/* */

Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Giải bóng bàn đại hội TDTT toàn quốc: “Tận thu” lực lượng

 


Do giải đấu này chỉ dành riêng cho 63 tỉnh, thành, cùng 2 ngành (Quân đội, Công an), nên toàn bộ các CLB của doanh nghiệp như Hà Nội T&T, Ngân hàng Công thương, Vietsov Petro... đều không được tham dự. Dù vậy, trong bối cảnh BBVN ngày một khan hiếm tài năng và quy mô phát triển vẫn khá hẹp (bằng chứng là chỉ có 146 VĐV của 14 đoàn dự giải), nên cứ đến Đại hội, các cây vợt bỗng có... “giá” hơn hẳn. Thay vì việc phải làm khán giả, các cây vợt của những CLB doanh nghiệp bỗng trở nên đắt “sô” và được săn đón với những lời mời hậu hĩnh.

Những cái tên vốn nằm trong danh sách “VIP” thì khỏi nói. Kiến Quốc là một ví dụ. Cây vợt từng 2 lần giành vé trực tiếp dự Olympic (hiện đang khoác áo Vietsov Petro) đã quyết định đầu quân tạm thời cho Hà Nội, mà không quay lại thi đấu cho Khánh Hoà, nơi anh đã trưởng thành. Không những thế, Quốc còn kéo theo đồng đội Hồ Ngọc Thuận ở đội bóng ngành dầu khí thi đấu cho Hà Nội để đội nam thủ đô (cùng Tuấn Quỳnh, Nam Hải, Huy Hoàng) có thể cầm chắc tấm HCV. Trong khi đó, bị đội nhà “thất sủng” nhưng Vũ Thái Ngọc Trình (cây vợt số 4 của đội nam Hà Nội) cũng không rơi vào cảnh thất nghiệp. Ngọc Trình lập tức được Khánh Hoà săn đón để ghép cho đủ quân số dự đồng đội nam. Không những đãi ngộ hậu hĩnh, vị trí tiên phong hoặc chủ lực trong đội nam Khánh Hoà cũng đang chờ đợi Ngọc Trình.

Tuy nhiên, những trường hợp của Quốc, Thuận hay Trình vẫn chỉ... chuyện nhỏ. Cá biệt có trường hợp Vĩnh Long cùng lúc “vời” 2 lão tướng ở độ tuổi “tứ tuần” là Vũ Mạnh Cường và Thái Thanh Hương về đầu quân với những toan tính tranh chấp thứ hạng. Chưa biết khả năng cạnh tranh tới đâu, nhưng riêng việc Vĩnh Long có thể thuyết phục các lão tướng trở lại thi đấu đỉnh cao quả là đáng nể. Bởi Mạnh Cường đã chính thức gác vợt hơn 1 năm và chuyển hẳn sang huấn luyện các cây vợt trẻ của HN.T&T. Cũng vẫn là Vĩnh Long, địa phương vốn không lạ lẫm với dân trong nghề về tình trạng “thuê lính” mỗi khi tới giải còn đưa cả cây vợt trẻ Nguyễn Ngọc Tú vào đội hình. Ngọc Tú vốn xuất thân ở Hải Dương (cũng đã đem về khá nhiều huy chương cho Hải Dương ở các giải trẻ), song những bất đồng giữa địa phương với gia đình Tú trong việc tìm ra hướng phát triển lâu dài cho cây vợt này đã khiến con đường sự nghiệp của Tú bị ngắt quãng. Không tìm được chỗ đứng ngay trên quê hương vì không thể cạnh tranh cùng Đức Duy, Tuấn Sơn, Hoàng Chung, Văn Ngọc... song Ngọc Tú vẫn cứ được coi là “cứu tinh” cho Vĩnh Long trong cảnh khó khăn.

Một vài ví dụ trên đây để thấy khả năng “tận thu” lực lượng của BBVN đang ở mức độ nào. Và ngoại trừ nguyên nhân thiếu hụt nhân tài, một lý do không thể phủ nhận là quy định trong việc quản lý chuyển nhượng hoặc thuê, mượn VĐV giữa các đơn vị của LĐBBVN dường như quá “thông thoáng”. Dù có mặt tích cực là tạo ra cơ hội thi đấu cho VĐV. Song mặt tiêu cực là VĐV đầu quân đi “tứ xứ” một cách dễ dàng sẽ dẫn đến tình trạng đánh giá thiếu chính xác về thực trạng BBVN. Bởi về hình thức, địa phương vẫn “đều đặn” có huy chương, nhưng thực chất ra sao hẳn ai cũng biết rõ. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới lộ trình phát triển của cả nền BBVN, vốn đã bị bỏ lại rất xa trên trường quốc tế.
Theo Thể Thao Việt Nam

Bài viết khác: