Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Những cuộc so tài đỉnh cao trên bàn bóng

 Ngày ấy, bóng bàn miền Bắc đang có những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Dương Đức Hiếu và Nguyễn Đức Long (tân vô địch miền Bắc…


Đó là những ngày hè đầu tiên của một giải thể thao toàn quốc sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày 30/4 năm ấy, dù lần lượt có những chuyến viếng thăm và thi đấu giao hữu của thể thao hai miền Bắc-Nam nhưng giới hâm mộ thể thao cả nước vẫn háo hức chờ đợi một giải thể thao cấp quốc gia, để qua đó vừa chứng kiến sự hội ngộ của nền thể thao Việt Nam thống nhất, mặt khác có cách so sánh trình độ chuyên môn của vận động viên hai miền...

Nhung cuoc so tai dinh cao tren ban bong

Vương Chính Học. Ảnh: Phan Sang

Năm 1978, giải bóng bàn VĐQG được xem là đi đầu cả nước về quy mô tổ chức, giới hâm mộ khắp nơi đều chờ xem giải sẽ được tổ chức ở đâu. Sau khi tính toán, Ban tổ chức của Tổng cục TDTT đã quyết định lấy tỉnh Bình Định là địa điểm tổ chức giải.

Hơn nửa năm chờ đợi, người hâm mộ nghiên cứu rất kỹ lực lượng bóng bàn cả nước, đặc biệt là các cây vợt thuộc hai trung tâm lớn nhất là Hà Nội và Sài Gòn.

Điểm binh

Ngày ấy, bóng bàn miền Bắc đang có những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Dương Đức Hiếu và Nguyễn Đức Long (tân vô địch miền Bắc)… Còn tại Sài Gòn, đang nổi như cồn là ê-kip bóng bàn của báo Tin sáng với tay vợt hàng đầu Vương Chính Học từng nhiều lần lấy giải cao.

Cây vợt Vương Chính Học là niềm tự hào của bóng bàn miền Nam cũ, tên tuổi lừng lẫy. Ngày miền Nam mới giải phóng, tôi từng đến thăm CLB bóng bàn của tay vợt họ Vương tại quận Phú Nhuận, tận mắt nhìn thấy chiếc vợt rất đẹp của anh treo tại đây, sau đó lại chứng kiến buổi tập của nhà vô địch miền Nam này và có thể nói là đã có ấn tượng tốt về tay vợt đẹp trai ấy: Kỹ thuật hoàn hảo, bộ pháp rất đẹp, chơi hai bên đều và có quả phát xoáy.

Trước giải, một bài bình luận trên tờ báo đăng tại Sài Gòn, trong đó đã đề cập đến khả năng ai sẽ là nhà vô địch đơn nam tại giải đầu tiên. Sau khi phân tích về tay vợt Ngọc Phan, tác giả kết luận: “Cây vợt miền Bắc chơi rất khá, song anh này khó mà đủ sức để vượt qua nhà vô địch miền Nam là Vương Chính Học”.

Vì thế càng gần đến ngày khai mạc, giải đơn nam càng được sự quan tâm của giới mộ điệu, là vấn đề trung tâm của mọi cuộc trao đổi xung quanh lần chạm trán lịch sử này.

Tại miền Bắc, đội nam Đại học Từ Sơn là mạnh nhất lúc ấy vì có bộ tứ Phan- Hiếu - Quỳnh - Long. Trận tứ kết đơn nam, Phan sẽ gặp Long. Lúc đó, đoạt giải nhất đơn nam sẽ có một ý nghĩa hết sức quan trọng và Ban huấn luyện tính toán rằng nếu để Long gặp Học trong trận cuối sẽ rất khó giành thắng lợi, tự bản thân Long cũng ý thức được điều ấy khi đã biết tên tuổi danh thủ họ Vương.

Song vì tay vợt trẻ này lại vừa thắng đàn anh Nguyễn Ngọc Phan tại giải vô địch miền Bắc năm 1977 nên Ban huấn luyện nói mãi vẫn không chịu nghe. Có người nhớ rằng khi ban huấn luyện đề xuất Long nên vì chiến lược đường dài mà nhường cho Phan, tay vợt tỉnh Đông còn nói với HLV trưởng: “Cháu có ốm cũng vẫn thắng được anh Phan”. Tuổi trẻ mà!

Quyết đọ thấp cao

Không thuyết phục được, cả ban huấn luyện vào xem cuộc chơi của Phan - Long với tâm trạng nặng nề. Đức Long trẻ khoẻ đã dẫn 2-1, khiến HLV trưởng nhíu mày. Hiệp 4, Đức Long lại dẫn 19-16 và Phan cầm bóng. Lập tức, HLV của anh chỉ đạo cho Phan phát xoáy về bên trái và khi bóng qua lưới chỉ việc tấn công ngay vào bụng, Phan làm đúng và thắng 21-19. Hai người hoà 2-2 và chơi tiếp hiệp quyết thắng.

Tại hiệp thứ năm, khi Long đã dẫn 20-19, trong một pha cứu bóng xa bàn, Phan bị ngã và đầu đập vào bàn, bóng bay cao lên, Long chạy tới dùng hết sức “đập ruồi” nhưng không may bóng đi ra ngoài, 20-20, sau đó, Phan bình tĩnh thắng lại 22-20 và thắng chung cuộc 3-2.

Trận bán kết giữa hai tay vợt cùng “lò” Huy - Phan kết thúc nhanh chóng. Nguyễn Trường Huy thua vì thiếu bản lĩnh. Nguyễn Ngọc Phan được vào chung kết.
 

Nhung cuoc so tai dinh cao tren ban bong
Nguyễn Ngọc Phan. Ảnh: Phan Sang

Nhánh bên kia, sau mấy loạt đấu và trận bán kết diễn ra giữa Vương Chính Học và tay vợt đàn em Trần Tuấn Anh mới lên, cây vợt họ Vương đã dễ dàng có trận thắng trước Tuấn Anh - người sau đó trở thành nhà vô địch đơn nam đến 7 mùa và năm 2003 đã là HLV đội nam Việt Nam tại SEA Games 22.

Quang cảnh trước trận chung kết đơn nam tại nhà thi đấu Bình Định sôi động đến nghẹt thở. Không ai đếm được đã có bao nhiêu người hâm mộ đến xem cuộc thi đấu mà bà con cho là cực kỳ đặc biệt này.

Còn tại Sài Gòn, do không có điều kiện ra miền Trung dự khán trận đấu kinh điển ấy nên rất nhiều người xem đã đến toà soạn báo Tin sáng, chen chúc ở bên ngoài để chờ nghe tường thuật trực tiếp bằng điện thoại từ miền Trung điện vào.

Trong khi đó, vị HLV trưởng của đội Đại học Từ Sơn cũng chuẩn bị rất kỹ cho Nguyễn Ngọc Phan, nhắc lại điều anh từng tâm sự sau khi Phan đã được tận mắt nhìn thấy lối đánh của tay vợt Vương Chính Học.

Nhà thi đấu Quy Nhơn bỗng có môt phút im lặng khi hai tay vợt tiêu biểu cho hai trường phái, nói rộng ra là hai tay vợt đại biểu cho hai nền thể thao mà bao năm qua chưa từng chạm trán, một trận đấu có một không hai. Sau một phút nín thở là những tiếng hoan hô như vỡ ra, ủng hộ cho cả hai tay vợt.

Hai tay vợt, hai lối đánh và cả hai đã hiểu rõ rằng giới thể thao cả nước đang dõi theo mỗi trái bóng của họ. Họ nhìn thẳng vào mắt nhau trong giây lát và bình tĩnh giao trả những miếng đánh vừa kín kẽ lại vừa nảy lửa. Phan với sở trường chơi đôi công xa bàn bằng mặt vợt phản xoáy, còn Học ôm bàn tấn công như muốn nuốt chửng tay vợt bên kia.

Cuối cùng, tay vợt Hải Dương Nguyễn Ngọc Phan đã giành thắng lợi chung cuộc ở tỷ số 3-1 rất thuyết phục, cũng là một kết quả làm nhiều người bất ngờ đến khó tin.

Trận chung kết lịch sử ấy đã thêm ý nghĩa khi ở bên bàn nữ, cây vợt Nguyễn Thị Mai của Hà Nội cũng thắng đối thủ Trần Việt Hoa 3-0 để cùng đồng đội Nguyễn Ngọc Phan bước lên bục vinh quang.

Khúc vĩ thanh

Thời gian như bóng câu qua thềm, 39 năm trôi qua kể từ ngày tổ chức giải vô địch toàn quốc Việt Nam thống nhất, những “người năm xưa” nay đã trưởng thành và họ không quên kỷ niệm cũ.

Tay vợt kỳ cựu Nguyễn Ngọc Phan và Nguyễn Thị Mai hiện đã về hưu, Nguyễn Đức Long từ Chủ nhiệm CLB bóng bàn tỉnh Hải Dương đã trở thành Trưởng bộ môn Bóng bàn (Ủy ban TDTT), Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Trường Huy và cả Dương Đức Hiếu là các doanh nhân, Trần Văn Quỳnh là Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2 thuộc Ủy ban TDTT.

Người HLV năm nào của họ, ngày ấy là Trưởng bộ môn Bóng bàn của trường Đại học TDTT Từ Sơn, hôm nay chính là vị đương kim Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT và Chủ tịch Ủy ban Olympic QG Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Danh Thái.

Ama Lâm (Tiền Phong)


Bài viết khác: