồng đội nữ, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nữ, đặc biệt là việc giành ngôi vô địch nội dung đơn nữ lần thứ 5 trong vòng 6 năm trở lại đây cho thấy ĐTQG vẫn phải dựa vào tay vợt này nhiều năm nữa. Ngay cả khi tay vợt trẻ Việt Linh (Bộ CA) xuất hiện với lối đánh cắt bóng khó chịu và đang là đối trọng với Mỹ Trang thì bản thân tay vợt trẻ này lại không thiết tha với việc lên tuyển.
|