Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Ông Mai Duy Dưỡng

 

Ngày còn thanh niên, ông Dưỡng là VĐV bóng đá kiêm bóng bàn. Với bóng đá, ông có một danh hiệu mà VĐV thời đó mơ ước: chức vô địch Đông Dương. Ông đã cùng ĐT Bắc Kỳ giành danh hiệu này năm 1944. Với bóng bàn, ông từng đoạt HCV nội dung đôi nam giải VĐ Đông Dương (1943). Ông là thủ quân (VĐV kiêm HLV) của ĐT Bắc Kỳ, là thủ quân của CLB bóng bàn Nam Định (Pingpong Club Namdinh) nhưng cũng là thành viên đội bóng đá Nội Châu (Hà Nội).

Mai Duy Duong nguoi xay ngoi nha bong ban VN
Ông Mai Duy Dưỡng (trái) và em trai Mai Duy Diễn hiện là Phó Chủ tịch LĐ bóng bàn VN

Sau khi ông lèo lái ĐT Bắc Kỳ giành chức vô địch Đông Dương đơn nam và đôi nam, dân bóng bàn Sài Gòn hết sức khâm phục, họ nhìn thấy ở ông tài tổ chức, tài chỉ huy, liền mời ông vào làm thủ quân Pingpong Club Dacao. Đây là việc chưa từng có lúc đó. Ông sống và làm việc ở Pingpong Club Dacao hơn 1 năm, quan hệ rộng tới nhiều tỉnh của ĐBSCL, uy tín trong giới bóng bàn và người hâm mộ rất lớn. Việc này rất có lợi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi ông trở lại Sài Gòn tập hợp lực lượng những người yêu thích bóng bàn, khôi phục và phát triển phong trào.

Năm 1945, Pháp ném bom Sài Gòn, định trở lại cướp nước ta một lần nữa. Ông Dưỡng về Bắc sinh sống. Tháng 3/1946, Nam Định thành lập Ty thanh niên thể dục Nam Định, ông là trưởng ban TDTT. Tháng 4/1946, Hội Thể thao Bắc kỳ thuộc Nha thanh niên thể thao được thành lập, ông phụ trách môn bóng bàn. Trong năm 1946, ông đã tổ chức được 5 giải (giải miền Bắc Bắc bộ, Đông bắc Bắc bộ, Nam Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ). Tuy nhiên, VCK chưa kịp tổ chức thì toàn quốc kháng chiến, mọi chuyện phải xếp lại.

Ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến rồi theo đại quân trở về tiếp quản Thủ đô, công tác tại TƯ Đoàn. Lúc đó, cán bộ chuyên môn rất thiếu, nhớ đến chức vụ phụ trách bóng bàn của ông hồi đầu năm 1946, người ta đưa ông sang phụ trách TDTT Hà Nội. Nhờ uy tín của ông hồi còn là VĐV bóng bàn, bóng đá, ông nhanh chóng tập hợp lực lượng những người từng hoạt động TDTT trong thành, biến họ thành nhân cốt của phong trào TDTT sau hoà bình.

Lực lượng này được nhân rộng trong người lao động, thanh niên, học sinh nên đã có một đoàn đại biểu của giới TDTT Hà Nội tham gia cuộc diễu hành đón Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ trở về Thủ đô tại vườn hoa Ba Đình. Lực lượng này về sau có rất nhiều người trở thành HLV các môn thể thao của Hà Nội. Có người trở thành lãnh đạo của ngành TDTT Hà Nội.

Ông được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc với mục đích ra trường sẽ đi làm kinh tế thì cơ quan TDTT TƯ được thành lập. Hai nhà lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này đi họp hội nghị 4 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Triều Tiên được nghe đại biểu Trung Quốc nói là tại giải bóng bàn thế giới Tokyo (4/1956), qua đoàn Trung Quốc, đoàn miền Nam VN cộng hòa muốn tìm hiểu bóng bàn miền Bắc, tìm hiểu cựu vô địch Đông Dương Mai Duy Dưỡng hiện ra sao. Hai ông này về báo cáo lại với Trung ương, thế là ông Dưỡng được đưa hẳn sang cơ quan TDTTTW, chuyên phụ trách môn bóng bàn.

Một tháng sau, theo yêu cầu của cấp trên, ông đã cho ra mắt ĐTBB Việt Nam dân chủ cộng hoà đi thi đấu giao hữu tại Trung Quốc với mục đích chính trị nhiều hơn là chuyên môn. Nhưng sau khi từ Trung Quốc về, ông Dưỡng đã tổ chức giải vô địch BB miền bắc đầu tiên,“Giải xuân hè 1957” với các thành phần công thương, thanh niên, phụ nữ, HSSV, công nhân, thi đấu riêng rẽ. Mục đích của giải là khôi phục phong trào, tập hợp và đánh giá lực lượng.

Ông nghĩ đến việc xây dựng lực lượng mới bằng cách bàn với TƯ Đoàn tổ chức giải “Cây vợt trẻ báo Tiền Phong”, đặt vấn đề với báo TNTP tổ chức giải thiếu niên. Tiếp theo là tổ chức giải nhi đồng.

Nhớ lại kinh nghiệm hồi còn làm thủ quân bóng bàn Nam Định, ông đề xuất xây dựng phong trào bóng bàn nghiệp dư ở 3 trung tâm bóng bàn lớn của miền bắc là Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng và 4 “vệ tinh” kẹp giữa là Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông. Phong trào này về sau đã cung cấp cho ĐT bóng bàn miền Bắc rất nhiều VĐV xuất sắc mà đại diện là Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Thị Mai.

Bên cạnh việc xây dựng phong trào, ông chú ý đến bồi dưỡng cán bộ. Lớp đào tạo HLV miền Bắc đầu tiên được mở ra (1959). Ông cũng nghĩ đến việc xây dựng những cánh chim đầu đàn để phát triển phong trào. Những VĐV chuyên nghiệp được hình thành nằm trong Trường HLKTTDTTTƯ. Từ lớp này, ông chủ trương xây dựng lối đánh Việt Nam bên cạnh việc tiếp thu những lối đánh tiên tiến của thế giới.

Sau ngày đất nước thống nhất, việc khôi phục bóng bàn miền Nam được coi trọng. Uy tín của thủ quân Pingpong Club Dacao ngày trước giúp ông rất nhiều trong việc tập hợp lực lượng bóng bàn TP.HCM, trung tâm bóng bàn lớn nhất miền Nam. Những kinh nghiệm của miền Bắc sau ngày giải phóng được áp dụng, có thay đổi chút ít cho phù hợp với tình hình.

Năm 1977, giải “Cây vợt trẻ” toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Đồng Nai. Đây là giải thử nghiệm để chuẩn bị cho giải VĐQG đầu tiên vào năm 1978 tại Quy Nhơn (Bình Định). Tổ chức tại Bình Định là có lý do. Hà Nội và TPHCM đều ráo riết đăng cai, tình hình khá căng. Ông chọn Bình Định là sân chơi trung gian và cả 2 trung tâm đều hài lòng. Sau giải này, việc các địa phương đăng cai không còn là vấn đề lớn nữa.

Năm 1979 lớp HLV cho các tỉnh phía Nam đầu tiên tổ chức tại TP.HCM. Ông Dưỡng vừa là nhà tổ chức, vừa là giảng viên bởi nếu ông không làm việc đó sẽ rất khó kéo những người từng tham gia giải VĐTG hoặc các giải châu Á như Lê Văn Tiết (thứ 6 thế giới), Lê Văn Inh, Lê Văn Tân... đến lớp học. Từ họ, bóng bàn các tỉnh phía Nam đi vào quy củ và phát triển mạnh mẽ.

Điều ông tâm đắc nhất là sau khi ông về hưu (1979), mối quan hệ của ông với giới bóng bàn toàn quốc vẫn rất sâu nặng, bền vững. Ông chỉ hơi phiền lòng là do quá bận rộn vì công việc mà đã không thể theo học một lớp chuyên môn chính quy nào. Khi còn khoẻ, ông vẫn đều đặn tham gia các hoạt động bóng bàn.

Năm nay 87 tuổi nhưng ông Mai Duy Dưỡng vẫn rất minh mẫn, khoẻ mạnh, thường xuyên theo dõi phong trào bóng bàn qua báo chí, tivi và các học trò. Ông là một đại thụ, là người có nhiều công lao xây dựng ngôi nhà bóng bàn Việt Nam.

 

 


Bài viết khác: