Vợt bóng bàn được nhiều người chơi nhất tại Việt Nam
Cốt vợt Sardius. Đây là cốt vợt Carbon có tốc độ nhanh nhất của Hãng Butterfly, đã xuất hiện hơn 20 năm trên thị trường. Thông tin cốt vợt sardius xin vui lòng xem tại cốt vợt sử dụng nhiều nhất Sardius
Vẫn biết đội tuyển bóng bàn Việt Nam nhiều năm nay luôn có sẵn những mâu thuẫn và đã không ít lần có những sóng gió.
Bệnh "quân anh, quân tôi" dẫn đến những mâu thuẫn không thể dung hoà trong đội tuyển bóng bàn chính là nguyên nhân dẫn đến vụ hai tuyển thủ Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt đánh nhau đến toác đầu, chảy máu. Thế nhưng, mâu thuẫn đến mức thượng cẳng chân, hạ cẳng tay dẫn đến đổ máu của hai VĐV Đội tuyển Quốc gia (ĐTQG) Lê Tiến Đạt và Tô Đức Hoàng khi đang tham dự giải Vô địch Đông Nam Á tại Lào vừa qua thì đúng là chuyện không còn gì để nói. Cũng chẳng phải vô cớ mà hai VĐV này lao vào "xử" nhau trước mặt bao người, trong đó có cả thầy mình. Nhiều người đã sớm dự báo, với cách điều hành, quản lý của môn bóng bàn hiện nay, không có chuyện mới lạ.
Loại hai VĐV khỏi ĐTQG, cách chức HLV trưởng
Sau khi nghe các bên tường trình về sự việc, Tổng cục TDTT đã chỉ đạo Liên đoàn và bộ môn bóng bàn xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn đã kiểm điểm nghiêm khắc các cá nhân liên quan, nhưng vẫn phải chịu mức án kỷ luật. Theo đó, hai VĐV Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt tạm thời sẽ bị loại khỏi ĐTQG, trả về địa phương. Ngoài ra, do công tác quản lý không đến nơi đến chốn, HLV Lê Xuân Phong sẽ bị cách chức HLV trưởng ĐTQG.
Từ quân...
Vụ việc xô xát giữa 2 VĐV Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt có nguyên nhân từ sự mâu thuẫn của cả hai trước khi lên đường tham dự giải. Trước đó, phía CLB Tập đoàn Dầu khí quốc gia (DKQG) đã có công văn kiện lên Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) và thậm chí là dọa gửi lên cả Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH - TH&DL) vì VĐV của mình là Tô Đức Hoàng không được gọi vào đội tuyển. Đặc biệt, phía CLB Tập đoàn DKQG phản đối quyết liệt chuyện BHL ĐTQG đã gọi VĐV Lê Tiến Đạt, người được xem là không đủ tiêu chí tuyển chọn. Tuy nhiên, VĐV này chính là học trò ruột của HLV trưởng Lê Xuân Phong ở đoàn Quân đội. Mâu thuẫn đã bắt đầu xảy ra từ đó và chỉ cần những cái "lườm đểu", Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt bất chấp cả hình ảnh ĐTQG lao vào nhau xô xát trước sự ngỡ ngàng của bạn bè quốc tế tại phòng ăn của BTC.
Theo tường trình của VĐV Tô Đức Hoàng, Tiến Đạt đã có những lời lẽ xúc phạm trước, thậm chí còn chửi: "Anh câm mồm đi". Bị xúc phạm, Đức Hoàng hất cốc nước vào mặt Tiến Đạt. Sự việc tưởng như kết thúc tại đó nhưng ngay sau khi bước ra cửa, Tiến Đạt vì cay cú đã đạp vào người Đức Hoàng, hai bên lúc này chẳng còn gì phải giữ ý, lao vào nhau như hai con mãnh thú và máu đã đổ... Cuộc ẩu đả chỉ dừng lại khi các thành viên còn lại trong đội kịp lao ra can ngăn kịp thời, chứ không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
... Đến tướng
Chỉ đạt thành tích 2 HCB, 6 HCĐ tại giải bóng bàn Đông Nam Á được xem là một thất bại với ĐT bóng bàn Việt Nam. Điều đáng nói, dường như đã có những bất ổn trong việc bố trí đội hình thi đấu của HLV trưởng Lê Xuân Phong khiến các VĐV không phục, dẫn đến trận thua bất ngờ trước ĐT Indonesia ở nội dung đồng đội nam trong trận bán kết.
Thông tin được một thành viên trong đội kể lại sau khi về nước khiến không ít người bị "sốc". VĐV Đào Duy Hoàng do không được bố trí vào đội hình ra quân tại nội dung đồng đội nam trong trận bán kết gặp Indonesia, đã bật khóc giữa nhà thi đấu.
HLV trưởng Lê Xuân Phong quyết định sử dụng VĐV trẻ Lê Tiến Đạt ở vị trí tiên phong. Điều đáng nói, Tiến Đạt chính là VĐV đáng lẽ bộ môn bóng bàn và BHL ĐTQG phải gạt khỏi danh sách vì không đủ tiêu chí tuyển chọn trước đó. Tuy nhiên, không chỉ sử dụng VĐV này ở nội dung đồng đội nam khiến các VĐV còn lại bị ức chế, dẫn đến trận thua "muối mặt" trước đối thủ dưới cơ Indonesia, HLV Lê Xuân Phong còn ưu ái cho học trò ruột của mình ở đoàn Quân đội thi đấu ở 3 nội dung nữa. Như vậy là đúng với lo ngại của nhiều người trước giờ ĐT bóng bàn lên đường, dù đã gọi trở lại các VĐV đủ tiêu chí nhưng HLV Lê Xuân Phong vẫn ưu ái "gà nhà".
Lý giải về quyết định vì sao lại sử dụng Tiến Đạt, HLV Lê Xuân Phong cho biết: "Trong 6 VĐV của ĐT nam, Tiến Đạt hoàn toàn xứng đáng được xếp đánh ở nội dung đồng đội nam. VĐV này không những trẻ tuổi mà còn có ý chí thi đấu rất tốt. Đáng tiếc là giải này phong độ của Tiến Đạt khá phập phù nên kết quả không như mong đợi". Việc trao cơ hội cho Tiến Đạt ở 4 nội dung, dù VĐV này không có phong độ tốt, theo ông Phong là do mình đang có sự đầu tư Tiến Đạt cho tương lai?. Quan điểm của ông Phong là các VĐV trẻ cần được trao cơ hội được thi đấu cọ xát nhiều giải quốc tế.
Bệnh "quân anh, quân tôi" vẫn luôn tồn tại trong nội bộ tuyển bóng bàn. HLV trưởng ĐTQG thì chỉ chăm chút cho học trò ruột cùng đơn vị chủ quản mà bỏ mặc các VĐV khác. Chính điều này đã khiến các VĐV bị ức chế và hậu quả như nào thì tất cả cũng đã rõ. Càng đáng trách hơn, thay vì giải quyết dứt điểm những yếu kém, chính giới quản lý bộ môn lại muốn bưng bít, thoái thác trách nhiệm. Ông trưởng bộ môn đã giấu nhẹm sự việc khi nói rằng: "Tôi không theo đoàn, tôi không biết việc gì". Đến khi bị báo chí phanh phui sự việc, thì chính ông trưởng bộ môn này lại giải thích: "Trẻ con đùa cợt nhau chứ không có gì to tát, chẳng qua bên ngoài cứ phóng đại lên thôi".
Sự việc khép lại với án phạt kỷ luật với hai VĐV và HLV trưởng ngày hôm qua, nhưng một lần nữa cho thấy công tác giáo dục các VĐV ở các CLB và ĐTQG hiện nay thực sự đáng báo động. Riêng với ĐT bóng bàn, đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố. Tổng cục TDTT cũng cần phải đánh giá lại công tác quản lý của môn này để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian tới.