Nhà sản xuất

Danh mục sản phẩm

Đoàn Kiến Quốc

Biết cầm vợt vì nhờ bố chơi bóng bàn… dở

Đoàn Kiến Quốc năm học lớp 1, đoạt chức VĐ HKPĐ của tỉnh

Bố mẹ của Quốc là ông bà Đoàn Tình - Phạm Thị Thanh đều là dân gốc Bình Định tập kết ra Bắc. Năm 1977 ông chuyển về làm giảng viên khoa vô tuyến điện tại Học viện Hải quân và bà làm giáo viên trường Bùi Thị Xuân, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang.

Vốn là người rất mê thể thao, từng là đội trưởng đội bóng chuyền, có chân trong đội bóng đá của đơn vị nhưng môn thể thao mà ông “say” nhất vẫn là bóng bàn. Thế nhưng điều đáng buồn là bóng bàn lại không mê ông lắm. Trước ngày giải phóng, trong đơn vị chỉ có một bàn chơi nên anh em đánh một set ai thua phải ra.

Trong khi đó, tay vợt của ông chỉ ở hạng dưới trung bình nên cứ phải chầu rìa dài dài. Có những buổi bị đánh văng ra ngoài ngồi đợi cả tiếng đồng hồ nên ông vừa thèm vừa ức. Ông quyết tâm sẽ tậu riêng cho mình một cái bàn để đánh cho “hả giận”.

Sau khi ổn định công tác và được bố trí một căn hộ tại phường Vĩnh Nguyên, công việc trước tiên của ông là sắm cho mình một bàn bóng bàn để đánh cho đã, khỏi phải sợ ai đuổi ra. Thế nhưng ngày ấy khó khăn đào đâu ra một cái bàn! Ông có sáng kiến xin đơn vị 2 tấm bảng đã cũ mang về thuê thợ mộc làm một cái bàn dã chiến để thỏa ước mong lâu nay của mình.

Thế là những lúc rảnh rỗi ông xách vợt ra tự dợt một mình, về sau để có “đối thủ” cọ xát, ông tìm cách lôi kéo mấy cậu con trai vào cuộc. Lúc đầu là Đoàn Hoài An, Đoàn Hải Quân tập tễnh vào nghề, còn Kiến Quốc lúc đó mới biết đi chập chững nhưng đã chạy lon ton nhặt bóng cho bố và các anh chơi.

Về sau Hoài An được tập huấn cùng đội tuyển thành phố (sau này thi đậu vào khóa 1 trường năng khiếu tỉnh), ông lại quay sang dụ Đoàn Kiến Quốc và cậu út Đoàn Trọng Nghĩa. Khi mới 5 tuổi, Quốc đã được bố và các anh cho cầm vợt, chính từ những bài học vỡ lòng đó, cộng với sự đam mê đến kỳ lạ mà tay vợt của Quốc đã tiến bộ đến không ngờ.

Khi phát hiện ra năng khiếu của Quốc, ông Tình đã có một quyết định cực kỳ sáng suốt là quyết tâm đào tạo con mình thành một tay vợt xuất sắc sau này. Hàng ngày, sau giờ nghỉ ông lại đạp xe lên CLB Bóng bàn Lê Thành Phương để nhờ các thầy ở Trung tâm Nha Trang huấn luyện.

Anh Nguyễn Văn Khanh, nguyên trước đây công tác tại Phòng TDTT Nha Trang nhớ lại: Ngày ấy CLB Lê Thành Phương là nơi sản sinh ra những tay vợt xuất sắc của thành phố và của tỉnh. Tôi nhớ bố của Quốc hàng ngày vẫn cặm cụi chở cậu bé trên chiếc xe đạp cọc cạch đến tập. Quốc lúc đó mới học mẫu giáo nhưng lại say mê và siêng năng vô cùng. Có lẽ đó chính là tố chất làm nên một nhà vô địch sau này'.

Hai anh em Quốc - Nghĩa những ngày đầu ở trường năng khiếu nghiệp vụ tỉnh Khánh Hòa

Năm 1986, lúc đang học lớp 1 trường Tiểu học Vĩnh Nguyên, Quốc đã không có đối thủ đồng trang lứa và em đã đại diện cho trường đi dự Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn thành phố. Lần ra mắt đầu tiên thật ấn tượng, Quốc lần lượt hạ các cây vợt “hạt giống” để giành tấm HCV đầu tiên, trong đó có các anh lớp 5 đều là bại tướng dưới tay chú bé còn thò lò mũi xanh.

Chính từ đây Quốc đã lọt vào mắt xanh của các HLV Hà Duy Trang, Nguyễn Văn Hòa và đến khi bước vào học lớp 3 em được gọi vào trường năng khiếu của tỉnh, và 3 năm sau cậu em Trọng Nghĩa cũng tiếp bước anh.

Từ tấm HCV năm lớp 1 đến 2 tấm vé dự Olympic

Đến nhà Kiến Quốc - Trọng Nghĩa, ta thấy đặt trang trọng giữa nhà là một chiếc tủ kính lưu giữ bộ sưu tập các tấm huy chương, các loại cúp trong suốt hơn 25 năm cầm vợt của cặp anh em này. Tính từ tấm HCV của Quốc đoạt được tại HKPĐ TP. Nha Trang năm học lớp 1 đến nay, số HCV ở các giải đấu trong nước và quốc tế của họ đã trên 100 chiếc, cùng hàng chục chiếc cúp.

Còn nhớ cách đây 4 năm Kiến Quốc nhận được giấy triệu tập dự tranh vòng loại Olympic Athens khi vừa nhập học Đại học tại chức TDTT tại Nha Trang chỉ được 10 ngày. Xác định đây là mục tiêu hết sức khó khăn vì cả khu vực Đông Nam Á chỉ có một vé duy nhất, lại nghỉ tập trong một thời gian dài để ôn thi nên Quốc hết sức lo lắng. Các tay vợt xuất sắc nhất Đông Nam Á được chia thành 4 bảng thi đấu vòng tròn.

Thế nhưng khi vào trận anh càng đánh càng hăng, Quốc nằm ở bảng D và anh đã lần lượt thắng các tay vợt Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ở vòng tứ kết, Quốc vượt qua Phuchong Sanguansin (Thái Lan), bán kết thắng Nguyễn Nam Hải 4-1 và vào chung kết thắng đương kim vô địch SEA Games 22 Trần Tuấn Quỳnh 4-2 để giành quyền đến Athens.

... và những ngày cùng góp mặt trong ĐTQG. Ảnh: Hiển Vinh

Còn ở Olympic lần này lại có một tâm trạng khác. Trong 2 năm gần đây, Kiên Quốc không còn được đánh giá cao do đã qua thời đỉnh cao, anh lại tập trung cho việc học hành để chuẩn bị một nghề nghiệp ổn định sau khi gác vợt. Dể dàng nhận thấy bộ môn bóng bàn đã không còn tập trung đầu tư vào tay vợt của Khánh Hoà mà đang chuyển hướng quan tâm vào những tay vợt trẻ hơn.

Riêng tại quê hương, Quốc cũng không được ưu ái, chăm sóc như trước mặc dù chế độ ở đây đã hết sức bèo bọt. Vậy mà vượt lên tất cả anh đã lập nên kỳ tích mà bất kỳ tay vợt nào trong khu vực cũng phải thèm muốn.

Vui, buồn 25 năm cầm vợt

Bà Thanh, mẹ của Quốc nói vui: “Số thằng Quốc là tiền hung hậu kiết. Lần đầu tiên đi dự giải suýt mất HCV, cái lần hắn đi HKPĐ năm lớp 1, vào trận chung kết thua một anh cao lêu nghêu, cu cậu chỉ đứng ngang thắt lưng. Thế nhưng sau đó Ban tổ chức phát hiện có sự nhầm lẫn vì anh này là học sinh cấp II được “trà trộn” vào. Vậy là Quốc nhà ta nghiễm nhiên được HCV.

Nhưng thót tim nhất là vào năm 1992 đi dự giải bóng bàn các trường năng khiếu tại Đà Lạt; do không được giữ ấm nên Quốc bị ho và sốt cao. Vậy mà Quốc vẫn đánh thắng mấy đối thủ khác như giỡn chơi nên Ban tổ chức đặc cách không phải đánh trận chung kết nhưng vẫn được nhận HCV.

Quốc đã có 25 năm gắn bó với bóng bàn. Ảnh: Hiển Vinh

Thế nhưng khi về đến nhà thì cháu đã bệnh quá nặng, gia đình cho nhập viện ngay và bác sĩ chẩn đoán là Quốc bị viêm phổi, cả 2 phổi đầy nước. Các bác sĩ cho biết may nhờ tập luyện thể thao, thể trạng tốt nếu không sẽ nguy kịch. Thương con đứt ruột”.

Còn chuyện buồn thì không phải là ít. Đơn cử như sau SEA Games 21 trong buổi lễ tuyên dương các VĐV của tỉnh tham dự SEA Games, trong khi lãnh đạo các huyện lên tặng quà động viên VĐV địa phương mình thì 2 anh em Quốc - Nghĩa chẳng thấy ai đoái hoài đến. Sau đó, Quốc về nói với bố mẹ: “Biết vậy, lúc chiều bố kiếm một gói quà lên tặng cho anh em con cho đỡ quê”.

Đáng nhớ nhất là trước khi bước vào SEA Games 22, chuyên gia Trung Quốc đã đề nghị xếp Quốc và Nghĩa đánh đôi nhưng cuối cùng lại không được chấp nhận. Riêng Quốc phong độ ổn định, lại là đương kim vô địch quốc gia nhưng đến phút chót mới biết mình không được xếp đánh đơn. Những ngày ấy Quốc thực sự bị sốc, chính nhờ sự động viên của gia đình, Ban Giám đốc Sở nên anh đã ở lại vì màu cờ sắc áo và đã thi đấu hết mình, được đánh giá là một trong những tay vợt thi đấu ổn định tại SEA Games 22.

Tâm sự với Quốc chúng ta còn biết được những chuyện buồn mà nói ra khiến anh còn ấm ức. Có ai biết toàn bộ thu nhập của Quốc hàng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng, nếu thi đấu đi lại nhiều thì xem như chẳng còn được bao nhiêu.

Chế độ đãi ngộ của địa phương dành cho anh em Quốc- Nghĩa gần như chẳng có gì. Ngay như đợt tham dự tuyển chọn vừa qua, do bỏ mấy môn học nên Quốc phải xin tiền mẹ để nộp tiền học phụ đạo vì không ai giải quyết cho khoản này cả.

Đến nhà Quốc bây giờ chúng ta thấy cái bàn bóng dã chiến ngày nào vẫn được cất giữ rất cẩn thận như một kỷ niệm đẹp của gia đình họ. Và thỉnh thoảng tại đây, ông Tình lại được đọ sức cùng những nhà vô địch. Khác với ngày nào, dù bị thua tan nát nhưng ông chẳng sợ bị ai đuổi ra và còn “dám” chê người khác đánh dở, kể cả tay vợt giành được vé đến Olympic Bắc Kinh 2008.

  • Anh Bằng

( nguồn : http://vietbao.vn/The-thao/Kien-Quoc-chuyen-bay-gio-moi-ke/20992040/186/ )


Bài viết khác: