/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Huấn luyện trực tiếp bởi thầy cô là những VĐV bóng bàn khuyết tật

Vợt bóng bàn

 Ở CLB bóng bàn Q.Tân Bình (TP.HCM) có một câu chuyện thể thao rất hay, đó là học viên nơi đây được huấn luyện trực tiếp bởi thầy cô là những VĐV bóng bàn khuyết tật. 

bong ban khuyen tan

Ông Mai Ngọc Trung hướng dẫn người chơi. Ảnh: Huy Đăng

Thể thao giống như một thách thức cực hạn mà số phận đặt ra cho những con người vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi về thể chất. Nỗ lực để tập luyện, thi đấu thể thao đã là rất khó, có thể mưu sinh trên chính công việc của ngành giáo dục thể chất lại càng khó hơn. Làm sao để họ, những VĐV khuyết tật, có thể chạy quần quật hàng nhiều giờ một ngày để vừa tập luyện vừa dạy học trên những đôi chân gầy gò?

Chạy trên đôi chân gầy

Năm nay 51 tuổi, ông Mai Ngọc Trung được xem là “đại tông sư” trong làng bóng bàn khuyết tật của VN. Gọi như thế không chỉ bởi hàng trăm tấm HCV từ khắp các giải đấu toàn quốc, Para Games... ông giành được trong gần 20 năm thi đấu bóng bàn dành cho người khuyết tật, mà còn bởi cái nghiệp dạy bóng bàn mà ông Trung quyết định đi theo.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với cha là ông Mai Văn Chín, một tay vợt có hạng của miền Nam những năm 1960, ông Trung gặp phải bất hạnh khi sau một cơn sốt bại liệt năm 2 tuổi, chân trái của ông trở nên tàn tật vĩnh viễn. Cũng bởi vậy nên dù có cha là cao thủ trong làng bóng bàn, ông Trung vẫn không thể học bóng bàn từ nhỏ do đôi chân quá yếu. Phải đến tận năm 14 tuổi, cái duyên với môn banh nhựa mới lần đầu đến với ông, từ đó cái tên Mai Ngọc Trung bắt đầu vang danh trong làng bóng bàn VN theo một cách rất đặc biệt.

Do những năm 1970, 1980 nền thể thao nước nhà còn chưa có hệ thống giải đấu dành riêng cho người khuyết tật nên ông Trung phải tham gia thi đấu với các VĐV bình thường tại các giải đấu bán chuyên nghiệp. Tài năng, nghị lực có thừa nhưng vì thiệt thòi từ đôi chân, ông Trung buộc phải giã từ niềm đam mê để kiếm sống bằng những nghề khác. Mãi đến năm 1995, khi Hiệp hội Thể thao người khuyết tật VN ra đời, ông mới có cơ hội quay lại với bóng bàn... Đều đặn giành 2-3 chức vô địch mỗi năm, kèm theo đó là một số khoản tiền thưởng tương đối, ông Trung quyết định quay lại với bóng bàn bằng con đường dạy học và đi đánh giải mỗi năm. Rốt cuộc, sau bao năm tháng, sợi dây đam mê của người đàn ông có đôi chân mỏng manh này đã được nối lại.

Cùng hoàn cảnh, thậm chí còn gian nan hơn nữa là anh Phạm Văn Hoàng, đương kim vô địch bóng bàn khuyết tật toàn quốc ở nội dung thương tật hạng 8. Sinh ra với đôi chân teo quắp do hệ quả từ người cha thương binh bị nhiễm chất độc da cam, từ nhỏ anh Hoàng đã luôn nỗ lực chơi thể thao như một cố gắng vượt qua số phận. Kết quả, anh Hoàng chơi được rất nhiều môn, từ bóng chuyền đến bơi lội, nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là bóng bàn. Anh chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn con đường thể thao một phần vì nó cho tôi nhiều thứ. Tôi từng thử làm nhiều công việc khác nhưng dạy học bóng bàn vẫn có thu nhập ổn định nhất. Bên cạnh đó, nó còn mang lại cảm giác của sự chinh phục số phận”.

Mặc cho những cơn đau thường xuyên phải chịu đựng mỗi khi trái gió trở trời hoặc do chạy quá nhiều, anh Hoàng vẫn kiên trì với con đường của dân thể thao chuyên nghiệp khi đều đặn sáng, tối dạy học, chiều tập luyện, thi đấu. Chuyển từ Hải Phòng vào TP.HCM năm 2006 để sinh sống, anh Hoàng đến đầu quân cho CLB bóng bàn Q.Tân Bình - nơi nổi tiếng là lò bóng bàn khuyết tật của toàn quốc. Được biết trong số các VĐV khuyết tật nơi đây, ngoài anh Hoàng và ông Trung còn có cô Việt Thị Kim Vân (bị tai nạn mất bàn chân phải) là người đi theo con đường dạy học bóng bàn.

Khó khăn từ người... đối diện

Đâu là điều khó khăn nhất với những người thầy, người cô khuyết tật này? Đó có thể là sự mặc cảm bản thân, đôi chân yếu ớt hoặc nguồn thể lực sút kém so với người bình thường, nhưng theo ông Trung chia sẻ: “Khó khăn nhất đến từ cái nhìn của người đối diện”.

Lẽ thường, chẳng tay vợt nào chịu đánh cùng những người thấp cơ hơn, lại càng không học viên nào muốn “bái sư” với người kém tố chất, sức khỏe hơn mình. Phải trải qua một thời gian dài, các lớp học “mắt mờ chỉ đường mắt sáng” của họ mới có thể tồn tại được.

Ông Nguyễn Hồ Thanh, HLV trưởng của CLB bóng bàn Tân Bình, kể: “Thời gian đầu các học viên đến đăng ký đều tỏ ra ngại khi biết sẽ học với những thầy cô bị khuyết tật. Nhiều người bỏ đi ngay lập tức nhưng cũng có một số chấp nhận đăng ký học, coi đó như một sự hỗ trợ mà họ dành cho các người thầy kém may mắn”.

Chị Lê Thị Bích Thoa, học viên của anh Hoàng, chia sẻ: “Nhà tôi gần nên đến CLB này học bóng bàn cho thuận tiện. Ban đầu cũng khá ngạc nhiên nhưng càng học lại càng thấy Hoàng là một HLV dạy giỏi và tận tâm”.

Tất nhiên, công việc dạy học tuy cũng đủ sống nhưng hoàn cảnh của anh Hoàng hay ông Trung vẫn còn rất khó khăn. Thu nhập của họ trung bình mỗi người chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Đó là đã có sự hỗ trợ rất lớn từ CLB bóng bàn quận Tân Bình khi CLB gần như không thu khoản lợi nhuận nào và chỉ khấu trừ một phần tiền bàn vào mức học phí.

Mong Nhà nước hỗ trợ thêm

Ông Nguyễn Hồ Thanh - HLV trưởng của CLB bóng bàn Tân Bình - cho biết hiện ông đang nỗ lực xin một khoản lương trợ cấp mỗi tháng từ phía Sở VH-TT&DL TP.HCM cho các HLV khuyết tật của CLB. Lý do mà ông Thanh đưa ra, bên cạnh những thành tích mà các VĐV này gặt hái cho đoàn thể thao khuyết tật VN nhiều năm qua thì họ còn đóng góp không ít cho phong trào tập luyện bóng bàn của TP.HCM. Những HLV đặc biệt này là minh chứng cho thấy những giá trị mà thể thao mang lại cho người khuyết tật, không chỉ ở góc độ tinh thần mà còn là một cuộc sống thực thụ.

Lớp học ngày càng đắt khách

Khác với những môn thể thao như bóng đá hay quần vợt, bóng bàn không đòi hỏi quá nhiều thể lực, thay vào đó là sự tinh tế, kiên nhẫn. Các tay vợt của CLB đều cho biết ông Trung hay anh Hoàng dù đã “chấp” một đôi chân khuyết tật nhưng khối tay vợt là người lành lặn cũng phải thúc thủ trước họ. Cá nhân ông Trung từng thi đấu nhiều năm trong hệ thống giải bóng bàn hạng B thời trước. Chính nhờ vậy mà những lớp học của ông Trung, anh Hoàng hay cô Vân sau khi vượt qua khoảng thời gian khó khăn ban đầu lại dần trở nên “đắt khách”, khi các học viên phát hiện những HLV khuyết tật nơi đây chẳng thua kém gì ai.

 

 

Nguồn: Huy Đăng 

Bài viết khác: