Tại hai trận bán kết vào chiều 30-11, các VĐV Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh khi vượt qua những ứng cử viên vô địch sáng giá. Cặp Trần Tuấn Quỳnh - Tạ Hồng Khánh loại ứng cử viên viên vô địch sáng giá nhất là Đoàn Kiến Quốc - Đoàn Trọng Nghĩa (Khánh Hòa) với tỉ số 3-2 (11/13, 11/6, 10/12, 11/5, 11/5). Trong khi đó, ở trận bán kết khác, cặp Phan Huy Hoàng - Nguyễn Anh Tú hạ cặp Đào Duy Hoàng - Nguyễn Thành Luân (Bộ Công an) 3-2 (3/11, 11/9, 7/11, 11/7, 11/8).
Cũng ở bán kết, cặp Phan Huy Hoàng - Nguyễn Lê Thùy Dương (Hà Nội) giành HCĐ khi thất bại 1-3 ở bán kết đôi nam nữ trước Lê Tiến Đạt - Vũ Thị Hà (Quân đội).
Tại trận chung kết mang tính nội bộ của Hà Nội vào tối 30-11, cặp Trần Tuấn Quỳnh - Tạ Hồng Khánh đã thắng Phan Huy Hoàng - Nguyễn Anh Tú 3-2 (11/9, 11/9, 8/11, 10/12, 11/7).
Đây cũng là tấm HCV đầu tiên của bóng bàn Hà Nội tại ĐH TDTT toàn quốc năm nay. Trong khi đó, hai HCV khác được xác định trong tối 30-11 đã thuộc về Mai Hoàng Mỹ Trang - Lê Đình Duy (TP HCM) khi thắng Lê Tiến Đạt - Vũ Thị Hà (Quân đội) 3-2 (11/8, 14/12, 9/11, 11/13, 11/5) ở chung kết đôi nam nữ; cặp Lương Thị Tám - Vũ Thị Hà (Quân đội) vô địch đôi nữ khi hạ Mai Hoàng Mỹ Trang - Trần Ngọc Quỳnh Trâm (TP HCM) 3-2 ở chung kết đôi nữ. Đây được coi là bất ngờ lớn tại môn bóng bàn kỳ này.
Trước đó, hai HCV đồng đội nam đã thuộc về Quân đội, HCV đồng đội nữ thuộc về TP HCM. Đến lúc này, TP HCM lẫn Quân đội đều giành được 2 HCV, Hà Nội giành được 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ.
Trận chung kết đồng đội nam, Quân Đội gặp Hà Nội. Cuộc đấu giữa 2 đội bóng đầy duyên nợ này đã diễn ra khá kịch tính. Trận đầu tiên, Đinh Quang Linh (QĐ) thắng dễ Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội) với tỉ số 3-0 (11/4, 11/6, 11/7). Trận 2, á quân SEA Games Lê Tiến Đạt (QĐ0 bất ngờ thua Nguyễn Anh Tú (HN) 1-3 (6/11, 6/11, 12/10, 11/13). Ở trận thứ 3, Dương Văn Nam (QĐ) đã hoàn thành nhiệm vụ với chiến thắng 3-1 trước đàn anh Phan Huy Hoàng (11/3, 11/6, 5/11, 11/6). Trận thứ tư giữa Đinh Quang Linh với Nguyễn Anh Tú đã diễn ra đầy kịch tính. Nguyễn Anh Tú sớm dẫn 2-0 khi đều thắng với tỉ số 11/8. Nhưng Đinh Quang Linh đã có cú lội ngược dòng để thắng ở cả 3 séc sau với tỉ số 11/8, 11/9, 11/8. Chiến thắng 3-2 của Đinh Quang Linh cũng giúp Quân Đội thắng chung cuộc 3-1 để lên ngôi vô địch. Đồng hạng ba là Hải Dương (thua Hà Nội 0-3 ở bán kết), Bộ Công an (thua Quân Đội 2-3 ở bán kết).
Chức vô địch đồng đội nữ thuộc về TP Hồ Chí Minh khi thắng Bộ Công an 3-1 trong trận chung kết. Như thường lệ, Mai Hoàng Mỹ Trang mang về cả 2 trận thắng cho TP Hồ Chí Minh (trước Phan Hoàng Tường Giang với tỉ số 3-1, trước Nguyễn Việt Linh với tỉ số 3-2) để góp công vào chiến thắng cho đội nhà. Đồng hạng ba là Tiền Giang, Quân Đội. Đội nữ Hà Nội bị loại ngay ở vòng tứ kết trước Quân Đội.
Sáng 29-11, các trận đấu nội dung đôi nam nữ đã diễn ra với một số bất ngờ trong đó có việc cặp Trần Tuấn Quỳnh – Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) bị loại sớm bởi cặp Nguyễn Hoàng Chung – Đinh Thị Hằng (Hải Dương) khi thua 1-3.
Diễn ra tại nhà thi đấu Hải Dương từ ngày27-11 đến 2-12, Giải bóng bàn Đại hội TDTT toàn quốc đang vướng phải rất nhiều chuyện lùm xùm trong khâu đăng ký VĐV của các đơn vị.
Cụ thể, ban đầu ban tổ chức đã cấm 14 VĐV của bảy đơn vị gồm Hưng Yên, Vĩnh Long, Tiền Giang, Khánh Hòa, Quân Đội, Bộ Công An, Hải Phòng không được thi đấu vì vi phạm quy chế chuyển nhượng. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận, chín VĐV của sáu đơn vị đã được thi đấu, chỉ có năm VĐV của Hưng Yên không được thi đấu do không có hợp đồng chuyển nhượng VĐV.
Bất công với các CLB
Danh sách đội bóng bàn Hưng Yên đăng ký tham dự đại hội gồm bảy thành viên: trưởng đoàn Nguyễn An Ninh, HLV Vũ Mạnh Cường và các VĐV Vũ Mạnh Duy, Nguyễn Trung Kiên, Lê Đình Đức, Nguyễn Anh Đức, Đinh Anh Hoàng. Trong số này, HLV Vũ Mạnh Cường và năm VĐV đều là người của CLB bóng bàn T&T có trụ sở tại Hà Nội.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng VĐV, HLV của T&T phải khoác áo Hưng Yên để thi đấu là do theo quy chế Đại hội TDTT toàn quốc, chỉ có 63 tỉnh thành và hai đơn vị quân đội, công an mới được dự đại hội. Các CLB thể thao của các doanh nghiệp không nằm trong diện được tham gia đại hội với tư cách một đơn vị độc lập.
Đó là lý do khiến một số CLB bóng bàn mạnh như T&T, Petrosetco phải để VĐV của mình khoác áo các đơn vị khác. Tuy nhiên, trong khi sáu đơn vị đều thực hiện các cuộc chuyển giao trót lọt thì đội Hưng Yên bị cấm thi đấu vì không đủ giấy tờ theo quy định của ban tổ chức.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn An Ninh nói: “Thực chất Hưng Yên không có đội bóng bàn để dự đại hội vì các VĐV bóng bàn của Hưng Yên còn quá nhỏ, đi thi cũng chưa có thành tích. Trong khi CLB T&T có VĐV tiềm năng nhưng lại không được dự giải nên hai bên đã làm công văn để đưa các VĐV của T&T thi đấu dưới tên của bóng bàn Hưng Yên. Kinh phí đi lại ăn ở khi thi đấu tại đại hội, thủ tục giấy tờ cho các VĐV cũng do phía CLB T&T lo hết và nếu có thành tích thì tính cho Hưng Yên.
Tuy nhiên, do ban tổ chức yêu cầu các VĐV phải có hợp đồng chuyển nhượng trước ngày 1-1-2014 trong khi T&T và Hưng Yên chỉ có một công văn cho mượn VĐV để thi đấu tại đại hội nên đội Hưng Yên không được ban tổ chức cho thi đấu”.
Dù vậy đến ngày 29-11, khi giải đã thi đấu được ba ngày và chuẩn bị bước vào nội dung đôi, cá nhân, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hưng Yên vẫn chưa biết đội bóng bàn Hưng Yên không được dự giải. Ông Đỗ Văn Kiểm, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hưng Yên nói: “Tôi chưa biết việc đội bóng bàn Hưng Yên không được thi đấu tại đại hội. Trước đó lãnh đạo sở có giao cho anh em ở dưới làm và bảo anh em nếu thuận thì thi đấu, còn không thì thôi chứ không kiện cáo gì. Hôm nay người phụ trách việc này vẫn chưa báo cáo lại nên tôi không rõ có thi đấu hay không...”.
Không cho mua bán VĐV, lấy ai thi đấu giải
Về hiện tượng mua bán VĐV để lấy thành tích, mặc dù Đại hội TDTT toàn quốc có quy định nhưng do điều lệ lỏng lẻo, các địa phương vẫn tìm đủ mọi cách “lách” nhằm mang về thành tích ảo cho địa phương.
Ông Nguyễn Đức Long, trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, nói: “Mục tiêu của Đại hội TDTT toàn quốc là để đánh giá toàn diện một chu kỳ đào tạo, huấn luyện bốn năm một lần tại các tỉnh, thành, ngành. Tuy nhiên với cơ chế và công tác chuyển nhượng, mua bán VĐV như hiện nay thì không đánh giá được. Một số địa phương như Hải Dương, Quân Đội đầu tư căn cơ từ các lớp trẻ, sau nhiều năm mới ra một thế hệ VĐV thì với cơ chế mua bán VĐV hiện nay, các đơn vị khác mua VĐV của các CLB tạo thành liên quân để đấu lại các địa phương có đào tạo căn bản. Như vậy các địa phương đầu tư từ đầu chắc chắn không thắng lại được liên quân của các đơn vị khác, lại không phản ánh thực chất phát triển thể thao của địa phương”.
Nhưng theo ông Long, cũng không thể cấm VĐV không được chuyển nhượng vì với VĐV, nơi nào phát huy được chuyên môn, kiếm được tiền thì họ đầu quân. Nếu ban tổ chức không cho các VĐV dạng này thi đấu thì giải chẳng còn ai đấu, mà bản chất thì VĐV phải thi đấu nhiều, cọ xát nhiều mới tốt. Vì thế cho đến lúc này, bài toán cho công tác chuyển nhượng, mua bán VĐV ở các đại hội như thế nào để tránh thành tích ảo vẫn chưa có lời đáp.