1. Bất luận thế nào, vẫn phải thấy BBVN từng là niềm tự hào của người hâm mộ quê nhà, nếu không kể các tiền bối như Mai Văn Hòa, Bùi Đức Long, Mai Duy Dưỡng… ngay thế hệ tiếp theo như Nguyễn Ngọc Phan, Trần Tuấn Anh cũng rất đáng nể, rồi sau nữa, BBVN từng sở hữu 2 HCV đơn nam của Vũ Mạnh Cường ở SEA Games 18 và 21, HCV đơn nam của Tuấn Quỳnh ở SEA Games 22 và HCV đôi nam nữ của Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy ở SEA Games 19. Còn nữa, là hiện tượng Đoàn Kiến Quốc 2 lần dự Olympic và một số giải thưởng quốc tế khác, tuy nhiên BBVN hiện tại có dấu hiệu sa sút, thậm chí người ta đã rất cố gắng lấy tấm HCV đôi nam của Kiến Quốc- Quang Linh trên đất Lào vào năm ngoái để khỏa lấp sự yếu kém của bức tranh tồng thể BBVN đang ngả màu một cách ngậm ngùi. Dạo chơi trên mạng, có mấy ai quan tâm đến các giải đôi, từ BB đến quần vợt! Tuy nhiên, không chỉ có Việt Nam, trái lại đó là nét chung của bóng bàn khu vực.
Bảng xếp hạng hiện tại của ITTF, ngoại trừ sự thống trị của các cây vợt Trung Quốc ở giải đơn, đã thấy có dấu hiệu mới. Đó là sự chắc chắn của người Đức với hạng 4 của Boll Timo và hạng 13 của Ovtcharov Dimitri, sự vững vàng của tay vợt người Belarus Samsunov ở hạng 6 hay sự xuất hiện của Maze Michael (Đan Mạch) ở hạng 8 và tay vợt Nhật Bản Miru Tani Jun ở hạng 10. Cùng lúc là những xuất hiện le lói các gương mặt châu Âu ở Top 100. Trong khi đó, cặp Gao Ning và Yang Zi của Singpore từ vị trí hạng 7 và 26 buộc phải xuống 28 và 61, cùng lúc ấy thì “vũ như cẩn” là Kiến Quốc (hạng 187), Tuấn Quỳnh (260), Nam Hải (273), Quang Linh (293) và 2 anh em nhà Phuchong, Phakphoom hạng 213 và 223. Bảng nữ, BB Trung Quốc vẫn tỏa bóng xuống tất cả trừ 5 tay vợt Singapore lần lượt giữ được các hạng 6, 13, 19, 23 và 32.
BB khu vực, nhất là phái mạnh, đang bị lép, còn BBVN là sự xuống cấp toàn diện và rất cần có cuộc giải phấu để tháo gỡ.
|
Đoàn Kiến Quốc là đầu đàn của BBVN, nhưng cánh chim ấy sắp mỏi. |
2. Hãy nói về sự chậm trễ của những tay vợt nữ của BBVN. Nói đúng là sự lạc hậu về nhiều mặt, từ tuyển chọn, huấn luyện cho đến chỉ đạo thi đấu, cho nên bao nhiêu mùa giải đã qua mà chỉ xuất hiện một tay vợt trẻ Nguyễn Việt Linh. Năm ngoái, Việt Linh xuất hiện với lối cắt bóng xa bàn và một mặt vợt gai ngửa phản xoáy, làm liêu xiêu cả 4 tay vợt ở tuyển VN là Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Xuân Hằng, Lương Thị Tám và Võ Thị Hà. Sau sự cố ở TP.HCM khiến các cây vợt phía Nam không dự giải đội mạnh vừa qua, Việt Linh đã vào đến chung kết đơn nữ và thua một cách đáng buồn trước Lương Thị Tám đã chững lại đến nao lòng. Theo chúng tôi, thất bại của cô gái này đã phản ánh sự yếu kém của cả một hệ thống, vì sao thế?
Quan sát Việt Linh thi đấu, dễ thấy là cô bé chỉ chăm chắm cắt bóng càng chặt càng tốt mà đối với các cây vợt tấn công thì ai cùng mong có bóng chặt để tăng lực khiến trái bóng xoáy hơn, mạnh hơn cả về tốc độ góc và tốc độ dài. Việt Linh cũng chưa hề ăn điểm bằng quả phát bóng dù ai cũng biết ưu thế phát bóng (đến nỗi ITTF phải thay đổi luật phát bóng từ 5 quả xuống 2 quả và buộc tung bóng cao 40cm), không hề biết chơi bóng lỏng và thay đổi điểm rơi. Lại nữa, cô gái này và nhiều cây vợt Việt Nam ít khi có được những quân xanh đúng nghĩa, vì thế sau một thời gian, bé Việt Linh đã bị bắt bài là điều dễ hiểu. Cũng vì thế, cô gái không được xếp vào danh sách thi đấu tại kì SEA Gamnes 25, góp phần làm đội nữ đã thua càng thua nhanh. Sự thật khá cay đắng này thuộc về trách nhiệm của các HLV, ở cơ sở và ở ĐTVN.
3. Hôm rồi, khi trao đổi với ông Mai Duy Diễn, nguyên Phó chủ tịch liên đoàn BB Đông Nam Á, tôi giật mình khi được nghe rằng đến nay, các cây vợt BBVN chưa hề được phổ biến quy định về cấm sử dụng chất keo tăng lực, điều mà ITTF buộc các thành viên phải quán triệt từ sau Olympic Bắc Kinh! Sự hồn nhiên, nếu không nói là thiếu trách nhiệm là nguyên nhân của thực tế này và đây chưa là hiện tượng duy nhất. Có lẽ chưa hết, có điều gì đó thuộc về nhận thức trong khâu huấn luyện cần được trao đổi ở một diễn đàn nào nữa, nếu có lợi cho BBVN mà để nhận ra điều này, xem ra cần trở lại quá khứ một chút. Vũ Mạnh Cường lấy 2 vàng đơn nam SEA Games bằng lối đánh “một càng”, khi huấn luyện Cường, người ta chẳng ép anh chuyển sang “hai càng” và nếu nhìn kỹ những cây vợt hàng đầu TG, có mấy ai “hai càng” bởi trên đời này có mấy người thuận cả 2 tay!
Vẫn biết chơi toàn diện là đích đến cần thiết song toàn diện không có nghĩa là buộc phải từ bỏ thế mạnh để đi đến “hai càng”. Nói khác đi, phải chăng TG người ta huấn luyện đỉnh cao dựa theo thế mạnh thiên bẩm mà không “đo ni đóng giày”? Hiện nay ta đang có 2 cây vợt “hai càng” là Nam Hải và Quang Linh, tôi dám chắc 2 anh này không thế lấy giải đơn nam khu vực nếu vẫn chơi như thế, từ mùa giải 2005, người viết đã gọi Nam Hải là cây vợt có lối chơi công chức, hay thì có hay song khó lấy huy chương SEA Games.
Bây giờ, “anh hai” họ Đoàn đã chững lại, những cây vợt còn lại vẫn thi đấu không hề có điều gì khác trước và bộ máy huấn luyện, chỉ đạo họ càng bất biến, những người có tình yêu với BB sẽ còn ngậm ngùi đến bao giờ? Lời nói thẳng, xin ai chớ lấy làm điều.
Theo Thể thao & Văn hóa Online