Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Thành danh nhờ bóng bàn, làm giàu nhờ kinh doanh

 Lên ngôi ở tuổi 13

Tình cờ gặp lại Nhan Vị Quân trong vai trò doanh nhân, thật bất ngờ, sau bao năm chị vẫn giữ được vóc dáng nhỏ gọn, sự trầm tĩnh và ăn nói nhỏ nhẹ của ngày xưa, dù giờ đây chị đã là chủ một doanh nghiệp khá lớn và nổi tiếng. Khi được hỏi chuyện “ngày xưa”, chị bồi hồi nhớ lại với ánh mắt long lanh lẫn tự hào.

hinh anh van dong vien bong ban

Nhan Vị Quân (bìa phải) và gia đình của chị - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhan Vị Quân đến với bóng bàn bằng cách tự học lóm từ người anh Nhan Hiếu Hồng vốn có lối chơi ôm bàn, buộc đối phương di chuyển và đặc biệt rất thông minh trong xử lý đường bóng. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, chị đã trở thành hiện tượng và đi vào lịch sử của bóng bàn Việt Nam khi ở tuổi 13 vượt qua các đàn chị Vũ Thị Noen (Quân đội), Nguyễn Bích Ngọc (Hà Nội), Lê Thị Kim Tiếng (TP.HCM)… để lên ngôi vô địch giải các đội mạnh toàn quốc tại Vĩnh Long năm 1986. Rất nhanh chóng sau đó, Quân có đầy đủ bộ sưu tập cao nhất của bóng bàn nữ Việt Nam. Tại SEA Games năm 1991, Nhan Vị Quân cùng Trần Thu Hà đem về cho bóng bàn tấm HCV đồng đội nữ đầu tiên và duy nhất cho đến giờ, sau khi đánh bại đội tuyển rất mạnh thời đó là Indonesia.

Tuy nhiên, sau vinh quang tại kỳ SEA Games ấy, Nhan Vị Quân bất ngờ nói lời chia tay với bóng bàn khi tài năng đang chín mùi ở tuổi 18 để đi học, lấy chồng, có con và bước vào kinh doanh trong sự tiếc nuối của người hâm mộ. Chị tâm sự: “Ngày đó tôi vẫn rất đam mê bóng bàn và cũng nghĩ sẽ gắn bó với nó suốt cuộc đời. Nhưng khi nhìn lại, tôi đành chia tay để chuẩn bị cho tương lai”.

Làm kinh doanh nhưng vẫn nhớ bóng bàn

Năm 1993 ở tuổi 20, Nhan Vị Quân lập gia đình với anh Châu Quốc Hùng, người luôn theo ủng hộ mỗi khi chị đi thi đấu. Sau thời gian đi học, Quân bắt đầu bước vào kinh doanh, và cùng người chị của mình thành lập Công ty dịch vụ vận tải Nghi Phong. Được một thời gian công ty phát triển mạnh mẽ thì một lần nữa chị phải chia tay để giúp chồng mình quản lý công ty và xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Nghệ Xương khá hoành tráng ở Q.Bình Tân, TP.HCM.

Sau 20 năm sống cùng nhau, anh Hùng và chị Quân có 3 người con. Con gái đầu của chị hiện 19 tuổi, sau thời gian đi học tại Singapore nay đã trở về giúp ba mẹ quản lý công ty. Con trai kế 14 tuổi đang còn đi học và con trai út thì mới ra đời cách đây 3 tháng. Mặc dù mẹ thành danh nhờ bóng bàn, nhưng các con chị lại đam mê bóng rổ và bóng đá. “Các con của tôi thích chơi môn nào thì tôi cho chơi môn đó. Nhưng chỉ là chơi cho khỏe vì ở Việt Nam thú thật dù rất cố gắng vẫn chưa thể sống được bằng nghề thể thao”, chị nói.

Dù khá bận rộn với công việc kinh doanh và gia đình, Quân vẫn dành thời gian tập luyện thể dục tại nhà. Chính vì vậy chị vẫn giữ được vóc dáng thon gọn sau rất nhiều năm nghỉ bóng bàn. Nhưng với niềm đam mê của mình, chị luôn có mặt ở một góc trên khán đài tại những giải bóng bàn Cây vợt vàng hay giải vô địch quốc gia cách đây vài năm, để lặng lẽ theo dõi các đàn em mình thi đấu. Chị tâm sự:“Các em ngày nay dường như không còn nhiều đam mê như thời của tôi dù điều kiện hơn hẳn ngày trước. Ngày đó chỉ cần cầm chiếc huy chương lấp lánh hay lãnh thưởng chiếc ti vi hoặc máy nghe nhạc là đã sướng lắm rồi. Bây giờ dù tiền thưởng không thấp nhưng tôi vẫn có cảm giác nhiều VĐV còn hờ hững. Bên cạnh đó, bóng bàn Việt Nam rất cần những người đứng đầu thật tâm huyết, đủ uy tín tập hợp và lôi kéo các mạnh thường quân. Khi đó tất cả mới chung tay góp sức để đưa bộ môn này đi lên”.

Nhan Vị Quân sinh ngày 19.1.1973. HCV đồng đội nữ SEA Games 16 năm 1991. Vô địch đơn nữ bóng bàn Việt Nam năm 1988 và 1989. Vô địch đơn giải các đội mạnh năm 1986 cùng nhiều chức vô địch Việt Nam ở nội dung đôi và đồng đội.

 


Bài viết khác: